ĐH Nguyễn Tất Thành: Khoa Truyền thông sáng tạo xây dựng CTĐT dựa vào "5 dễ"

27/07/2024 06:28
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - CTĐT các ngành tại khoa Truyền thông sáng tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thiết kế tương thích với môi trường học tập an toàn, ít áp lực, nhiều thú vị.

Khoa Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được thành lập vào ngày 24 tháng 5 năm 2023. Khoa hiện đang đào tạo hai lĩnh vực chính là Truyền thông đa phương tiện và Quan hệ công chúng. Trong đó, Truyền thông đa phương tiện bao gồm hai chuyên ngành là Kỹ thuật truyền thông và Truyền thông doanh nghiệp. Khoa cũng đang xây dựng chuyên ngành Sáng tạo nội dung truyền thông số (sẽ đưa vào giảng dạy từ năm sau).

Những điểm nổi bật trong chương trình đào tạo

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hào, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Ngoài giảng viên cơ hữu, khoa Truyền thông sáng tạo khai thác tối đa và bền vững sự đóng góp về chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp từ mạng lưới giảng viên các ngành liên quan trong trường, giảng viên thỉnh giảng, cũng như giảng viên từ các đài báo và các công ty truyền thông. Đặc biệt, hiện nay khoa còn có Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam là cố vấn chuyên môn.

f73525df87ce22907bdf.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hào (đứng thứ 5 từ bên trái) cùng các sinh viên khoa Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ ra một số điểm nổi bật của chương trình đào tạo các ngành học của khoa:

Thứ nhất, chương trình đào tạo xác lập được những học phần đúng lõi của ngành truyền thông. Nhờ đó, sinh viên học là sẽ tạo ra được sản phẩm - những sản phẩm không chỉ được sử dụng cho báo chí truyền thông chính thống mà còn cung cấp được cho thị trường mạng.

Thứ hai, chương trình đào tạo được xây dựng theo tinh thần 5 dễ: dễ học, dễ làm, dễ tiệm cận xu hướng mới, dễ được dùng sản phẩm và dễ có thu nhập.

Thứ ba, chương trình đào tạo thể hiện: một trọng tâm (truyền thông), một kế cận (báo chí với tư cách là kênh tải), hai hỗ trợ (công nghệ thông tin và mỹ thuật ứng dụng). Điều này giúp sinh viên xác lập được đường đi cho mình ngay từ ngày nhập học cho đến khi tốt nghiệp và trong suốt thời gian gắn bó với nghề.

Thứ tư, chương trình đào tạo được phân bổ thời lượng thích hợp giữa lý luận và thực hành, giúp sinh viên được học và làm nhiều tại phòng thực hành theo ca kíp.

Thứ năm, chương trình đào tạo coi trọng việc xây dựng không gian tác nghiệp, đó là phim trường, là trung tâm kĩ thuật, là toà soạn, là phòng ban tổ chức sự kiện, là các công ty truyền thông…nơi sinh viên của khoa đã và sẽ tiếp tục được học tập thực tế, học nhập môn, trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp trong thời gian dài.

Đặc biệt, chương trình đào tạo này dành một số học phần cho cơ quan truyền thông lớn đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ. Tại đây sinh viên được các chuyên gia truyền nghề, đặc biệt là tư duy truyền thông, thông qua việc dẫn dắt làm sản phẩm hằng ngày trên cơ tầng kĩ thuật công nghệ của họ.

Thứ sáu, chương trình đào tạo đề cao việc giảng dạy bám theo sự kiện thực tại nơi nó diễn ra, theo đó sinh viên được tham gia những sự kiện báo chí truyền thông lớn cũng như những sự kiện đặc thù của doanh nghiệp, qua đó tự thẩm thấu kĩ năng nghiệp vụ cần yếu.

Thứ bảy, chương trình đào tạo được thiết kế tương thích với môi trường học tập an toàn, ít áp lực, nhiều thú vị.

bee4bf7f1c6eb930e07f.jpg
Đội ngũ giảng viên và sinh viên khoa Truyền thông sáng tạo trong hoạt động trải nghiệm tại Đài phát thanh và truyền hình Bình Dương. Ảnh: NTCC

Nhu cầu nhân lực cho ngành truyền thông tăng mạnh

Nói về ngành Truyền thông đa phương tiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hào cho hay: Ngành Truyền thông đa phương tiện là ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, báo chí…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình…), y học (mô phỏng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan…) và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Đây là một trong những nghề hấp dẫn nhất thế kỷ 21.

Theo dự báo nhu cầu nhân lực thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng thành phố này sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông - Quảng cáo cho năm tới.

Theo các kết quả khảo sát 15 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện thì 100% các doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng nhân sự hàng năm.

Tốc độ phát triển cực kỳ nhanh của các ngành nghề liên quan đến việc ứng dụng đa phương tiện cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành này ngày một tăng.

Khoa Truyền thông sáng tạo tổ chức hội thảo về Cơ hội việc làm và xu hướng tuyển dụng sinh viên truyền thông giúp sinh viên nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn. Ảnh: NTCC

Khoa Truyền thông sáng tạo tổ chức hội thảo về Cơ hội việc làm và xu hướng tuyển dụng sinh viên truyền thông giúp sinh viên nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn. Ảnh: NTCC

Còn đối với ngành Quan hệ công chúng, thầy Hào chia sẻ rằng, tại Việt Nam, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đang rất cần một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, xử lý khủng hoảng, tổ chức sự kiện, giúp công ty và tổ chức truyền tải được thông điệp tới khách hàng, nâng cao thị phần trên thị trường và khẳng định thương hiệu.

