Nhà trường bố trí dạy bù như thế nào là hợp lý nhất?

21/04/2024 06:42
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những tuần dự trữ (18B, 18C, 35B) dành cho việc dạy bù thì sẽ chấm dứt được cảnh dạy bù gây mệt mỏi cho giáo viên và học sinh.

Câu chuyện nghỉ lễ, dạy bù trong ngành giáo dục không mới nhưng vẫn luôn là đề tài được giáo viên nói nhiều cứ mỗi khi đến dịp nghỉ lễ.

Nếu như với nhiều ngành nghề khác, nếu được nghỉ thì công việc sẽ được làm tiếp vào ngày đi làm. Với ngành giáo dục lại hoàn toàn khác, ngày nghỉ lễ giáo viên được nghỉ và không dạy học thì khi đi làm phải dạy bù lại những tiết học trong ngày nghỉ lễ ấy.

Muôn kiểu dạy bù

Những ngày nghỉ lễ trong năm như nghỉ Tết Dương lịch, ngày Chiến thắng 30 tháng 4, ngày Quốc tế lao động, ngày Quốc khánh, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương..., giáo viên và học sinh sẽ nghỉ. Sau đó, trường học nào cũng phải thực hiện việc dạy bù những tiết học trong ngày lễ chưa dạy.

Tuy nhiên việc thực hiện dạy bù thì mỗi trường học, cấp học hoặc mỗi địa phương lại thực hiện một kiểu khác nhau. Ví như Ở bậc tiểu học, có địa phương yêu cầu giáo viên dạy bù từ học kỳ I mỗi tuần 1 tiết cho đến hết năm học (dạy bù cho ngày quốc khánh 2/9, ngày Tết dương lịch).

Có địa phương lại yêu cầu học sinh sau khi học xong các tiết chính khóa (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết) thì ở lại học thêm 1 tiết vào buổi sáng hoặc buổi chiều trong suốt vài tháng trời. Có nơi lại yêu cầu phải đi học bù vào một số ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Lại có trường, bố trí dạy bù chương trình vào những tuần dự trữ như tuần 18B, 18C, 35B. Việc thực hiện dạy bù như thế này nhận được sự đồng thuận cao từ giáo viên.

gdvn-lịch dạy bù 2.jpg
Lịch dạy bù của một trường (Ảnh CTV)

Học bù kiểu tăng thêm tiết hoặc học vào các ngày cuối tuần khiến, cả thầy và trò đều mệt mỏi

Bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông do mỗi tiết học 45 phút nên buổi sáng học sinh tan trường đã 11 giờ 30 phút còn buổi chiều cũng đã 5 giờ 30 phút nên không thể tổ chức dạy bù vào các ngày trong tuần. Vì thế, một số trường cho học sinh học bù vào các buổi chiều ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật.

“Tôi và các đồng nghiệp đi dạy cả tuần có ngày nghỉ để nạp năng lượng cho một tuần học mới lại phải đi dạy bù nên mệt mỏi vô cùng”, một giáo viên chia sẻ.

Tuy thế, thầy cô mệt một vì phải đi dạy bù thì học sinh phải mệt gấp đôi. Em Lan Trinh, một học sinh lớp 7 cho biết: “Chúng con đi học cả ngày, tối còn đi học thêm cũng trông được ngày nghỉ cuối tuần để ngủ mà phải đi học bù nên mệt mỏi lắm”.

Do học bù quá mệt, có học sinh còn đặt câu hỏi với giáo viên: “Nghỉ chi vậy cô? Học bù đờ cả người”.

Khung kế hoạch học tập năm học đã quy định ngày kết thúc năm học. Do đó, nếu không dạy bù những tiết học trong các ngày lễ sẽ bị thiếu chương trình. Vì thế, trường học nào cũng bắt buộc phải bố trí cho giáo viên dạy bù.

Giáo viên đương nhiên hiểu rõ điều này. Vì thế không ai thắc mắc việc phải dạy bù mà chỉ không đồng tình với cách bố trí thời gian dạy bù gây áp lực và mệt mỏi cho cả thầy và trò. Đặc biệt, với kiểu yêu cầu học dồn, học ép cả vào những ngày cuối tuần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của nhiều em học sinh.

Bố trí dạy bù thế nào cho phù hợp?

Giáo viên, học sinh đi dạy và học cả tuần, ai cũng trông mong có ngày chủ Nhật để được nghỉ ngơi, nạp năng lượng cho một tuần mới tiếp theo.

Thế nhưng nhà trường lại lấy hết quỹ thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, học sinh để cho lịch học bù.

Nhưng nếu không xắp xếp dạy bù vào các ngày nghỉ cuối tuần thì phải sắp xếp thế nào đây?

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định, các cơ sở giáo dục hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.

Thế nên một số lãnh đạo trường sợ nếu không tổ chức dạy bù những ngày nghỉ sẽ không thể kết thúc chương trình theo quy định. Tuy nhiên, mỗi học kỳ (học kỳ I và học kỳ II) đều có một số tuần dự trữ, nhà trường nếu bố trí giảng dạy bình thường như thời khóa biểu và kéo chương trình dạy bù vào các tuần dự trữ sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ chương trình.

Trong thực tế, sau khi kết thúc chương trình học kỳ I vào tuần 18 sẽ có thêm tuần 18B, thậm chí tuần 18C. Ở học kỳ II, kết thúc chương trình vào tuần 35 sẽ còn tuần 35B. Thường thì tuần học này, giáo viên dành cho các công việc như thi lại, chấm bài, lên điểm, hoàn thành hồ sơ, họp tổ bình xét thi đua…

Nếu nhà trường bố trí khéo léo, sẽ lấy những tuần 18B, 18C, 35B dành cho việc dạy bù thì sẽ chấm dứt được cảnh nghỉ lễ dạy bù vào các ngày cuối tuần hoặc dạy sau các tiết học chính khóa gây mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh như một số trường đang làm hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương