Giảng viên, nhà khoa học còn tâm lý "ngại" đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

26/04/2024 06:38
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Số lượng sản phẩm khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ chưa nhiều có thể do tâm lý nhà khoa học nghĩ rằng đăng ký bản quyền xong, sản phẩm vẫn có thể bị sao chép.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ.

Năm 2024, WIPO công bố chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo” (IP and the SDGs: Building our common future with innovation and creativity).

Vậy với giảng viên, nhà khoa học công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, việc thực hiện xác lập quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ đang và đã thực hiện ra sao?

Có tâm lý "ngại" đăng ký sở hữu trí tuệ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng - Phó Trưởng khoa Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết vấn đề bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên; được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế (do Chính phủ cấp-PV) hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp-PV).

Trong 5 năm gần đây, Khoa Điện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và tương đương, nhiều đề tài cấp cơ sở. Các đề tài đều mang tính ứng dụng cao nhưng chỉ có 1 sản phẩm đã đăng ký và được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (năm 2021). Để khắc phục hạn chế này, thầy Chưởng cho biết, từ vài năm gần đây, các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí có đề tài sẽ yêu cầu bắt buộc tác giả thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ.

“Hiện nay, đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, các nhà khoa học, giảng viên có sản phẩm cần đăng ký sở hữu trí tuệ, nhà trường đều có chính sách hỗ trợ về kinh phí (giống như chế độ thưởng đối với các bài báo khoa học công bố trên tạp chí uy tín quốc tế). Ngoài ra, giảng viên của trường được ưu tiên đầu tư cho đề tài có đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích”, thầy Chưởng chia sẻ.

web IPDay2024_Key Visual.jpg
Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ góp phần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý – nhà trường – nhà khoa học – doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy phát triển các sản phẩm sáng tạo khoa học trong nước và nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, thầy Chưởng cho rằng, nhiều giảng viên và nhà khoa học chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích cho các công trình khoa học:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của tâm lý “ngại” đăng ký, và chưa có tính bắt buộc đăng ký sở hữu trí tuệ ở mỗi đề tài khoa học.

Thứ hai, khó khăn trong mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích. Mặc dù chủ sở hữu hiểu rõ bản chất của sáng chế nhưng vẫn có phần lúng túng trong mô tả sản phẩm đúng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (phải thể hiện được phạm vi bảo hộ phù hợp với hình vẽ sáng chế). Cách thể hiện nội dung mô tả có nhiều khác biệt so với việc viết bài báo hay bài thuyết minh đề tài khoa học.

“Bản mô tả cần thể hiện được hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật đăng ký; phải có đầy đủ các thông tin, sao cho căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó. Đồng thời, bản mô tả cũng phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghệ của giải pháp kỹ thuật”, thầy Chưởng chia sẻ.

Thứ ba, mất nhiều thời gian để sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ. Thầy Chưởng cho hay, từ lúc nộp đơn đến khi được công bố cấp bằng bảo hộ đăng ký sở hữu trí tuệ cần ít nhất 18 tháng (có khi tới 40 tháng). Trong thời gian thẩm định nội dung, tác giả có thể sẽ phải chỉnh sửa, bổ sung khi Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản yêu cầu. Điều này không chỉ khiến công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ khó thực hiện, mà còn dẫn đến những tranh chấp quyền sở hữu khi có nhiều hơn một nhóm tác giả cùng nộp đơn đăng ký với giải pháp tương tự trong thời gian thẩm định.

“Việc chậm trễ trong thời gian xét và cấp bằng sở hữu trí tuệ cũng do chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về sở hữu trí tuệ trên thế giới”, thầy Chưởng bày tỏ.

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Tô Thị Mai Hương - Phó Ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, nếu chưa được hướng dẫn bài bản, các nhà khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc viết bản mô tả hay đơn đăng ký và trả lời các công văn thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ.

dsc6878-750x500.jpg
Tiến sĩ Tô Thị Mai Hương. Ảnh: website nhà trường

Theo cô Hương, trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm và chú trọng tới các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 177/QĐ-TTg thành lập Hội đồng quốc gia về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng.

Dù nhận thức về tầm quan trọng của bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đang dần được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự nhận ra giá trị và lợi ích của sở hữu trí tuệ.

