Giáo viên cho học sinh yếu, kém ở lại lớp được không?

19/04/2024 06:44
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Vì sao thầy cô phải bằng mọi giá phải để 100% học sinh lên lớp? Câu trả lời không khó. Đó là vì thành tích, vì chỉ tiêu.

Một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình không đọc thông viết thạo, chỉ có thể viết được họ tên mình đang khiến dư luận xôn xao.

Có trường hợp ngồi nhầm lớp không phải giáo viên dạy kém

Người viết - một giáo viên giảng dạy ở bậc tiểu học trên 30 năm thấy rằng, đối với một học sinh phát triển bình thường thì chỉ sau một năm học lớp 1 đã đọc và hiểu văn bản đơn giản. Em nào chậm hơn cũng đã biết đọc đánh vần.

thanh-tich-2-4037-6484.png
Ảnh minh họa

Những học sinh học xong lớp 1 mà vẫn không biết đọc, biết viết là trường hợp khá đặc biệt. Có một số nguyên nhân người viết nhận thấy từ trải nghiệm thực tế.

Không ít trường hợp học sinh có vấn đề về nhận thức như chậm phát triển trí tuệ so với bạn bè cùng trang lứa (học lớp 1 nhưng nhận thức mới cỡ học sinh 4 tuổi).

Có trường hợp học sinh bị down hoặc tự kỷ không có khả năng tiếp thu bài. Tuy nhiên, gia đình không cho con đi khám vì không hiểu hoặc không có điều kiện. Một số gia đình khác lại không muốn thừa nhận con mình chậm phát triển trí tuệ.

Cũng có trường hợp, học hết lớp 1, những học sinh như này đã biết đọc nhưng đọc khá chậm và viết sai nhiều lỗi. Tuy thế, em vẫn được lên lớp 2. Lẽ ra, nghỉ 3 tháng hè, gia đình phải nỗ lực kèm thêm để em đọc tốt hơn thì có không ít cha mẹ mải lo chuyện làm ăn hoặc con không ở với cha mẹ nên không ôn luyện gì cả.

Em đã đọc viết yếu, lại bị bỏ lơ suốt 3 tháng hè. Vì thế, những học sinh như vậy sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng tái mù chữ (không biết đọc hoặc 10 chữ chỉ đọc được vài ba chữ). Lúc này, giáo viên lớp 2 dù có phát hiện em đọc yếu cũng không thể cho em trở lại học lớp 1.

Những trường hợp này có học hết năm lớp 2 dù được giáo viên tận tình kèm cặp thì cơ hội em biết đọc như các bạn cũng vô cùng khó. Bởi, từ lớp 2 không còn tiết học vần để luyện đọc chữ cái, ghép âm vần rồi đọc tiếng, đọc từ mỗi ngày như lớp 1. Tiết tiếng Việt của lớp 2 đã yêu cầu đọc trơn, đọc lưu loát và đọc diễn cảm.

Một tiết học có 35 phút, giáo viên phải dạy ít nhất 35 em, có trường đông sĩ số lên đến 40-50 em) thì làm sao có nhiều thời gian để kèm cặp? Thầy cô có tận tình, có sự nhẫn nại kèm trong giờ ra chơi, kèm trong một số tiết nghỉ của mình nhưng vẫn rất khó tiến bộ. Bởi các em hạn chế về nhận thức. Học lớp 2 mà không biết đọc thì có ngồi lưu ban ở lớp 2 vẫn khó biết đọc chứ nói gì đến lớp 3, lớp 4 và lớp 5.

Một thực tế là ở các trường tiểu học hiện nay, nhiều nhất học sinh cũng chỉ được lưu ban 2 năm một lớp. Việc lưu ban quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến phổ cập đúng độ tuổi. Vì thế, đã lưu ban 2 năm nhưng lực học không cải thiện thì vẫn được đẩy lên lớp cho nhanh “tốt nghiệp” ra trường.

Ai phải chịu trách nhiệm chuyện học sinh ngồi nhầm lớp?

