Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, một trong những yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo Thông tư 01 quy định, ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người.
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến bàn luận khác nhau, trong đó, đa số ý kiến đều cho rằng, quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt, tối thiểu 6m2/thầy cô là một trong những khó khăn, thách thức lớn với một số trường.
Quy định không gian làm việc riêng 6m2/giảng viên đối với các trường là một thách thức lớn
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, đây là 1 điểm mới tích cực được hướng dẫn cụ thể chi tiết trong Thông tư 01/2024/TT-BGDDT ngày 05/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều kiện làm việc dành cho giảng viên.
Về thuận lợi, đối với giảng viên, quy định này thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với các điều kiện làm việc của giáo viên, tạo không gian làm việc tốt hơn cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Đối với các cơ sở giáo dục được đầu tư xây dựng mới thì đây là cơ sở pháp lý giúp cho việc quy hoạch, xin đất lập dự án đầu tư, đầu tư xây dựng mới… được thuận lợi dễ dàng, minh bạch.
Đồng thời, đối với các cơ sở giáo dục đã xây dựng trước đây thì cũng là cơ sở để các nhà trường rà soát, sắp xếp lại chỗ làm việc ưu tiên cho giảng viên hơn trong nguồn lực hiện có.
Bên cạnh những điểm thuận lợi, theo thầy Phương, quy định này cũng sẽ có những thách thức đối với các trường trong nội đô được xây dựng từ trước, diện tích khuôn viên hạn chế.
Các cơ sở này đang gặp khó khăn về việc cấp phép xây dựng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới do chủ trương di dời các bộ ngành, cơ quan trường học ra khỏi nội đô theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có tiêu chí chính xác các trường đại học phải di dời khỏi nội đô.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục cũng gặp khó khăn khi sắp xếp, bố trí lại diện tích cho giảng viên vì vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất không có nhiều.
“Khó khăn của Học viện Ngân hàng hiện nay cũng giống như nhiều cơ sở giáo dục đào tạo khác trong nội đô, là việc cấp phép xây dựng công trình mới do chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trụ sở chính tại 12 chùa Bộc được xây dựng từ những năm 1960, được cải tạo nhiều lần để đáp ứng quy mô đào tạo của nhà trường. Việc bố trí diện tích làm việc của giảng viên tuân thủ các quy định của nhà nước. Đồng thời Ban lãnh đạo nhà trường luôn xác định, ưu tiên và tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ giảng viên trong điều kiện thực tế của trường và cũng luôn được các giảng viên chia sẻ”, thầy Phương cho biết.
Đồng quan điểm, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên giúp đảm bảo điều kiện làm việc cho giảng viên, thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với quy định bố trí đủ 6m2 cho mỗi giảng viên là một thách thức lớn cho trường đại học về cơ sở vật chất. Đối với các trường đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, việc bố trí chỗ làm việc riêng cho giảng viên có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Các trường cần phải có kế hoạch cải thiện hạ tầng và không gian làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn giảng viên có quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt, tối thiểu 6m2/thầy cô. Nhìn chung, quy định này này sẽ giúp các thầy cô có không gian riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị công tác.
Trên thực tế, các giảng viên cần có không gian riêng để thực hiện các công việc khác của mình ngoài công tác giảng dạy, do đó khi trường đại học có quỹ đất rộng rãi đảm bảo quy định trên thì sẽ tạo điều kiện rất tốt để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
Nhà trường hiện nay đang đào tạo đến trình độ tiến sĩ, đào tạo theo định hướng ứng dụng thực tiễn cao, do đó hệ thống các phòng thực hành, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và không gian cho các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao đã chiếm quỹ đất rất lớn.
Vì vậy, từ trước đến nay, song song với việc bố trí chỗ làm việc riêng với đầy đủ bàn ghế, máy tính cho cán bộ, giảng viên tại các văn phòng Khoa/Viện, nhà trường chú trọng xây dựng không gian như thư viện, phòng nghiên cứu, phòng tổ chức các chương trình hội thảo, phòng họp, phòng nghỉ ngơi để các thầy cô có thể sử dụng ngoài những giờ có tiết dạy ở giảng đường.
Riêng đối với các nhà nghiên cứu thì có phòng làm việc riêng để phục vụ cho quá trình nghiên cứu và cống hiến cho hoạt động khoa học. Với quy mô hiện tại, nhà trường có thể đáp ứng theo quy định chỗ làm việc riêng biệt của giảng viên.
Nên đầu tư cho các lĩnh vực cần cơ sở vật chất
Theo thầy Sơn, việc bố trí chỗ làm việc cho giảng viên là cần thiết, giúp giảng viên tập trung hơn vào công việc. Tuy nhiên, quy định bố trí chỗ làm việc cho giảng viên nên được thực hiện linh hoạt, tùy điều kiện thực tế ở mỗi cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, trong điều kiện thời đại công nghệ số như hiện nay, một số ngành nghề như luật, kinh tế, du lịch… giảng viên có thể thực hiện các công việc nghiên cứu và giảng dạy qua các công cụ trực tuyến, như phần mềm quản lý nghiên cứu, hệ thống học tập điện tử (LMS), và các nền tảng họp trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, hoặc Google Meet.
Vì vậy, có thể ưu tiên đầu tư cho các ngành đòi hỏi cơ sở vật chất, những ngành như công nghệ, kỹ thuật, y học,.....cần không gian làm việc như phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu.
Đồng thời, nên có cơ chế khuyến khích hình thành các lab nghiên cứu trong trường để giảng viên đến nghiên cứu, hay phục vụ việc hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh,...
Đồng quan điểm, theo cô Dung, phần lớn các giảng viên dành thời gian trên giảng đường, ngoài ra còn có những khoảng thời gian nghiên cứu ở thư viện, họp chuyên môn hoặc theo công tác phụ trách,… ở nhiều không gian khác nhau.
Sắp xếp không gian làm việc thoải mái, với tiện nghi đầy đủ sẽ tạo điều kiện để thầy cô công tác tốt tại đơn vị bên cạnh việc tạo điều kiện, cơ hội để đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển bản thân, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đề xuất để các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện nội dung này một cách dễ dàng thuận lợi hơn mà vẫn đảm bảo yêu cầu, chất lượng đào tạo, thầy Phương chia sẻ, thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các trường đại học cần phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội.
Thứ hai, để quy định trên đi vào thực tế thì các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các địa phương… phải ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất giúp cho các trường triển khai được dễ dàng. Đối với các trường đã xây dựng ở nội đô có diện tích vừa và nhỏ cần phải có hướng dẫn chi tiết tạo điều kiện cho xác định đánh giá xếp hạng chuẩn cơ sở giáo dục đại học;
Thứ ba, Thành phố Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho phép các trường nội đô có nguồn lực về vốn, mặt bằng được xây dựng các công trình tạm trong khuôn viên nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy, học tập của sinh viên như nhà để xe sinh viên, chỗ làm việc cho các giảng viên.
Cuối cùng, cũng cần phải có 1 nguồn lực hỗ trợ về đầu tư để các trường chưa tự chủ chi đầu tư có thể thực hiện việc đầu tư xây dựng được thêm cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện trên.