Đội ngũ này có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên quan hệ công chúng; phóng viên; biên tập viên tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông; chuyên viên tư vấn và quan hệ công chúng; hoặc có thể nghiên cứu và giảng dạy những chuyên ngành Quan hệ công chúng trong các tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu.

“Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nước ta hiện nay có khoảng 7.000 công ty quảng cáo, nhân lực đáp ứng nhu cầu cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi nhu cầu ngày một gia tăng thì hầu hết các công ty đều đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu với chất lượng cao và đã qua đào tạo. Chính vì thế, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này đã, đang, và sẽ rất rộng mở”, thầy Hào nhấn mạnh.

Môi trường học tập chuyên nghiệp và năng động

Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành Quan hệ công chúng của khoa Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành làm nơi gắn bó cho 4 năm đại học, Cao Nguyễn Ngọc Diệp cho biết: Trong quá trình tìm hiểu các trường đại học, Ngọc Diệp nhận thấy chương trình đào tạo của khoa Truyền thông sáng tạo rất đa dạng, cung cấp cho sinh viên kiến thức toàn diện và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực truyền thông.

Bên cạnh đó, chương trình học của khoa được thiết kế linh hoạt và cập nhật liên tục theo xu hướng mới, giúp sinh viên biết cần học gì và sản xuất sản phẩm truyền thông như thế nào thì đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại của công chúng số.

Không chỉ vậy, môi trường học tập tại đây rất năng động với nhiều hoạt động ngoại khóa, các hoạt động Đoàn – Hội của sinh viên cũng được tạo điều kiện tốt nhất có thể, giúp sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng mềm và xây dựng mạng lưới quan hệ.

Ngọc Diệp hiện đang là Bí thư Đoàn khoa Truyền thông sáng tạo, với nhiều thành tích đáng nể như: Sinh viên 5 tốt cấp khoa và cấp trường năm học 2022 - 2023, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm học 2023 – 2024.

Trong quá trình học tập, Ngọc Diệp cùng các sinh viên được Ban Chủ nhiệm khoa tạo điều kiện đi đến các cơ quan báo/đài ngay từ năm nhất. Nhờ thế, Diệp có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm và va chạm thực tế, bổ sung thêm các kiến thức cho các buổi học trên giảng đường. Ngoài ra, khoa cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop, mời các chuyên gia về trường để chia sẻ, mở rộng kiến thức cho sinh viên.

“Thời gian gần đây, khoa Truyền thông sáng tạo đã có hai sự kiện đặc biệt. Đầu tiên là chương trình hợp tác học tập thực tế giữa Báo Tuổi trẻ và khoa Truyền thông sáng tạo. Đây là một mô hình mới mà chúng em cảm thấy rất hứng thú, các bạn sinh viên khoá 22 hiện đang theo học các lớp học thực tế. Không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết, mà mỗi buổi học các bạn đều được đưa tới các địa điểm khác nhau để thực hành, trải nghiệm và đã có các tác phẩm được đăng lên Báo Tuổi trẻ.

Tiếp theo là hoạt động ký kết hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (VTV9). Theo đó, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tiếp nhận sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo thực tập tốt nghiệp và học tập thực tế tại VTV9, mở ra nhiều hơn cơ hội học tập trải nghiệm thực tế cho sinh viên ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện của chúng em”, Ngọc Diệp chia sẻ.

2eb309b0a9a10cff55b0.jpg
fd3a11cdb1dc14824dcd.jpg
Sinh viên khoa Truyền thông sáng tạo được thực hành, thực tập tại các cơ quan báo chí lớn. Ảnh: NTCC

Bí thư Đoàn khoa Truyền thông sáng tạo cũng dành cho những thí sinh đang cân nhắc theo học truyền thông tại khoa Truyền thông sáng tạo nhiều lời khuyên hữu ích.

Diệp cho rằng, trước tiên thí sinh cần đảm bảo đã tìm hiểu kỹ về ngành học mà các bạn đang quan tâm. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về các môn học sẽ được giảng dạy khi theo học truyền thông.

“Các bạn có thể thấy ngay trong cái tên, khoa Truyền thông sáng tạo đã chú trọng đến tinh thần sáng tạo, xem nó là một trong những yếu tố hàng đầu của người làm truyền thông mà sinh viên cần có. Để theo học truyền thông nói chung và học tập tại khoa Truyền thông sáng tạo nói riêng, các bạn cần phải có sự sáng tạo, kiên trì, tinh thần tự khám phá ra những điều mới mẻ.

Ngoài ra, việc rèn luyện khả năng giao tiếp và linh hoạt để ứng biến được các tình huống, khả năng quan sát và xử lý các vấn đề một cách chính xác cũng rất quan trọng. Sự đa dạng trong truyền thông cũng đòi hỏi người học phải nâng cao tinh thần học hỏi và không ngại các thử thách khó khăn trong suốt quá trình học tập”, Ngọc Diệp nêu quan điểm.

Châu Anh