Thủ khoa khối C tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ cách đạt điểm 10 môn Lịch sử

23/07/2023 07:06
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thí sinh Vũ Thị Thảo (Trường Trung học phổ thông Tam Dương 2, Vĩnh Phúc) đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối C của tỉnh với tổng điểm 28,75. 

Vũ Thị Thảo, học sinh Trường Trung học phổ thông Tam Dương 2 (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đạt tổng 3 môn khối C là 28,75 điểm (Ngữ văn là 9,5 điểm, Lịch sử 10 điểm, Địa lý 9,25 điểm) và trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vũ Thị Thảo không giấu nổi niềm vui nói: "Khi nhìn thấy điểm thi, em như vỡ òa với tổng kết quả 28,75 điểm. Sau khoảng 1 tiếng, em nhận được thông tin thủ khoa các khối của tỉnh có tên mình, khi đó niềm vui, hạnh phúc như được nhân đôi", nữ thủ khoa cho hay.

Học sinh Vũ Thị Thảo (Trường Trung học phổ thông Tam Dương 2, Vĩnh Phúc) trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng điểm 28,75. Nguồn: NVCC.

Học sinh Vũ Thị Thảo (Trường Trung học phổ thông Tam Dương 2, Vĩnh Phúc) trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng điểm 28,75. Nguồn: NVCC.

Để đạt được điểm số này, Thảo cho biết bản thân cũng áp lực trong quá trình học tập do xuất phát điểm của bản thân chậm hơn so với các bạn. Đây cũng là khó khăn lớn nhất trong quá trình học tập của Thảo:

"Em tự nhận thấy xuất phát điểm cũng như tốc độ tiếp thu của em không bằng các bạn trong lớp, em cũng không học thêm ngoài mà chỉ học trên trường và về nhà tự học. Do đó em luôn cảm thấy lo lắng về khối lượng kiến thức của mình không biết đã đủ để đáp ứng cho kỳ thi hay không, đôi khi do quá căng thẳng mà bản thân em cũng bất lực, hụt hẫng khi học tập", nữ thủ khoa bộc bạch.

Nhận thấy việc học là một quá trình dài, cần rèn luyện trau dồi liên tục nên em dần trấn an bản thân, bình tĩnh nhờ đến sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo, bạn bè. Trên lớp nếu có thắc mắc em sẽ thảo luận với các bạn và hỏi giáo viên. Mỗi khi luyện đề ở nhà có vấn đề nào chưa hiểu, em đều chủ động liên lạc và các thầy cô luôn nhiệt tình giải đáp.

Đặc biệt, nữ thủ khoa cho biết một nguồn học tập mà nhiều học sinh chưa sử dụng hiệu quả đó là mạng xã hội như Facebook, Tiktok. Thảo cho biết, nhiều phụ huynh, học sinh nghĩ rằng mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình học tập, ôn thi nhưng cá nhân em, đây là một nguồn thông tin hữu ích cho việc học tập.

Cụ thể, ở các nền tảng này có rất nhiều hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm học, có những tài khoản cá nhân là các thầy cô giáo dạy giỏi, luyện thi lâu năm hay các anh chị thi đỗ đại học có những bài viết cổ vũ, truyền động lực. Từ việc chắt lọc thông tin trên nền tảng này, bản thân em có thêm kiến thức và phương pháp học tập.

Vũ Thị Thảo đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.Ảnh: NVCC.

Vũ Thị Thảo đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.Ảnh: NVCC.

Nói về phương pháp học, đặc biệt cách để đạt điểm 10 môn Lịch sử - môn học mà nhiều học sinh vẫn luôn cho là khó nhớ, nữ thủ khoa bật mí: "Thay vì học toàn bộ các thông tin, dữ liệu trong sách giáo khoa, em lựa chọn đọc đi đọc lại nhiều lần các nội dung để khi cần có thể mường tượng lại toàn bộ nội dung cơ bản. Sau đó em sẽ sử dụng sơ đồ tư duy để ôn tập, đây cũng là phương pháp giúp em nhớ lâu, ngay cả với những sự kiện na ná nhau", Thảo thông tin.

Sơ đồ tư duy là phương pháp tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh chi tiết của bộ não, từ đó tổng hợp, phân tích một vấn đề ra thành lược đồ dạng nhánh. Khi học xong kiến thức em sẽ làm sơ đồ tư duy để tổng hợp. Tiếp đó, cách ngày em sẽ ôn tập bằng việc vẽ lại và đối chiếu kiến thức.

Với cách làm này, em có thể hệ thống nội dung bài học một cách logic, ngắn gọn, để lại ấn tượng sâu. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp trên là dễ thiếu ý, em đã khắc phục bằng cách ghi chú thêm kiến thức ở bên cạnh hoặc bên dưới sơ đồ tư duy. Ngoài ra để chắc chắn em có học học song song với vở ghi và sách giáo khoa.

Trong quá trình luyện đề cũng như đi thi em có áp dụng một phương pháp từ cô giáo dạy Lịch sử đó là: Khi đọc đề phải tìm ra từ khóa và xác định giai đoạn của thời kỳ, từ thời kỳ lịch sử có thể tìm ra sự kiện, từ việc nắm bắt sự kiện mới có thể tìm ra được câu trả lời đúng.

Chẳng hạn như năm nay, đề thi không ghi cụ thể trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hay thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà chỉ ghi giai đoạn 1945-1954 thì em hiểu đó là kháng chiến chống Pháp. Sau đó, em sẽ đọc xem đáp án nào không thuộc giai đoạn này, em sẽ loại dần và tìm ra đáp án chính xác, tương tự với các sự kiện, chiến dịch khác.

Nữ sinh cũng cho biết việc kiểm tra lại bài cũng là điều quan trọng để bài thi đạt điểm tuyệt đối. Một đề thi học sinh thường làm hai lần. Cụ thể lần đầu tiên, Thảo làm trực tiếp vào đề, sau đó vừa làm lại từng câu, vừa đối chiếu tô vào phiếu trả lời. Như vậy, với cách làm này, nữ sinh có thể kiểm soát được từng đáp án và không bị mất điểm do tô nhầm.

Đồng hành với quá trình học tập, ôn thi của Vũ Thị Thảo, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm và là giáo viên dạy Lịch sử (Trường Trung học phổ thông Tam Dương 2, Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Ở lớp, Thảo được thầy cô và bạn bè tin tưởng bầu làm lớp phó học tập, là một học trò ngoan có trách nhiệm trong công việc chung của lớp. Thảo cũng là một trong những học sinh nhanh nhẹn, học tốt, từng đạt giải Ba môn Ngữ văn học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc các năm học, đạt học sinh giỏi toàn diện ba năm liên tiếp".

Dù là học sinh đội tuyển môn Ngữ văn nhưng Thảo học đều tất cả các môn học. Riêng với môn Lịch sử, Thảo có tư duy logic tốt và biết vận dụng vào môn học khi xâu chuỗi các sự kiện, nội dung. Cùng với đó, phương pháp học tập bằng sơ đồ tư duy khá hay, giúp học sinh có thể chắc kiến thức và nhớ lâu.

Vân Ánh