Được trên 28 điểm vẫn trượt NV1, bài học nào cho thí sinh năm tới?

06/09/2024 06:43
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Được 28 điểm tổ hợp C00, Minh Hòa đặt 11 nguyện vọng vào ngành sư phạm của các trường, nhưng kết quả không đỗ trường nào.

Thí sinh 28 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1

Mùa tuyển sinh đại học năm nay, có không ít thí sinh rơi vào trường hợp dù tổng điểm cao, trung bình khoảng 9 điểm mỗi môn nhưng không đỗ nguyện vọng 1.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Minh Hòa (Thái Bình) cho biết, tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, cô đạt 28,00 điểm theo tổ hợp C00 (Ngữ văn 9,00 điểm, Lịch sử 9,75 điểm và Địa lý 9,25 điểm).

Minh Hòa đặt nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, năm nay điểm chuẩn của ngành này với tổ hợp môn xét tuyển Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là 29,30 điểm. Bởi vậy, dù đạt điểm cao nhưng Minh Hòa không đỗ nguyện vọng 1.

Minh Hòa bộc bạch: “Em đặt 11 nguyện vọng vào ngành sư phạm của các trường, nhưng kết quả không đỗ trường nào. Trong số những nguyện vọng này, có những nguyện vọng, điểm của em cao hơn so với điểm chuẩn năm 2023, nhưng do năm nay, điểm chuẩn tăng quá lớn, nên em vẫn không đủ điểm trúng tuyển”.

Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Minh Hòa có xét học bạ kết hợp với giải học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng không đạt nguyện vọng 1.

Trong quá trình học ở cấp trung học phổ thông, Minh Hòa cũng là học sinh trong nhóm có thành tích đứng đầu lớp. Chính vì vậy, việc không đỗ nguyện vọng 1 khiến thí sinh nhiều phần tiếc nuối.

Hiện tại, Minh Hòa đang cân nhắc đến các ngành học khác cũng như chờ đợi đợt xét tuyển bổ sung.

k74_3.jpg
Tân sinh viên K74 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhập học. Ảnh minh họa: Website trường

Ở trong tình huống tương tự, Hà Thùy Linh (Lào Cai) chia sẻ, cô đạt 27 điểm theo tổ hợp C00 (Ngữ văn 8,75 điểm, Lịch sử 9,5 điểm và Địa lý 8,75 điểm). Là người dân tộc Tày, ở khu vực 1, nên sau khi cộng điểm ưu tiên, Thùy Linh được tổng 28,1 điểm.

Nữ sinh cho biết, đã đặt nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điểm chuẩn của ngành này đối với tổ hợp C00 là 29,30 điểm, nên nữ sinh không đủ điểm trúng tuyển. Ngoài ra, Thùy Linh đặt 6 nguyện vọng khác vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng đều không đỗ.

Linh chia sẻ: “Lúc biết điểm thi và xem chỉ tiêu của trường, em đã đoán được phần nào việc bản thân sẽ rất khó để đỗ ngành Sư phạm Ngữ văn. Vì phổ điểm năm nay cao, chỉ tiêu lại ít, do có nhiều phương thức xét tuyển khác... Đến khi biết mình thực sự không đỗ nguyện vọng 1, em rất buồn”.

Cảm giác hụt hẫng, không đáp lại được sự kỳ vọng của gia đình, khiến Thùy Linh “đóng cửa”, không dám ra ngoài suốt nhiều ngày qua. Thậm chí, cô cũng từng nghe những lời nói không hay như “học sinh giỏi vẫn trượt đại học”.

Được biết, Thùy Linh đã đỗ một ngành khác ngoài sư phạm, song, vì gánh nặng kinh tế, cô còn khá nhiều trăn trở.

“Gia đình em thuần nông, không khá giả. Học phí của ngành học mà em đỗ thì thực sự quá đắt đỏ, nên với sự vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của bố mẹ, em dường như không muốn tiếp tục. Trước đó, em đăng ký ngành sư phạm cũng vì đam mê với ngành và vì giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Bởi vậy, em quyết định ôn thêm một năm nữa để thi lại” - nữ sinh quê Lào Cai tâm sự.

Việc có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp xét tuyển cao (trên 28 điểm) nhưng không trúng tuyển nguyện vọng , cũng không phải câu chuyện của riêng Minh Hòa hay Thùy Linh, mà những ngày qua, vẫn đang là chủ đề “râm ran” trên khắp các trang mạng xã hội.

Điểm chuẩn tăng cao do “cung nhiều - cầu ít”

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân chính khiến một số thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, là vì có quá nhiều người tập trung đăng ký vào một ngành. Trong khi, lượng chỉ tiêu có hạn, nên điểm chuẩn bị đẩy lên cao.

Thực tế, năm nào chúng ta cũng thấy một số ngành học như vậy. Đó là quy luật cung - cầu, khi một trường đại học đào tạo được ngành học uy tín, sẽ có mức độ thu hút sinh viên cao.

