Viên chức quản lý tại các cơ sở giáo dục cần có tiêu chuẩn gì?

03/01/2024 06:46
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người được bổ nhiệm viên chức quản lí phải có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định là một trong những điểm mới của Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 07/12/2023.

Bài viết này phân tích 3 nội dung: Quy định mới về bổ nhiệm viên chức quản lý; tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý; thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Ảnh minh hoạ trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh hoạ trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quy định mới về bổ nhiệm viên chức quản lý theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP

Trước đây Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định thời hạn viên chức giữ một chức vụ quản lý tại khoản 2 Điều 43 như sau:

“2. Thời hạn viên chức giữ một chức vụ quản lý không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nếu như trước đây viên chức giữ một chức vụ quản lý không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp thì tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định này đã thay đổi.

Theo đó tại khoản 23, Điều 1 Nghị định 85 quy định:

“2. Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.

Như vậy từ 07/12/2023, khi Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu thực thì viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Bên cạnh đó, quy định thời gian giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm được giữ nguyên như cũ là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý từ 07/12/2023

Nghị định 85/2023/NĐ-CP cũng đã sửa đổi Điều 44 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý.

Theo đó tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý từ 07/12/2023 như sau:

Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên; nhân sự nguồn từ nơi khác thì phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên.

Trường hợp đặc biệt thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ ba, có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương tối thiểu là 02 năm; nếu không liên tục thì được cộng dồn và chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ tương đương, trừ trường hợp được bổ nhiệm lần đầu.

Trường hợp đặc biệt thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ tư, có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Về điều kiện tuổi bổ nhiệm:

- Viên chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm.

Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định.

Bên cạnh đó, viên chức phải đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao, không thuộc các trường hợp:

- Bị cấm đảm nhiệm chức vụ;

- Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật;

- Đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật Đảng, pháp luật.

Đối với viên chức bị kỷ luật trong thời gian giữ chức vụ thì không bổ nhiệm cũng như không giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong thời hạn theo quy định của Đảng, của pháp luật.

Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác

Trường hợp nhân sự do cấp có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài cơ quan, đơn vị hoặc do cơ quan, tổ chức đơn vị đề xuất thì cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ tiến hành các công việc gồm 03 bước như sau:

Bước 1: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhân sự về chủ trương bổ nhiệm.

Bước 2: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo nơi nhân sự dự kiến bổ nhiệm đang công tác tổ chức lấy phiếu. Người được đề nghị bổ nhiệm phải đạt số phiếu trên 50% tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu xem xét, quyết định; trường hợp đạt tỷ lệ dưới 50% thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, tổ chức.

Gặp nhân sự được dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị (nơi nhân sự công tác hoặc nơi dự kiến bổ nhiệm) hoặc nhân sự được dự kiến bổ nhiệm còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất thì cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-115-2020-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-vien-chuc-453968.aspx

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-dinh-sua-doi-quy-dinh-ve-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-119231216112421606.htm

https://hieuluat.vn/chinh-sach-moi/quy-dinh-moi-ve-bo-nhiem-vien-chuc-quan-ly-theo-nghi-dinh-85-2712-48898-article.html

Phan Thế Hoài