Năm học 2023-2024, ở cấp Trung học cơ sở đang học 2 chương trình khác nhau, đó là: các lớp 6,7,8 học chương trình 2018 và lớp 9 học chương trình 2006. Những lớp học chương trình 2018 có 12 môn học, lớp 9 có 14 môn học/ năm.
Đối với cả 2 chương trình phổ thông đang giảng dạy ở cấp Trung học cơ sở thì các môn Toán, Văn, Anh luôn nằm trong số những môn học có số tiết nhiều nhất/tuần và những môn học này đang được học sinh đi học thêm nhiều nhất. Nghịch lí ở chỗ, dù là môn học có số tiết nhiều nhất, học thêm nhiều nhất nhưng theo tìm hiểu của người viết, điểm trung bình 3 môn này có xu hướng luôn thấp hơn trong tổng số các môn học.
Đặc biệt là ở lớp 9, điểm Toán, Văn, Anh càng thấp hơn, trong khi những môn học còn lại thì điểm cao ngất ngưởng, đa phần học sinh được tổng kết điểm giỏi và khá.
Vì sao tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi (tốt) các môn Toán, Văn, Anh thấp?
Theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào thì học lực của học sinh được xếp thành 5 loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém (Thông tư này đang áp dụng cho các lớp học chương trình 2006).
Đối với Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt (Thông tư này đang áp dụng cho các lớp học chương trình 2018).
Như vậy, theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT thì xếp loại học lực của học sinh theo từng môn đối với mức cao nhất là loại “giỏi” (từ 8,0 điểm trở lên) và thấp nhất là “yếu, kém” (dưới 5,0 điểm). Còn việc xếp loại học lực học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì mức cao nhất là “tốt” (từ 8,0 điểm trở lên) và thấp nhất là “chưa đạt” (dưới 5,0 điểm).
Điều giáo viên dễ dàng nhìn thấy nhất trên phần mềm điểm điện tử hoặc phụ huynh có thể thấy trên phiếu liên lạc, điểm điện tử của con em mình là điểm các môn học khác thường rất cao nhưng điểm Toán, Văn, Anh lại khá thấp. Tỉ lệ học sinh có điểm giỏi (tốt) rất khiêm tốn.
Thậm chí, có trường hợp điểm môn Toán, Văn, Anh ở một số lớp không có, hoặc chỉ một vài em đạt điểm giỏi (tốt). Đây là điều hoàn toàn trái ngược với điểm trung bình môn đối với tất cả các môn học của học sinh. Lí giải vấn đề này có nhiều cách khác nhau.
Có người cho rằng kiến thức môn Toán, Văn, Anh khó, nặng về số tiết và đòi hỏi kiến thức nền vững chắc ở lớp dưới mới có thể học được ở lớp trên. Một số môn học khác thiên về học thuộc, hoặc giải quyết tình huống thực tế nên dễ lấy điểm hơn.
Có ý kiến cho rằng các môn Toán, Văn, Anh điểm thấp thì giáo viên mới có thể kéo học sinh đến nhà học thêm được. Nếu điểm giỏi (tốt) nhiều thì học sinh đến nhà thầy cô để học thêm làm gì.
Có ý kiến lại nói 3 môn Toán, Văn, Anh là những môn nền tảng để học sinh thi cử, định hướng khối thi, xét tuyển đại học sau này nên kiến thức thường khó khăn hơn các môn học khác…
Để mà kiến giải về nguyên nhân, có lẽ sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng, chắc chắn một điều mà ai cũng có thể nhìn thấy là các môn Toán, Văn, Anh ở cấp Trung học cơ sở là những môn mà lâu nay các địa phương đều chọn làm môn thi bắt buộc ở kỳ thi tuyển sinh 10.
Nếu các môn thi tuyển sinh 10 mà cũng đánh giá điểm cao ngất ngưởng như các môn học khác không chỉ hại cho học trò mà còn hại cho giáo viên đang giảng dạy các môn học này.
Bởi lẽ, giáo viên bộ môn dạy Toán, Văn, Anh- nhất là những thầy cô đang dạy ở lớp 9 mà tổng kết quá nhiều điểm giỏi, điểm khá cho học sinh lớp mình phụ trách thì sau khi thi tuyển 10, nếu điểm thấp đì đẹt thì sẽ nói làm sao với lãnh đạo nhà trường và phụ huynh học sinh.
