Từ chuyện thủ khoa trượt NV1, làm sao để tăng cơ hội đỗ vào đại học top đầu?

09/03/2024 06:28
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu xét chứng chỉ tiếng Anh và kỳ thi riêng…

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Trong đó, nhiều trường thay đổi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức, thêm tiêu chí phụ để sàng lọc thí sinh, đảm bảo đầu vào chất lượng hơn.

Việc một số trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thêm tiêu chí phụ cho một số phương thức tuyển sinh khiến cuộc đua vào ngành "hot" của một số trường đại học top đầu càng thêm phần khốc liệt.

Còn nhớ mùa tuyển sinh năm 2023, hai thủ khoa khối A00 của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 29,35 điểm nhưng đều trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. [1]

Thời điểm đó, câu chuyện này khiến dư luận rất bất ngờ, nhiều người cảm thấy khó hiểu khi thủ khoa toàn quốc lại trượt nguyện vọng 1.

Vậy, trong mùa tuyển sinh năm 2024, thí sinh cần lưu ý điều gì để gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành "hot"?

Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2023 với 3 phương thức xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 6.200 chỉ tiêu.

Theo đó, trường dự kiến tuyển khoảng 6.200 chỉ tiêu, với 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (giảm 7% so với năm 2023), 80% xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường và tuyển thẳng chỉ có 2%.

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm bao gồm điểm ưu tiên.

Năm nay Trường Đại học Ngoại thương sàng lọc thí sinh bằng cách thêm tiêu chí phụ với 2 phương thức xét tuyển:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia/trung học phổ thông chuyên.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập trung học phổ thông/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường trung học phổ thông.

Với 2 phương thức này, thí sinh phải đáp ứng điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.

Trước đó, năm 2023 điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động từ 26,2 đến 28,5 điểm.

Điểm chuẩn xét tuyển sớm với phương thức xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế và sử dụng điểm đánh giá năng lực dao động từ 25,5 - 30 điểm, phần lớn các ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên.

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường
Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2024, nhà trường đã công bố thông tin tuyển sinh sớm hơn so với năm 2023, đặc biệt là giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh và dự kiến phân bổ tỷ lệ trung bình cho toàn Đại học.

Theo đó, phương thức xét tuyển tài năng dự kiến xét tuyển 20%, xét theo điểm thi đánh giá tư duy là 30% và xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 50%. Tất cả 64 chương trình đào tạo của nhà trường đều xét tuyển theo cả 3 phương thức.

Trước đó, năm 2023 các ngành "hot" của Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhóm thí sinh có học lực từ giỏi đến xuất sắc thuộc nhóm đào tạo ngành công nghệ thông tin như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, an toàn không gian số, tự động hóa, kỹ thuật điện tử - viễn thông, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo… với điểm chuẩn cao chót vót, có ngành chạm gần tuyệt đối.

Điển hình là ngành khoa học máy tính có điểm chuẩn trúng tuyển bằng kết quả đánh giá tư duy là 83,97/100 điểm, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông điểm chuẩn lên tới 29,42 (tương đương 9,8 điểm/môn).

Muốn tăng cơ hội trúng tuyển ngành hot, không nên chỉ phụ thuộc điểm thi tốt nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn mỗi mã ngành của mỗi trường phụ thuộc vào 1 số yếu tố như: Ngành "hot", trường "top" và chỉ tiêu tuyển sinh. Tổng hợp 3 yếu tố này mới xác định được tính cạnh tranh cao hay thấp của 01 mã ngành/trường cụ thể.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Doãn Nhàn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Doãn Nhàn

Bên cạnh đó, để tăng cơ hội trúng tuyển ngành "hot", ngoài việc tập trung học tập, thí sinh nên đăng ký thi thêm HSA (Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức) hoặc TSA (Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội) vì các kỳ thi này có rất nhiều trường sử dụng để xét tuyển, ngoài phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Với phương thức xét tuyển kết hợp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thí sinh lưu ý đọc kỹ điều kiện và công thức quy đổi điểm để xác định đối tượng phù hợp nhất với mình, không dàn trải nhiều kỳ thi, nhiều chứng chỉ không cần thiết.

Cùng với đó, thí sinh nên chú ý từ năm 2023, điểm cộng ưu tiên đã theo công thức giảm dần từ 22,5 điểm trở lên theo quy chế chung.

“Trường có định hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kết quả học tập trung học phổ thông cũng như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hướng đến sử dụng kết quả của các kỳ thi chuẩn hóa, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy”. Phó Giáo sư Bùi Đức Triệu thông tin thêm.

Theo Phó Giáo sư Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với một số chương trình "hot", nếu thí sinh chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển thì vẫn có cơ hội, nhưng sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh rất cao trong phương thức này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải - Trưởng ban tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải - Trưởng ban tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

"Chúng tôi khuyên các em đang có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào những ngành học trên nên tận dụng thêm cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy", thầy Hải nói.

Theo thầy Hải, các em nên sử dụng điểm thi đánh giá tư duy để xét tuyển. Nhà trường đã công bố kế hoạch tổ chức 6 đợt thi Đánh giá tư duy với 20 điểm thi tại 10 tỉnh thành, phố trên cả nước, trong đó đợt 1 đã diễn ra từ tháng 12/2023. Điều này giúp thí sinh chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu của mình.

Về những điểm mới trong kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 của Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy Hải chia sẻ, sau thời gian chuẩn bị, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi đánh giá tư duy sẽ giữ ổn định trong các năm tới.

Theo đó, bài thi gồm 3 phần thi, Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút).

Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi thi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra kiến thức của môn học nào.

Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động theo thẻ căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử. Do vậy khi thí sinh đi thi, các em phải nhớ mang theo căn cước công dân của mình.

Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Vũ Thắng, học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết, ngành Kỹ thuật điều khiển - tự động hóa tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là ngành học mà em và nhiều bạn thí sinh khác quan tâm.

Tuy nhiên, năm 2023, ngành này có mức điểm chuẩn khá cao là 27,57 với 2 tổ hợp xét tuyển là A00 và A01. Do vậy, từ cuối hè lớp 11, em tập trung ôn thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 7,5.

Bên cạnh đó, em cũng đang lên kế hoạch thi thêm bài thi đánh giá tư duy vào tháng 4 tới đây để tăng thêm cơ hội xét tuyển.

“Để có kết quả tốt và đạt được mục tiêu vào ngành học mà em mong muốn, em đã lên kế hoạch ôn tập phù hợp và khoa học. Song song với đó, cần phải tích lũy kiến thức trong cả quá trình học phổ thông để tránh tình trạng phải học quá nặng dẫn đến nhiều áp lực trong học tập”, Thắng thông tin thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/vi-sao-2-thu-khoa-toan-quoc-khoi-a00-truot-nv1-vao-dh-bach-khoa-ha-noi-post237535.gd

Thu Trang