Thuộc khối kỹ thuật nhưng mở ngành Quản lý giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải

23/02/2024 06:31
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mở thêm 1 ngành đào tạo mới là Quản lý Giáo dục - ED3.

Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có thông tin chính thức về tuyển sinh đại học 2024, trong đó nhà trường dự kiến mở 1 chương trình đào tạo mới là Quản lý giáo dục - ED3. Thông tin này nhận được sự quan tâm của khá nhiều dư luận vì đây vốn là ngành học thuộc thế mạnh đào tạo của khối các trường sư phạm, trong khi đó Đại học Bách khoa Hà Nội lại là trường thuộc khối kỹ thuật.

GDVN-thaydien.png
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với ngành học mới dự kiến mở là Quản lý giáo dục, thầy Điền cho biết ngành này thuộc khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục đang đào tạo ngành Công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất vào giáo dục. Theo Phó giáo sư Điền, việc mở thêm ngành Quản lý giáo dục giúp hoàn thiện đối tượng còn thiếu là đội ngũ đảm nhận việc tổ chức đào tạo và quản lý.

Theo vị lãnh đạo, quản lý giáo dục ngày nay đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng, đặc biệt yêu cầu về việc dùng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, thay vì chỉ quản lý truyền thống bằng thủ công như trước đây. Với thế mạnh là cơ sở đào tạo hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ, người học ngành Quản lý giáo dục tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được đào tạo thêm các kiến thức về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,... giúp đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhà trường đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và chương trình đào tạo cho ngành học mới này. Về đội ngũ giảng viên, Phó giáo sư Điền cho biết khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục có truyền thống lâu đời, với nhiều chuyên gia về lĩnh vực quản lý giáo dục, công nghệ giáo dục,...

“Với ngành Quản lý giáo dục không yêu cầu quá nhiều các phòng thí nghiệm như các ngành học khác. Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội có Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (trường nằm trong hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings của Bách khoa) sẽ là một nơi thực hành, thực tập cho các em rất tốt”, thầy Điền thông tin về điều kiện cơ sở vật chất chuẩn bị cho ngành mới.

9ac9dfdc-b30f-4538-9bdf-71564c766be7-jpeg.jpg
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học 2023. Ảnh: Duy Thành

Theo thông tin tuyển sinh đại học 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, năm nay cơ sở này dự kiến tuyển sinh 64 chương trình đào tạo, trong đó có 23 chương trình chất lượng cao.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT (quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học) không có khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao.

Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Theo đó, từ ngày 1/12/2023, trong các trường đại học sẽ không còn chương trình đào tạo chất lượng cao.

Trả lời phóng viên về việc liệu nhà trường vẫn tuyển sinh các chương trình chất lượng cao như vậy có phù hợp với quy định hiện hành, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền khẳng định, trong các văn bản chính thức của Đại học Bách khoa Hà Nội không có cụm từ “chương trình chất lượng cao”.

Thực tế, các chương trình này tại Đại học Bách khoa Hà Nội được gọi là ELITECH (viết tắt của cụm từ Elite Technology Program). Đây là chương trình đào tạo có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của trường về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại.

Hiện chương trình ELITECH của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 23 chương trình, bao gồm Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh với 16 chương trình; Chương trình có tăng cường ngoại ngữ (Nhật, Pháp) với 03 chương trình; và Chương trình có chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác (Nhật, Đức) với 04 chương trình.

Theo thầy Điền, thuật ngữ “chương trình chất lượng cao” được sử dụng trong quảng bá, truyền thông giúp đại đa số học sinh, phụ huynh,... dễ dàng tiếp cận. Bởi thực tế các chương trình này đều có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà.

“Các chương trình ELITECH đều đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như AUN-QA, HCERES,... Sinh viên theo học các chương trình ELITECH có lợi thế là được tổ chức đào tạo theo các lớp nhỏ, giảng viên giỏi, nội dung chương trình đào tạo chuyên sâu với kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc, đặc biệt chú trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ (Anh/Pháp/Nhật/Đức),...”, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.

Về căn cứ xác định mức học phí, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị công lập tự chủ, do đó được tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo kèm theo các mức học phí phù hợp với từng chương trình. Theo thầy Điền, học phí các chương trình ELITECH do nhà trường tự xác định dựa theo phương pháp quy định trong Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tồn tại 2 chương trình đại trà và các chương trình chất lượng cao trong cùng 1 trường có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, theo thầy Điền, việc tồn tại các chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, tùy theo nhu cầu và điều kiện của mỗi đối tượng. Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh thêm, hầu hết các ngành nghề do đơn vị này đào tạo đều có chương trình đại trà. Với các chương trình chất lượng cao (chương trình ELITECH), thực tế có mức thu học phí cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với chương trình đại trà, do đó người học sẽ được hưởng thêm một số ưu đãi khác về điều kiện học tập và nghiên cứu tốt hơn.

Phó giáo sư Điền nhấn mạnh, việc thực hiện các chương trình này cũng góp phần lan tỏa tính quốc tế hóa tới các chương trình đào tạo khác trong trường, tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên giao lưu quốc tế, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Doãn Nhàn