Thực tế cho thấy, điểm tuyển sinh 10 ở nhiều địa phương trong những năm qua khá thấp. Chỉ trừ những trường Trung học phổ thông chuyên; những trường Trung học phổ thông ở khu vực thị thành- những nơi dân cư đông đúc và điều kiện kinh tế phát triển lấy điểm chuẩn ở mức cao.
Phần nhiều các trường Trung học phổ thông không chuyên còn lại ở nhiều địa phương chỉ lấy điểm chuẩn ở mức bình quân 4-5 điểm/ môn, thậm chí nhiều trường chỉ ở mức 1-2 điểm/ môn. Chính vì điểm thi thấp nên phần nhiều các địa phương luôn áp dụng hình thức nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán để “kéo” điểm chuẩn lên.
Vì thế, nếu giáo viên bộ môn Toán, Văn, Anh mà tổng kết điểm cao như những môn học còn lại thì sau khi có kết quả tuyển sinh 10, Sở sẽ thống kê điểm từng môn của từng trường Trung học cơ sở; từng huyện (thị) để gửi về các trường, các tổ chuyên môn thì giáo viên sẽ gặp nhiều phiền toái.
Nếu các môn học khác cũng thi tuyển sinh 10 và cũng được đánh giá sát như Toán Văn, Anh
Thực ra, những năm qua cũng có một vài địa phương lựa chọn môn thi thứ tư, hoặc tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh 10 nhưng rất ít. Đa số, các địa phương vẫn đang lựa chọn 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh. Chỉ có các thí sinh dự thi ở trường Trung học phổ thông chuyên có thêm môn thứ tư.
Có lẽ, các môn học còn lại không thi tuyển vào 10 và đa số là đề trường ra nên gần như giáo viên nào dạy thì làm đề cương, đề kiểm tra luôn. Vì vậy, đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng na ná như đề cương mà giáo viên đã phát, đã ôn cho học sinh trước đó.
Chỉ khác là đề cương có nhiều hơn một vài câu hỏi trắc nghiệm và tự luận nên học sinh khi kiểm tra gần như đã thuộc lòng đáp án mà thầy cô đã ôn trong tiết ôn tập. Chuyện các môn học này đạt được điểm 9, điểm 10 nhiều là điều tất yếu. Chỉ trừ những em không chịu học mới đạt điểm khá hoặc trung bình.
Vì thế, điểm các môn không nằm trong diện những môn thi tuyển sinh 10 luôn có tỉ lệ điểm giỏi, điểm tốt cao hơn rất nhiều các môn thi tuyển sinh. Đồng thời, nó cũng kéo điểm trung bình môn của học sinh lên, danh hiệu học sinh giỏi của trường cũng nhiều hơn.
Thực tế, ở không ít nơi, "bệnh thành tích" vẫn còn vì tiêu chí tỉ lệ giỏi (tốt) năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước và tiêu chí này cũng được lồng ghép trong xét thi đua cá nhân và tập thể trường học.
Hơn nữa, những lớp đang học chương trình 2006 hiện nay đang thực hiện đánh giá, xếp loại học lực của học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nên việc học sinh được xếp loại học lực giỏi khá đơn giản.
Chỉ cần các môn học đánh giá bằng nhận xét xếp loại “Đạt”; các môn đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn từ 8,0 điểm trở lên; không có môn học nào dưới 6,5 điểm và có 1 trong 3 môn: Toán, Văn, Anh đạt điểm trung bình cả năm 8,0 điểm là được xếp loại “giỏi”.
Các lớp học chương trình 2018 đang thực hiện việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT còn dễ dàng hơn khi đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc, hoặc Học sinh Giỏi vì chỉ cần đạt được số lượng môn theo quy định mà không bị ràng buộc tiêu chí của các môn Toán, Văn, Anh như Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT.
Vì vậy, danh hiệu Học sinh Xuất sắc; Học sinh Giỏi ở các trường Trung học cơ sở hiện nay khá nhiều. Nhiều đến nỗi mà kinh phí của nhà trường không đủ để khen thưởng nên gần như trường công lập nào cũng tiến hành phát thư ngỏ để vận động phụ huynh đóng góp nhằm lấy kinh phí khen thưởng cho học sinh vào dịp cuối năm học.
Giá như các môn học khác cũng có thể là những môn được chọn trong kỳ thi tuyển sinh 10 và cũng được giáo viên đánh giá, xếp loại học lực của học sinh sát với thực tế như Toán, Văn, Anh thì có lẽ con số cũng sẽ khác nhiều.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.