Mặt khác, theo tôi, sẽ không có chuyện “lạm phát” điểm chuẩn, vì thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông với đề giống nhau. Hơn nữa, các em đều có quyền sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển. Điều này giúp tạo điều kiện cho thí sinh, không phải là “đóng lại” nguyện vọng của các em.

Thí sinh hoàn toàn có thể dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập trung học phổ thông, xét kết quả thi đánh giá năng lực… Mọi thí sinh đều có quyền lựa chọn bình đẳng, nên nếu có ai đó cho rằng “vì phương thức này mà phương thức kia bị hạn chế” là không chính xác”.

ts-nguyen-quoc-chinh-6403-3336.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Điểm trúng tuyển các trường đại học có tổ hợp C00 năm nay tăng cao hơn các năm trước.

Lý do thứ nhất là đề thi năm nay có phần dễ hơn năm 2023, đặc biệt là môn Ngữ văn và môn Lịch sử, dẫn đến điểm các môn thuộc tổ hợp có hai môn này cũng cao hơn. Lý do thứ hai là khi cung quá lớn, còn cầu ít, điểm chuẩn cao là lẽ đương nhiên. Lý do thứ ba là năm nay, có số lượng lớn thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý) để dự thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Hơn nữa, lượng thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 cũng nhiều hơn năm 2023 (năm 2024 có 1.071.393 thí sinh, 2023 có 1.024.063 thí sinh - phóng viên).

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng nêu quan điểm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh được quyền tự do đặt nguyện vọng 1 là ngành học, ngôi trường mình khát khao, ao ước.

Nếu lấy việc không đỗ nguyện vọng 1 để gọi là “trượt” thì không đúng, bởi vì đó là kỳ vọng. Giả sử có 1.000 thí sinh trên 28 điểm và các em đều lựa chọn ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chắc chắn chỉ có vài chục thí sinh trúng tuyển. Bởi vậy, các thí sinh không nên lấy làm căng thẳng khi không đạt được nguyện vọng 1.

Có thể, có người nói rằng, nguyên nhân là do năm nay phổ điểm của tổ hợp xét tuyển C00 tăng cao. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo điểm chuẩn của năm sau sẽ giảm hay không.

Chính vì vậy, điểm chuẩn tăng lên hay giảm xuống không phải câu chuyện quan trọng, nguyên tắc cạnh tranh là không thay đổi. Hồ sơ của thí sinh được xét theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, năm nào số lượng hồ sơ tốt tập trung về một số ngành học, mặc nhiên, điểm sẽ tăng lên".

xHQ4M3dFsAcW9PfIcTxqem8x.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website trường.

Bài học nào được rút ra cho thí sinh năm tới?

Để hạn chế việc thí sinh bị trượt nguyện vọng 1, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho hay: “Giải pháp quan trọng là công tác định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, cần phải làm thật tốt, tránh trường hợp nhiều thí sinh chỉ tập trung vào một trường, một ngành.

Thứ hai, tư vấn để thí sinh nhận ra rằng, không nhất nhất phải đỗ nguyện vọng 1 mới có khả năng thành công. Bởi vì, với điểm số cao đã đạt được, các em hoàn toàn có khả năng đỗ vào ngành học tương tự tại một ngôi trường khác.

Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học để không có nhiều sự chênh lệch, từ đó tăng sự lựa chọn cho thí sinh”.

“Thí sinh có thể nhìn vào xu hướng điểm chuẩn của các năm trước để ước lượng khoảng điểm trúng tuyển và khoảng năng lực của mình, từ đó, chia nguyện vọng thành 3 nhóm.

Đầu tiên là nhóm những ngành, những trường có điểm chuẩn cao hơn năng lực; nhóm thứ hai là nhóm có điểm chuẩn ngang bằng với khả năng; cuối cùng là nhóm có điểm chuẩn thấp hơn năng lực của thí sinh.

Hơn nữa, miễn là nguyện vọng đã lựa chọn, thí sinh nên theo học, không phải là chỉ là chọn lấy một ngành. Sau đó, dù đỗ nhưng không muốn theo đuổi” - thầy Chính nói thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng cũng đưa ra quan điểm, điều quan trọng là các thí sinh nên cân nhắc, đảm bảo nguyện vọng đã đăng ký vẫn là những ngành học bản thân yêu thích và phù hợp với năng lực.

“Thí sinh cũng không nên nhìn điểm chuẩn của các năm trước mà quá lo lắng hoặc quá tự tin. Thay vào đó, cần cố gắng phát hiện những tố chất, điểm mạnh, điểm yếu của mình để chọn ngành học và sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ trên xuống dưới một cách phù hợp.

Sao cho kỳ vọng lớn nhất ở trên cùng, dần dần đến những nguyện vọng thấp hơn, nhưng vẫn phù hợp với đam mê, sở thích. Điều này cũng sẽ tránh được trường hợp các em đã trúng tuyển nhưng không nhập học” - thầy Thắng phân tích.

Hồng Linh