Biến động mức điểm chuẩn những ngành học “hot" tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM

27/04/2024 06:21
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Công nghệ thực phẩm; Marketing; Quản trị kinh doanh là những ngành có điểm chuẩn cao trong nhiều năm qua tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Được thành lập từ năm 1982 với tên gọi đầu tiên là Trường Cán bộ Kinh tế kỹ thuật thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 40 năm xây dựng và phát triển với 33 chương trình đào tạo đại học, kỹ sư, cử nhân; 10 chương trình đào tạo thạc sĩ, 3 chương trình đào tạo tiến sĩ.

1.jpg
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam vào năm 2035, với 4 giá trị cốt lõi “Nhân văn - Đoàn kết - Đổi mới - Tiên phong” làm cơ sở định hướng phát triển.

Trên website nhà trường có thông tin về sứ mạng của trường như sau: “Đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức, kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế”.

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ tại 140 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn.

Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019 – 2023, số phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường không có nhiều thay đổi.

STT
Tên phương thức tuyển sinh
Năm 2019
Năm 2020
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
1
Xét tuyển thẳng
x
x
x
x
2
Xét theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
x
x
x
x
x
3
Xét kết quả học bạ bậc trung học phổ thông
x
x
x
x
x
4
Xét kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
x
x
x
x
x

Năm 2019, trường thực hiện 3 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; Xét tuyển theo kết quả học bạ bậc trung học phổ thông; Xét kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Năm 2020, nhà trường sử dụng thêm phương thức: Xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xét học bạ lớp 10, 11, học kì 1 lớp 12.

Các năm 2021, 2022, 2023, nhà trường giữ ổn định các phương thức xét tuyển bao gồm:

Phương thức 1: Xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học.

Phương thức 2: Xét tuyển học bạ trung học phổ thông của lớp 10, 11 và của học kỳ 1 lớp 12.

Phương thức 3: Xét tuyển thí sinh theo kết quả điểm bài thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và Ưu tiên xét tuyển thẳng.

Theo thông báo tuyển sinh năm 2024 của nhà trường, nhà trường dành khoảng 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các tổ hợp môn xét tuyển từng ngành học; phương thức 2 (sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông của năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12) trường dành khoảng 30% chỉ tiêu; Phương thức 3 (sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024) khoảng 5% chỉ tiêu; Phương thức 4 (xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án) nhà trường dành khoảng 5% chỉ tiêu.

Tỷ lệ cho từng phương thức theo thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ cho từng phương thức theo thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển sau: A00 (Toán, Vật lý và Hóa học); A01(Toán, Vật lý, tiếng Anh); B00 (Toán, Sinh học và Hóa học); D07 (tiếng Anh, Toán, Hóa học); D01(Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh); Khối D09 (Toán, Tiếng Anh và Lịch sử); D10 (Toán, Địa lí, tiếng Anh); D15 (Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh).

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.

Cụ thể, trong năm 2020, trường bắt đầu tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Trung và Quản trị khách sạn.

Năm 2021, nhà trường mở nhiều ngành mới gồm: Marketing; Kinh doanh thời trang và dệt may; Quản trị kinh doanh thực phẩm; Quản lý năng lượng; Kỹ thuật nhiệt; Kỹ thuật hoá phân tích.

Năm 2023, nhà trường mở các ngành: Công nghệ tài chính, Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu.

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường theo từng năm qua biểu đồ sau :

Trong 4 năm, từ năm 2019 đến năm 2022, nhà trường giữ ổn định 3500 chỉ tiêu. Sang đến năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của trường là 6.300.

Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Marketing là những ngành học thường nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao (theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Năm 2019, ngành Công nghệ thực phẩm có mức điểm cao nhất là 20.25, các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế có mức điểm dao động trong khoảng 17 điểm – 20 điểm.

Điểm chuẩn các ngành năm 2019 tăng hơn năm 2018 từ 0,5 điểm – 3 điểm, ngành có mức tăng cao nhất (3 điểm) là ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Năm 2019, ngành này lấy 20 điểm.

Điểm chuẩn các ngành “hot” tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019-2023
Điểm chuẩn các ngành “hot” tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019-2023

Năm 2020, ngành Công nghệ thực phẩm có điểm chuẩn cao nhất với 22,50 điểm, tăng 2,25 điểm so với năm 2019. Xếp tiếp theo là 3 ngành: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với 22 điểm.

Năm 2021, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn tăng 1-3,5 điểm so với năm 2020, ngành cao nhất là Công nghệ thực phẩm, Marketing cùng mức điểm 24.

Năm 2022, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường dao động trong khoảng từ 16 đến 24.

Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc, cùng lấy 24 điểm. Kế đến là Công nghệ thông tin với 23,5. So với năm 2021, điểm chuẩn vào các ngành này giữ nguyên hoặc tăng 1 điểm.

Điểm chuẩn trúng tuyển Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023 dao động 16 - 22,5 điểm. Theo đó, ngành Marketing có điểm chuẩn cao nhất lấy 22,5 điểm, tiếp theo là ngành Thương mại điện tử lấy 22 điểm.

Thu Trang