Trở lại câu chuyện học sinh lớp 6 không biết đọc được báo chí phản ánh thời gian qua, “Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện sẽ yêu cầu trường tiểu học báo cáo kết quả học tập của em này từ lớp 1 đến lớp 5. Sau đó sẽ kiểm điểm trách nhiệm của các giáo viên liên quan cũng như lãnh đạo của trường tiểu học.

Vì lớp 6 mà không đọc thông viết thạo thì đã có "lỗ hổng" ở các lớp trước đó. Đặc biệt là giai đoạn lớp 3, lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học. "Sẽ truy cô giáo thầy giáo nào dạy kiểu gì, hiệu trưởng hiệu phó ở đó nói như thế nào về việc này”.[1]

Rõ ràng, khi sự việc xảy ra, người chịu trách nhiệm đương nhiên phải là giáo viên và nhà trường. Còn với Ban giám hiệu, may chăng chỉ nhận trách nhiệm chủ quan, tin tưởng giáo viên nên mới xảy ra sự việc. Bởi, không có Ban giám hiệu nào chỉ đạo thầy cô phải đưa em A, em B, lên lớp. Tuy nhiên, thực tế, không phải giáo viên nào cũng muốn "đôn" tất cả học sinh lên lớp, trong đó có những trường hợp chuẩn đầu ra thực sự chưa đủ điều kiện nhưng thầy cô vẫn phải cho lên lớp.

Vì sao thầy cô phải bằng mọi giá phải để 100% học sinh lên lớp? Câu trả lời không khó. Đó là vì thành tích, vì chỉ tiêu.

Ở một số nơi, hiệu trưởng sẽ dùng thi đua để gây sức ép với giáo viên. Vì dạy chưa tốt, vì thiếu sự quan tâm đến học sinh nên tỉ lệ lên lớp mới không đạt 100% như các lớp khác…

Ban giám hiệu thường yêu cầu kèm cặp học sinh yếu trong thời gian nghỉ hè (xuống trường, xuống nhà hoặc đưa về nhà để dạy kèm). Có giáo viên nào nghỉ hè lại thích phải ôm công việc như thế? Vì vậy, tự thầy cô giáo sẽ cho học sinh lên lớp đầy đủ.

Thêm vào đó, trong thực tế, không phải Ban giám hiệu nào cũng muốn dùng thành tích để ép giáo viên lùa học sinh lên lớp. Tuy nhiên, nếu trường học nào có tỉ lệ học sinh lưu ban cao (khoảng 2% thôi) cũng sẽ bị cấp phòng nhắc nhở, đưa ra cuộc họp và nhận định do dạy và chỉ đạo chuyên môn yếu…

Vì sao cấp phòng lại gây sức ép cho cấp trường? Câu trả lời vẫn là sợ bị ảnh hưởng hàng loạt chỉ tiêu trong đó có tỉ lệ phổ cập đúng độ tuổi. Một cấp không hoàn thành sẽ kéo liên lụy đến nhiều cấp khác như liên quan đến phổ cập của phường, của huyện và của tỉnh…

Nếu phải trả lời câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm vì học sinh ngồi nhầm lớp? Kỷ luật ai cũng thấy tội, thấy chưa thật sự thỏa đáng. Bởi, “thủ phạm” chính được gọi tên là các chỉ tiêu thi đua được giao hàng năm.

Theo người viết, nếu bỏ chỉ tiêu thi đua, chỉ tiêu về trường chuẩn, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, ai học yếu sẽ phải ở lại lớp. Khi đó, lớp học nào, trường học nào có tỉ lệ học sinh lên lớp cao là giáo viên dạy giỏi, là trường chỉ đạo chuyên môn sâu sát và ngược lại. Nhà trường, giáo viên chỉ khi thực sự học thật, đánh giá thật thì mới không tái diễn chuyện học lớp 6 mà không đọc thông viết thạo.

Tài liệu tham khảo

[1] https://tuoitre.vn/hoc-sinh-lop-6-khong-biet-doc-thong-viet-thao-giao-vien-tieu-hoc-se-bi-truy-trach-nhiem-20240413081541061.htm

Đỗ Quyên