Cần thống nhất tổ hợp và phương thức xét tuyển từ năm 2025 để tránh hỗn loạn

26/08/2024 06:19
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Cần sớm quy định thống nhất tổ hợp và phương thức xét tuyển nhằm tránh sự hỗn loạn trong quá trình tuyển sinh và đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bao gồm 4 môn thi. Trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Như vậy, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, số môn thi từ năm 2025 sẽ giảm đi 2 môn. Và bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn.

Với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn này, như vậy đây là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Với việc có 9 môn tự chọn, từ đây có thể sinh ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.

Xây dựng phương án tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển phù hợp bối cảnh đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc đưa môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường đại học sẽ tính toán lại các tổ hợp để phù hợp hơn với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Đồng thời nên cân nhắc việc đưa 2 môn này vào các ngành xét tuyển.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của công nghệ, kiến thức về Tin học và Công nghệ đã trở thành kỹ năng cơ bản mà mọi người cần có, tương tự như Toán học và ngôn ngữ.

Vì vậy, việc đưa các môn này vào kỳ thi tốt nghiệp giúp đảm bảo rằng học sinh có nền tảng vững chắc để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện đại.

Đồng thời, giúp định hướng và thúc đẩy học sinh quan tâm hơn đến các ngành nghề trong lĩnh vực STEM. Đây là những lĩnh vực đang có nhu cầu nhân lực cao, việc học sinh tiếp cận với các môn học này sớm sẽ giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn về các cơ hội nghề nghiệp, đồng thời phát triển những kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Việc học tập và thi tốt nghiệp bằng môn Tin học, Công nghệ còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, và tư duy logic – những kỹ năng quan trọng không chỉ trong các lĩnh vực STEM mà còn trong nhiều ngành nghề khác. Điều này nâng cao năng lực cạnh tranh của học sinh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa: Phạm Linh
Ảnh minh họa: Phạm Linh

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ, việc đưa 2 môn Tin học và Công nghệ vào làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông là phù hợp và cần thiết.

Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc này cũng giúp thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động.

Đồng thời, các trường cũng nên có lộ trình và định hướng sớm cho học sinh, giúp các trường trung học phổ thông và các em có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu năm học.

Còn Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, môn Tin học và Công nghệ là rất quan trọng cho học sinh lớp 12, điều này không chỉ giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn mà còn là nền tảng để phân luồng, định hướng nghề nghiệp sau này.

Với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, các trường sẽ chủ động nghiên cứu, xây dựng và công bố phương án tuyển sinh để thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, các tổ hợp môn xét tuyển cũng sẽ được cấu trúc lại.

Năm 2025 là năm đầu tiên tuyển sinh cho lứa học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính vì vậy, phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Nha Trang cũng sẽ có nhiều điểm mới.

Có thể nói Trường Đại học Nha Trang là trường đầu tiên cả nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, năm 2025, trường định hướng xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, cụ thể:

Về kết quả học tập ở trung học phổ thông, với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải đã học ở trung học phổ thông một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.

Về kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh còn phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học. Đánh giá năng lực tập trung vào khả năng Toán (toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh); và Khoa học (giải quyết vấn đề).

Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở trung học phổ thông và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.

Danh mục các môn học ở trung học phổ thông và phạm vi đánh giá năng lực học tập đại học từng ngành, chuyên ngành của Trường Đại học Nha Trang cho năm tuyển sinh 2025 như sau:

Danh mục các môn học ở trung học phổ thông và phạm vi đánh giá năng lực học tập đại học từng ngành, chuyên ngành của Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC
Danh mục các môn học ở trung học phổ thông và phạm vi đánh giá năng lực học tập đại học từng ngành, chuyên ngành của Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC

Có ý kiến lo ngại về số lượng học sinh chọn thi các môn Tin học và Công nghệ sẽ không nhiều vì các tổ hợp xét tuyển đại học hiện tại vẫn chưa có sự xuất hiện của hai môn này. Thầy Sơn cho hay, các trường đại học nên cân nhắc việc đưa Tin học và Công nghệ vào các ngành xét tuyển, đặc biệt là những ngành liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực STEM và các ngành có yếu tố công nghệ cao.

Do đó, nếu đưa Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển sẽ khuyến khích học sinh lựa chọn và đầu tư vào các môn học này, tạo điều kiện phát triển lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật số, và tự động hóa đang có nhu cầu lớn về nhân lực. Việc xét tuyển dựa trên các môn Tin học và Công nghệ sẽ giúp các trường đại học đào tạo ra những thế hệ sinh viên đáp ứng được nhu cầu này.

Cũng theo thầy Sơn, các ngành nên xét tuyển là ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Mạng máy tính và truyền thông có thể xét tuyển với tổ hợp có môn Tin học. Các ngành như Cơ điện tử, Tự động hóa.. .. có thể được xét tuyển với tổ hợp có môn Công nghệ.

Đề xuất một số tổ hợp có liên quan đến 2 môn này, thầy Sơn chia sẻ, Tin học là môn học đòi hỏi tư duy logic, khả năng phân tích, và kỹ năng công nghệ, nên kết hợp môn Tin học với những môn có tính tương hỗ cao trong việc phát triển các kỹ năng này như Toán - Tin học - Lý.

Đây là tổ hợp lý tưởng cho các ngành học như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, và Mạng máy tính. Môn Toán và Lý cung cấp nền tảng vững chắc về tư duy logic và phân tích, trong khi Tin học giúp kiểm tra khả năng ứng dụng công nghệ.

Các tổ hợp nên kết hợp môn Công nghệ với các môn khác như: Toán - Lý - Công nghệ, phù hợp cho các ngành Kỹ thuật cơ khí, Cơ điện tử, Tự động hóa, và Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Môn Lý và Công nghệ giúp đánh giá năng lực về kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, trong khi Toán hỗ trợ tư duy logic cần thiết.

Việc đưa Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển sẽ khuyến khích học sinh lựa chọn và đầu tư vào các môn học này, tạo điều kiện phát triển lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, các trường có thể bắt đầu bằng việc thí điểm xét tuyển các môn này ở một số ngành có liên quan trực tiếp, sau đó mở rộng dần sang các ngành khác khi học sinh và giáo viên đã quen thuộc với sự thay đổi này.

Cần sớm quy định thống nhất tổ hợp và phương thức xét tuyển

Theo thầy Sơn, với việc thí sinh có thể lựa chọn 2 môn tự chọn trong nhiều môn khác nhau, dự báo sẽ có rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau xuất hiện.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có định hướng rõ ràng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Việc này không chỉ giúp tránh sự hỗn loạn trong quá trình tuyển sinh mà còn đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc tuyển chọn sinh viên.

Nếu không có định hướng rõ ràng, mỗi trường có thể tự tạo ra những tổ hợp khác nhau, dẫn đến sự phân tán và phức tạp trong hệ thống xét tuyển.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp phù hợp mà còn gây khó khăn cho các trường trong việc so sánh, đánh giá kết quả tuyển sinh.

Đồng thời, nếu các trường đại học tự do xây dựng tổ hợp xét tuyển mà không có sự thống nhất có thể dẫn đến tình trạng không đồng bộ, gây khó khăn cho việc quản lý và điều hành quá trình tuyển sinh.

Còn theo thầy Chung, với phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mỗi trường sẽ có cách tuyển sinh riêng và hội đồng tuyển sinh của trường đó có những cách tính toán sao cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thu Trang