Đa dạng cách phòng chống đạo văn để tăng cường liêm chính học thuật trong CSGDĐH

27/04/2024 06:19
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Liêm chính học thuật được xác định là sự trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm trong hoạt động học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Vấn đề liêm chính học thuật trong học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở nước ta đang ngày càng được chú trọng. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt đối với đào tạo bậc sau đại học (trình độ thạc sĩ và tiến sĩ), các văn bản quy định đều đề cập tới vấn đề bảo đảm liêm chính học thuật, trong đó yêu cầu các cơ sở đào tạo giám sát, kiểm soát vấn đề chống sao chép và xây dựng chế tài, nghiêm túc xử lý khi có vi phạm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo cũng đã ban hành quy định về về liêm chính học thuật trong học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoặc với các tên gọi khác như quy định về kiểm tra trùng lặp, đạo văn trong các sản phẩm luận văn, luận án, sản phẩm nghiên cứu khoa học…

Liêm chính học thuật được xác định là sự trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm trong hoạt động học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

332952336-729186108705457-6271-5336-7234-1683972478.jpg
Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: USSH

Khẳng định sự cần thiết của tính liêm chính học thuật, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ: “Liêm chính thể hiện sự minh bạch, điều này rất cần không chỉ trong đào tạo mà còn cả trong cuộc sống hàng ngày. Thực hành, nâng cao tính liêm chính trong học thuật ngay từ trên giảng đường giúp giáo dục, rèn luyện cho sinh viên các đức tính về sự trung thực, ngay thẳng, từ đó góp phần tạo ra những công dân tốt cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển đất nước”.

Trường Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh được xem là đơn vị tiên phong trong việc đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn các nội dung về trích dẫn, các hình thức đạo văn và kiểm tra đạo văn, các hình thức xử lý hành vi đạo văn và tổ chức thực hiện phòng, chống đạo văn.

Trong đó, một số biểu hiện của đạo văn như sử dụng đoạn văn, thông tin, số liệu, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào sản phẩm của mình mà không chỉ dẫn đầy đủ nguồn gốc tác phẩm trích dẫn; trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình có dung lượng chiếm trên 25% nội dung tác phẩm, dù có thực hiện đúng quy định về trích dẫn nguồn.

Tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người học có thể bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn, thậm chí là buộc thôi học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết, ngoài các quy định về trích dẫn và chống đạo văn, nhà trường còn thành lập Hội đồng Đạo đức nghiên cứu nhằm tư vấn, giám sát các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu, cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và sự an toàn thể chất và tinh thần của các đối tượng con người tham gia nghiên cứu.

Được biết, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập vào cuối năm 2021. Hội đồng này được kỳ vọng sẽ góp vai trò trọng trong việc nâng tầm chất lượng nghiên cứu khoa học của nhà trường theo các chuẩn mực quốc tế.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Quang - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Quy Nhơn chia sẻ, các yêu cầu về liêm chính học thuật, trích dẫn, chống “đạo văn” trong học tập, nghiên cứu khoa học, khảo thí, đánh giá đối với sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đều đã có trong quy chế, quy định đào tạo các trình độ.

Ý nghĩa và sự cần thiết của vấn đề liêm chính học thuật là điều đã được khẳng định và tuân thủ trong tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế nhận thức một cách đầy đủ vấn đề liêm chính học thuật vẫn chưa có sự thống nhất.

Theo Phó giáo sư Hồ Xuân Quang, để nâng cao tính liêm chính học thuật trong hoạt động đào tạo, trước hết cần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, nhà giáo, người học về vấn đề này; xây dựng được môi trường học thuật liêm chính. Trong đó, việc thống nhất các quy định là cần thiết, và phải đảm bảo được lượng hóa cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và chất lượng, chuẩn đầu ra của từng trình độ, từng lĩnh vực, chương trình đào tạo (định hướng nghiên cứu hay ứng dụng…); sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ… trong nhận thức và thực hiện các vấn đề liêm chính học thuật cũng là yêu cầu đặt ra hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các chế tài cụ thể, chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm là hết sức cần thiết, đảm bảo công bằng, bình đẳng và nghiêm minh trong cơ sở giáo dục đại học và giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau...

z4996010882248-2d21907cddfd66af183261e277fbba01-4764.jpg
Ảnh minh họa: USTH

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn, Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần cụ thể và chuẩn hóa các quy định liên quan đến liêm chính học thuật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, cần làm tốt công tác truyền thông, phổ biến, tập huấn về vấn đề liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm. Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về liêm chính học thuật, phân rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan như người học, cán bộ hướng dẫn,...

Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo đã áp dụng các công nghệ hỗ trợ để phát hiện vấn đề đạo văn trong các công bố khoa học, luận văn, luận án… Đại diện các cơ sở đào tạo đều nhận định, với sự hỗ trợ của internet và các phần mềm chống đạo văn, tình trạng thiếu trung thực, phi liêm đã được kiểm soát tốt hơn nhiều so với trước đây.

Để đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở, theo Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn, hiện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng công cụ Turnitin trong kiểm tra đạo văn. Tuy nhiên, thầy Sơn cũng cho rằng, đây chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể dựa hoàn toàn vào tỷ lệ trùng lặp để xác định đảm bảo về liêm chính. Việc nêu cao tính tự giác, nhận thức và sự tuân thủ về liêm chính học thuật trong mỗi người học là điều cần thiết và quan trọng nhất.

Cuối năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ sở giáo dục đại học phải ban hành các quy định nội bộ công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Doãn Nhàn