Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng ngành giáo dục và các trường phổ thông thực hiện chương trình 2006 ở các lớp 5; 9; 12. Trong 3 lớp cuối cấp của 3 cấp học phổ thông thì học sinh lớp 5 không phải xét hoặc thi tốt nghiệp.
Đối với học sinh lớp 9 ở cấp trung học cơ sở sẽ thực hiện xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh 10 (những em đăng ký tuyển sinh). Học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học (những em có nguyện vọng).
Nếu so với các năm học trước, học sinh lớp 9 và lớp 12 năm nay có những khó khăn và thuận lợi riêng. Khó khăn là nếu như các em rớt tốt nghiệp thì việc xét hoặc thi lại sẽ gặp khó vì sang năm lớp 9 và lớp 12 đã học chương trình 2018.
Nhưng, có lẽ sẽ có những thuận lợi nhất định vì đây là khóa cuối cùng nên các nhà trường, địa phương cũng sẽ bớt khắt khe hơn trong chuyện xét hoặc thi tốt nghiệp. Vì thế, một số chỉ đạo, thực hiện các kế hoạch giáo dục cũng được các cấp triển khai có phần nhẹ nhàng hơn trước đây.
Có những Sở không ra đề kiểm tra cuối kỳ II cho học sinh cuối cấp như mọi năm
Nếu như những năm học trước đây, đa phần các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ I và cuối học kỳ II cho học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đối với đề lớp 9, Sở thường ra đề 3 môn: Toán; Văn; Ngoại ngữ. Lớp 12 thì Sở sẽ ra đề Toán; Văn; Ngoại ngữ và bài kiểm tra tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (giống như đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông).
Việc Sở ra đề có một dụng ý rất rõ ràng là nắm tình hình giảng dạy ở các nhà trường. Đồng thời, thông qua việc ra đề của Sở sẽ giúp nhà trường, học sinh làm quen với cấu trúc đề thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sau này.
Học sinh sẽ được làm quen với đề mà thầy cô trong trường, thầy cô dạy thêm không thể nào “gà” bài trước được. Từ đó, góp phần đánh giá chính xác hơn về hiệu quả giảng dạy ở các nhà trường.
Vì vậy, những môn Sở ra đề thường không có nhiều điểm cao. Thậm chí, có môn điểm dưới trung bình (5,0 điểm) nhiều hơn điểm trên trung bình.
Nhưng, các trường xem đây là chuyện bình thường vì quan niệm đề Sở ra bao giờ cũng khó hơn nhà trường. Hơn nữa, kiến thức thường rộng hơn, không giới hạn như đề của trường nên học sinh phải ôn kiến thức dàn trải hơn.
Năm học 2023-2024, có Sở vẫn tiếp tục ra đề kiểm tra cuối học kỳ I nhưng bước sang giữa kỳ II thì Sở có hướng dẫn tất cả các môn học ở lớp 9 và lớp 12 đều do nhà trường tự ra đề, Sở không đảm nhận công việc này nữa.
Chia sẻ về việc này, một số chuyên viên cho biết, học kỳ II của năm học 2023-2024 là kỳ kiểm tra cuối cùng của chương trình 2006 nên Sở muốn giao quyền cho các nhà trường để giảm áp lực cho học sinh.
Điều này cũng đồng nghĩa, Sở đã “bật đèn xanh” cho các nhà trường nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở năm học này để học sinh thuận lợi trong việc xét (lớp 9) và thi tốt nghiệp sau này.
Đánh giá nhẹ nhàng học sinh cuối cấp
Thực ra, ai cũng biết chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm khác biệt so với chương trình 2006, nhất là khi chương trình 2018 có nhiều môn học tích hợp; môn học bắt buộc; môn học lựa chọn.
Nếu học sinh lớp 9 và lớp 12 năm nay không đủ điều kiện xét (thi) tốt nghiệp sẽ khiến cho các em gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai. Các em phải xét (thi) tuyển lần 2 và phải có chủ trương thì các trường, địa phương mới dám làm việc này.
Nếu phải học lại thì gần như là không thể vì chương trình lớp 9 và lớp 12 sang năm sẽ khác hoàn toàn so với năm học này. Ngay cả các môn thi cũng đã được ngành định hướng khác.
Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu bước sang học kỳ II của năm học 2023-2024, nhiều lãnh đạo nhà trường luôn nhắn gửi giáo viên quan tâm đến học sinh có học lực yếu nhiều hơn để giúp học sinh đủ điều kiện xét (thi) tốt nghiệp.
Thực ra, đây cũng là việc rất cần thiết mà các thầy cô đang tạo điều kiện cho học trò. Suy cho cùng, các em học 9 năm, hoặc 12 năm mà không đủ điều kiện xét (thi) tốt nghiệp và năm học tới học chương trình khác sẽ rất tội học trò.
Không chỉ tội học trò mà ngay các nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn nếu để học sinh rớt tốt nghiệp hoặc không cho các em dự thi vì không đủ điều kiện bởi nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho học trò về sau.
Vì thế, một khi đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ đều do nhà trường đảm nhận hết mọi khâu thì việc nương tay, nhẹ nhàng trong kiểm tra, đánh giá là điều có thể nhận ra.
Trong thâm tâm mỗi thầy cô, khi dạy có thể nghiêm khắc, nhắc nhở, thậm chí là la rầy nhưng ai cũng muốn học sinh của mình đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Khi có tấm bằng tốt nghiệp, các em có cơ hội học cao hơn hoặc có nhiều lựa chọn khi tham gia học nghề.
Song, điều này không có nghĩa là thầy cô, nhà trường sẽ “thả lỏng” cho học sinh. Bởi lẽ, cho dù học sinh có tốt nghiệp 100% nhưng các em còn phải thi tuyển sinh 10, xét tuyển đại học ở phía trước.
Việc học luôn phải duy trì ở mức độ cao mới tạo được nền móng vững chắc cho các năm học tiếp theo và có kiến thức cho riêng mình. Vì thế, học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn phải nỗ lực cố gắng để lĩnh hội kiến thức, chuẩn bị cho việc học và vào đời sau này một cách chủ động nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.