Cô Hương cho rằng, việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích còn ít là do nhà khoa học chưa hiểu rõ sự khác nhau của các loại hình sở hữu trí tuệ (như bằng độc quyền, hay giải pháp hữu ích, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp,...), không biết loại hình bảo hộ nào là phù hợp với công trình nghiên cứu của bản thân.

Hơn nữa, theo cô Hương, việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế vẫn gặp phải nhiều rủi ro, đặc biệt là chi phí đăng ký quốc tế cao. Chi phí này gây nhiều khó khăn đối với cá nhân nhà khoa học, doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu sản phẩm của họ chưa được áp dụng hoặc chưa chuyển giao sớm.

"Chi phí đăng ký quốc tế cao có thể làm giảm khả năng tiếp cận của các nhà khoa học đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, dù có được tập huấn qua nhưng quy trình đăng ký, làm thủ tục cần thiết, giải quyết vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ vẫn là trở ngại đối với nhà khoa học", cô Hương chia sẻ.

Chia sẻ thêm, theo thầy Chưởng, với các sản phẩm sáng tạo chưa được đăng ký bảo hộ có nguy cơ bị sử dụng trái phép, đặc biệt là với các giải pháp khó giữ bí quyết.

Một nhà khoa học cho biết, bản thân vị này có những sản phẩm nghiên cứu phải mất nhiều thời gian, công sức để đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích. Nhưng sau khi sản phẩm đăng ký xong, nhà khoa học này vẫn không thể ngăn được người khác sao chép ý tưởng từ sản phẩm của mình.

Do đó, vị này cho rằng, nguyên nhân khiến số lượng sản phẩm khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ chưa nhiều có thể do tâm lý nhà khoa học nghĩ rằng việc đăng ký bản quyền xong, sản phẩm vẫn có thể bị sao chép.

"Ở một số nước tiên tiến trên thế giới, nhà khoa học nào có phát minh, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao sẽ được quan tâm ngay đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Còn ở nước ta, việc đăng ký sở hữu trí tuệ tốn nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ, thẩm định nội dung. Chưa kể, các thông tin về quy trình viết và đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế chưa được phổ biến rộng rãi tới các nhà khoa học", nhà khoa học này chia sẻ.

Cần giảm bớt thời gian thẩm định nội dung

Đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học trong đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng, trước hết, cần tăng cường công tác truyền thông về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khoa học.

Đồng thời, các trường đại học cũng cần cụ thể hóa nội dung quy định về sở hữu trí tuệ; thành lập tổ chức chuyên trách trong trường để quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ.

Các trường đại học cũng cần thành lập nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm này phải được giao nhiệm vụ để tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị cho xã hội; nhà trường phải hỗ trợ nhóm nghiên cứu đăng ký quyền sở hữu đối với sản phẩm khoa học hữu ích.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, trang thiết bị cần được đầu tư, nâng cấp để không chỉ phục vụ cho thẩm định viên sở hữu trí tuệ mà còn để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể tra cứu dữ liệu về sở hữu trí tuệ

Ngoài ra, cần thống nhất về quyền lợi cho các nhà khoa học trong thương mại hóa sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ qua các văn bản như: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ,... để thống nhất trong cách thức thực hiện, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các tác giả khi được cấp bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

Còn theo Tiến sĩ Tô Thị Mai Hương, để khuyến khích các nhà khoa học đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cần cải thiện hệ thống thủ tục hành chính (giảm bớt thời gian thẩm định), chi phí đăng ký.

"Các trường đại học, viện nghiên cứu cần tiếp tục tăng cường nhận thức cho nhà khoa học về tầm quan trọng của bảo hộ độc quyền sáng chế. Phải có các khóa đào tạo, tập huấn cũng như hướng dẫn cụ thể cách thức viết bản mô tả, điền đơn đăng ký, hướng dẫn hồi đáp các kết quả thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học và giảng viên. Ngoài ra, các trường đại học, viện nghiên cứu cũng nên có quy định về hỗ trợ tài chính, chia sẻ lợi ích cho các nhà khoa học khi có sản phẩm đăng ký và duy trì các văn bằng sở hữu trí tuệ", cô Hương chia sẻ.

Thêm nữa, cô Hương cho rằng, cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn về quy định quản lý đối với các sản phẩm khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà khoa học trong chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế, hoặc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ từ kết quả nghiên cứu.

Ngọc Mai