Dự thảo của Bộ GD, viên chức tư vấn học sinh được bổ nhiệm, xếp lương ra sao?

29/04/2024 06:44
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

ảnh minh họa k.jpg
Ảnh minh họa

Mỗi trường phổ thông đều có 1 vị trí viên chức tư vấn học sinh

Tại khoản 3 Điều 7. Định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo viên tiểu học quy định: “3. Vị trí việc làm tư vấn học sinh: Mỗi trường tiểu học được bố trí 01 người. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.”

Tại khoản 4 Điều 12. Định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo viên trung học cơ sở quy định: “4. Vị trí việc làm tư vấn học sinh: Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí 01 người. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.”

Tại khoản 4 Điều 17. Định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo viên trung học phổ thông quy định: “4. Vị trí việc làm tư vấn học sinh: Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí 01 người. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.”

Như vậy, theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT từ 16/12/2023, mỗi trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bố trí 1 viên chức hoặc 1 kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ tư vấn học sinh, giảm bớt căng thẳng, giải tỏa bớt áp lực,…của lứa tuổi học sinh hiện nay.

Tuy nhiên, đến nay cả nước chưa thể bố trí vị trí trên vì chưa có hướng dẫn cụ thể về bổ nhiệm, xếp lương cũng như quy định rõ về tiêu chuẩn khi được tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức tư vấn học sinh và chưa có quy định được hưởng khi giáo viên kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn học sinh,…

Giáo viên kiêm nhiệm chức danh tư vấn học sinh chưa phát huy hiệu quả?

Theo Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vị trí tư vấn học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể bố trí 1 viên chức hoặc giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đều chưa có viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học đường.

Các trường cũng có thể linh hoạt phân công giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học sinh nhưng cũng chưa có quy định về quyền lợi, trách nhiệm, số tiết được giảm khi kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn học sinh,….

Thực tế thời gian qua, nếu giao giáo viên kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học sinh không thật sự hiệu quả vì thiếu chuyên môn, không có những phương án thuyết phục, giải tỏa bức xúc, tâm lý học sinh,…

Lực lượng tư vấn học sinh phải được đào tạo bài bản, am hiểu tâm lý từng cấp học, sẽ có phòng tư vấn riêng đủ phương tiện hỗ trợ giúp học sinh giải tỏa những tâm lý bất ổn, căng thẳng, lấy lại thăng bằng trong học tập, công việc và cuộc sống,…muốn như vậy thì lực lượng tư vấn học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nên là lực lượng chuyên biệt, có trình độ chuyên môn, tâm lý,…

Với hàng chục ngàn trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay, lực lượng tư vấn học sinh được cho là có nhu cầu rất lớn, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người nếu đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu tuyển dụng.

Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh ra sao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ [1]

Tại Điều 8. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24.) đối với viên chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định hoặc đang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này;

Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24.) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng III lên hạng II;

Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22.) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I.

Tại Điều 9. Xếp lương

Tại khoản 1 dự thảo quy định: Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

b) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

c) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22.) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Theo dự thảo, viên chức tư vấn học sinh được bổ nhiệm xếp lương viên chức hạng I, II, III có hệ số lương tương đồng với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I, II, III.

Điều này cũng sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các người có trình độ chuyên môn, đáp ứng tiêu chuẩn ứng tuyển vào các vị trí này tại các trường phổ thông và trường chuyên biệt.

Người viết cho rằng, dự thảo về xếp lương cho viên chức tư vấn học sinh là phù hợp, trước đây các nhân viên trường học thường chỉ được xếp lương trung cấp, cao đẳng chịu nhiều thiệt thòi.

Tại khoản 2 của dự thảo quy định về chuyển xếp lương như sau: việc chuyển xếp lương đối với trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, nếu viên chức tư vấn học sinh nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng thời gian giữ hạng sẽ được dự thi thăng hạng, được nâng lương,…theo quy định hiện hành.

Và quan trọng là từ 01/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, vị trí tư vấn học sinh là viên chức được xếp lương từ bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, được chuyển từ lương hiện hưởng sang bảng lương mới, khi đó thu nhập cũng sẽ cải thiện đáng kể.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-bo-nhiem-xep-luong-vien-chuc-tu-van-hoc-sinh-119240412165421993.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam