Tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên được xét thăng hạng chức danh từ 7/12/2023

24/12/2023 07:58
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ những giáo viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì mới được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Theo quy định mới của Chính phủ, từ ngày 7/12/2023 bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức. Thông tin này khiến hơn 1,5 triệu nhà giáo trên cả nước rất vui mừng.

Tuy vậy, chỉ những giáo viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì mới được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Thứ nhất, một trong những tiêu chuẩn, điều kiện quan trọng mà giáo viên cần đạt theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP đó là:

"Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp".

Giáo viên ở mỗi bậc học sẽ có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Các tiêu chuẩn này nằm rải rác trong các văn bản liên quan.

Ví dụ, khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập yêu cầu tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hạng II có đến 9 tiêu chuẩn. Một số tiêu chuẩn cụ thể như sau (trích):

1) "Có khả năng điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế".

Theo quy định này, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh nơi đơn vị thầy cô giáo đang công tác.

Phương pháp dạy học thường mang tính chủ quan. Vì vậy, mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương pháp tích cực để cải tiến chất lượng dạy học.

Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học cho bậc phổ thông có thể liệt kê như sau: Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống; kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học; tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học; bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh...

2) "Có khả năng nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đổi mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân".

Có thể khẳng định, giáo viên phải là người tiên phong trong đổi mới giáo dục nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Giáo viên dạy học phân hóa theo từng cá nhân học sinh, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

3) "Có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên".

Cần biết, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng là một loại hình nghiên cứu trong giáo dục nhằm thực hiện một tác động hoặc can thiệp sư phạm và đánh giá ảnh hưởng của nó.

Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, khi được áp dụng đúng cách trong trường học, sẽ đem đến rất nhiều lợi ích như: Phát triển tư duy của giáo viên một cách hệ thống theo hướng giải quyết vấn đề mang tính nghề nghiệp để hướng tới sự phát triển của trường học.

Cùng với đó, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định về chuyên môn một cách chính xác; tác động trực tiếp đến việc dạy học và công tác quản lý giáo dục (lớp học, trường học).

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng sẽ giúp giáo viên tiếp nhận chương trình, phương pháp dạy học mới một cách sáng tạo có sự phê phán một cách tích cực.

Riêng việc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực nghiên cứu, phản biện và định hướng cho các dự án. Cho nên, không phải thầy cô giáo nào cũng có thể thực hiện nhiệm vụ này.

4) "Có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh".

Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, giáo viên giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn; tạo niềm tin, niềm vui, hứng thú trong học tập.

Muốn được như vậy, giáo viên cần tổ chức các hoạt động nhận thức từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, hình thành thói quen cho học sinh. Trong đổi mới phương pháp phải có sự hợp tác của thầy và trò, sự phối hợp hoạt động hoạt động dạy với hoạt động học thì mới có kết quả.

5) "Có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lí, hướng nghiệp và công tác xã hội trường học phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục".

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT cho biết, tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Việc tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông cũng giúp hỗ trợ các em rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Như thế, ngoài năng lực chuyên môn, giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) còn phải là một nhà tâm lý giỏi, hiểu thấu đáo những suy nghĩ, tâm tư của học sinh thì việc dạy học, giáo dục học sinh mới mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, tư vấn hướng nghiệp là hoạt động quan trọng ở các trường phổ thông, nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề, về chính bản thân mình, từ đó định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp.

Giáo viên cần giúp học sinh nhận ra được, nắm bắt được những yêu cầu của thị trường lao động, những thông tin về các cơ sở đào tạo nghề, những nhu cầu khác nhau của xã hội đối với những lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, xu hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau.

6) "Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên".

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hạng II. Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên khá dễ, nhưng để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì khó hơn.

Những phân tích trên cho thấy, quy định về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên (trung học phổ thông) ở hạng cao hơn (hạng II) là tương đối khó thực hiện.

Nếu hiệu trưởng nhận thấy giáo viên trung học phổ thông hạng III đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hạng II thì lãnh đạo mới có thể tiếp nhận hồ sơ xét thăng hạng.

Đó cũng là lí do không ít giáo viên lo ngại rằng, mỗi khi quyền lực tập trung quá lớn vào tay hiệu trưởng thì có thể sẽ nảy sinh bất cập, kể cả tiêu cực trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ hai, Công văn 7415/BNV-CCVC quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có nội dung đáng chú ý như sau:

"Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (giữ quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp); đồng thời, tại khoản 2 Điều 2 Nghị định quy định “trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này".

Theo hướng dẫn này, ví dụ, giáo viên trung học phổ thông nếu đã được Sở Nội vụ lên danh sách đủ điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trước ngày 7/12/2023 (Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực) thì vẫn tiếp tục thi.

Sau ngày 7/6/2024 (trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) nếu Sở Nội vụ không tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên sẽ được xét theo quy định tại Nghị định này.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-lam-sao-dam-bao-khach-quan-post239935.gd

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/cong-tac-hoc-sinh-sinh-vien/Pages/Default.aspx?ItemID=5266

https://giaoduc.net.vn/bo-noi-vu-huong-dan-ve-xet-thang-hang-vien-chuc-theo-nghi-dinh-85-gv-nen-biet-post240029.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên