Giáo viên nghỉ lễ 30/4, 01/5 có được tính đủ số tiết dạy định mức/tuần?

27/04/2024 06:38
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thể hiểu rằng lễ 30/4, 01/5 hay các ngày nghỉ khác là ngày nghỉ theo quy định, nó nằm trong thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên.

Theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, của giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết mỗi tuần.

Về tiết dạy định mức, tiết dạy do kiêm nhiệm, quy đổi,…cơ bản đã được quy định rõ trong Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT.

gdvn-dayhoc-Lã Tiến.jpg
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Tuy nhiên, giáo viên còn băn khoăn về quy định trong các ngày nghĩ lễ, Tết,…theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có được tính đủ định mức giảng dạy trong tuần đó không? Có bắt buộc phải dạy bù không?...

Một giáo viên dạy ở bậc tiểu học có tên V.H ở địa chỉ mail nt....@gmail.com gởi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nội dung như sau:

Tôi là một giáo viên đang giảng dạy tại một trường tiểu học công lập. Theo quy định hiện hành, đối với giáo viên tiểu học số giờ dạy tiêu chuẩn của mỗi tuần là 23 tiết. Tôi được hiệu trưởng phân công dạy và kiêm nhiệm đủ số tiết tiêu chuẩn là 23 tiết mỗi tuần.

Thời gian giảng dạy theo khung thời gian do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thời gian giảng dạy của bậc tiểu học là 35 tuần.

Trong 35 tuần giảng dạy đó, tôi và giáo viên khác được nghỉ các ngày lễ, Tết ví dụ ngày 30/4, 1/5,…theo quy định của Luật Lao động. Xin Tòa soạn cho tôi được hỏi:

1. Giáo viên được nghỉ những ngày lễ nào? Những ngày nghỉ lễ, nghỉ theo luật Lao động thì số giờ thực dạy của giáo viên có được tính đủ 23 tiết không, vì khi nghỉ các ngày lễ, Tết tôi vẫn phải dạy bù để đảm bảo chương trình theo quy định.

2. Tôi có bắt buộc phải dạy bù các ngày nghỉ lễ, Tết không? Nếu dạy bù thì tôi có được hưởng chế độ gì không?".

Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, những ngày nghỉ lễ, nghỉ theo luật Lao động thì số giờ thực dạy của giáo viên có được tính đủ 23 tiết không?

Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghỉ lễ, Tết cụ thể như sau:

“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.”

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

"3. Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.”

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định."

Như vậy, có thể hiểu rằng lễ 30/4, 01/5 hay các ngày nghỉ khác là ngày nghỉ theo quy định, nó nằm trong thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên, không tính vào thời gian làm việc để tính đủ định mức tiết dạy.

Thứ hai, giáo viên có bắt buộc phải dạy bù không? Chế độ khi dạy bù?

Tại khoản 1 Điều 13 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức 2019 có quy định như sau: Quyền của viên chức về nghỉ ngơi

“1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ…”

Như vậy, vào các ngày lễ giáo viên sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương.

Tuy nhiên, do tính chất công việc đặc thù mà các giáo viên sẽ phải dạy bù để đảm bảo chương trình học theo đúng tiến độ theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ví dụ, trong tuần giáo viên nghỉ lễ 30/4, 1/5 là 2 ngày mỗi ngày giáo viên dạy 5 tiết, nghỉ 2 ngày sẽ mất 10 tiết, nếu không dạy bù thì sẽ không đảm bảo đủ số tiết và kiến thức truyền đạt cho các em học sinh.

Vì vậy, để thực hiện vừa đúng quy định pháp luật vừa đảm bảo khung chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, hiệu trưởng nơi giáo viên công tác sẽ thỏa thuận với giáo viên và có thể thực hiện theo 2 cách dưới đây:

Một là, các nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên dạy bù sau những ngày nghỉ lễ, tết hoặc giáo viên tự chọn thời điểm dạy bù hợp lý (được sự đồng ý của hiệu trưởng). Và, những tiết dạy bù như vậy sẽ được xác định là thời gian làm thêm giờ.

Tiền lương dạy bù ngày nghỉ lễ của giáo viên được tính theo điểm a, b khoản 1 Điều 98 Bộ luật lao động 2019 như sau:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%”

Hai là, thỏa thuận dạy luôn dịp lễ và hưởng thêm giờ.

Nếu nhà trường thỏa thuận được với giáo viên, nếu dịp lễ giáo viên giảng dạy luôn không nghỉ để đảm bảo tiến độ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35 tuần thực học thì giáo viên sẽ dạy luôn ngày nghỉ lễ và được hưởng thêm giờ theo điểm c khoản 1 Điều 98 Luật Lao động như sau:

“c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.”

Việc dạy bù thời điểm nào hoặc dạy vào dịp lễ theo thỏa thuận giữa thủ trưởng, giáo viên và được hưởng chế độ thêm giờ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thực tế, tại các cơ sở giáo dục hiện nay nguồn kinh phí còn hạn hẹp, việc chi trả tăng giờ do dạy bù khó có thể được thực hiện theo đúng quy định là 150%, 200%, 300%. Nên, có thể chi trả tăng giờ do dạy bù một cách vừa phải do thỏa thuận giáo viên, hiệu trưởng hoặc hoán đổi ngày làm việc để đảm bảo hợp lý công việc, vừa đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên đây là một số thông tin cung cấp cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có cách giải quyết khác nhau. Để nắm rõ chi tiết, quý thầy cô liên hệ thủ trưởng hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo nơi công tác để đảm bảo quyền lợi cụ thể.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam