2 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cùng mở ngành vi mạch, chuyên gia lo ngại

17/02/2024 06:30
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo chuyên gia, các trường cần có sự tính toán, cân nhắc việc mở ngành “hot”, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực đào tạo.

Sau hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, nhiều trường đại học dự kiến mở ngành đào tạo liên quan vi mạch, bán dẫn từ năm 2024.

Việc các trường ồ ạt mở ngành mới liên quan lĩnh vực vi mạch khiến các chuyên gia lo ngại về sự chồng chéo trong hệ thống ngành nghề và trùng lặp chương trình đào tạo. Bởi có những ngành mở mới nhưng chương trình đào tạo gần những ngành đã có, hay cùng một lĩnh vực nhưng mỗi trường lại có tên gọi khác nhau khiến thí sinh rơi vào “ma trận” chọn nghề.

Có thể kể đến các cơ sở giáo dục đại học mở ngành Thiết kế vi mạch như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh,...

Hay ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn có một số cơ sở giáo dục dự kiến tuyển sinh từ năm nay: Trường Đại học Phenikaa, Trường Bách Khoa (Đại học Cần Thơ), Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng),...

Bên cạnh đó, có thể kể đến một số ngành đào tạo gần với vi mạch như: Kỹ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin, Cơ Điện tử, Tự động hóa...

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là trường đại học mở ngành mới có đủ năng lực để đào tạo hay không và đặc biệt là có bị chồng chéo việc mở gần như cùng một ngành trên một địa bàn và ngay trong một đại học là một bất cập không đáng có.

Do đó, các trường cần có sự tính toán, cân nhắc việc mở các ngành “hot”, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo, tránh phân tán nguồn lực đào tạo để đạt được hiệu quả và chất lượng đào tạo tốt nhất có thể.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, làm sao thu hút được sinh viên theo học và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài cũng là bài toán khó.

Mở ồ ạt nhưng để đào tạo bài bản còn nhiều thách thức

Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhận định, năm 2024 nhiều trường ồ ạt mở ngành về vi mạch, tuy nhiên để giảng dạy và đào tạo bài bản không phải điều dễ dàng mà có rất nhiều thách thức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: VLU

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: VLU

Phóng viên băn khoăn liệu có phải việc các trường mở ngành đào tạo giống nhau giúp người học có nhiều sự lựa chọn, tránh độc quyền trong đào tạo. Thầy Tống cho rằng: “Khi nhiều trường thành viên của một đại học, ví dụ như Đại học Đà Nẵng cùng mở ngành mới giống nhau như vậy sẽ tạo ra bức tranh cạnh tranh không hay.

Nếu chỉ có một trường đào tạo, cùng dồn nguồn lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng viên chất lượng thì sẽ hiệu quả hơn. Khi từ hai trường trong một vùng nhỏ cùng mở ngành thì sẽ phải phân chia nguồn lực, phân chia sinh viên, rồi liệu có tuyển đủ được không hay lại gây ra sự lãng phí vì bên nào cũng ít người theo học? Theo tôi, nên gộp chỉ tiêu cho một trường đào tạo để quản lý tốt hơn, các trường thành viên hoàn thành có thể cộng tác với nhau”.

Bên cạnh đó, chuyên gia giáo dục lo ngại việc 2 trường thành viên của một đại học cùng đào tạo ngành mới khiến thí sinh hoang mang không biết lựa chọn cơ sở nào.

Thầy Tống cũng chỉ ra một trong những thách thức không nhỏ đối với cơ sở giáo dục mở ngành liên quan đến vi mạch là vấn đề cơ sở vật chất. Bởi lĩnh vực đào tạo này đòi hỏi các trường có năng lực và tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên chất lượng cao hay mạng lưới hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác…

“Xã hội cần nguồn nhân lực nhưng các trường cũng nên có sự tính toán hợp lý, xác định đúng tiềm lực của đơn vị để không bị chạy theo xu thế rồi không cạnh tranh được. Để đẩy mạnh công tác đào tạo lĩnh vực vi mạch, cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách từ nhà nước để khuyến khích người học và cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó còn cần có sự hợp tác của nhà trường - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng ta cần chú trọng nhất đến chất lượng đào tạo, làm sao để đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường”, thầy Tống nhấn mạnh.

Còn Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, 2 trường thành viên của một đại học nên tập trung sức mạnh tổng hợp, liên kết, hợp tác với nhau và chỉ nên mở một ngành. Sở dĩ đại học cũng là có vai trò hợp tác, chia sẻ nguồn lực, thế mạnh của mỗi trường thành viên trong giảng dạy và nghiên cứu trong các chương trình có tính tích hợp. Đại học không phải là phép cộng thuần túy của các trường thành viên, không thể nhập vào như “bao tải khoai tây” mà mất đi sự quản trị thống nhất của một đại học.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ: “Hai thành viên của một đại học cùng mở ngành mới gần tương tự nhau như thế sẽ dẫn đến sự cạnh tranh về mặt tuyển sinh, như thế này tạo ra hình ảnh không hay cho một đại học, thiếu đi tinh thần hợp tác phát huy sức mạnh của đội ngũ và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Muốn thực hiện sứ mệnh của đại học đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp đại học thì các đơn vị thành viên cần có sự liên kết, hợp tác, tích hợp liên ngành, tận dụng các chuyên gia trong các ngành khoa học khác nhau, cơ sở vật chất, phòng lab,.... Tôi cho rằng, chỉ nên mở ngành mới này, tập trung nguồn lực phát triển phù hợp với yêu cầu của xã hội. Văn bằng tốt nghiệp do trường nào ký tùy thuộc Đại học Đà Nẵng quyết định.

Trường hợp tên ngành có thể tương tự nhau, nhưng khác nhau về nội dung thì cần làm rõ nội hàm chuẩn đầu ra của mỗi chương trình, nếu khác nhau về chuẩn đầu ra quá 30% thì nên gọi lại tên khác và xây dựng chương trình mới. Nhưng dù sao, hai trường rất nên hợp tác phát triển chung một chương trình, trong đó có phần chung để chia sẻ nguồn lực và phần riêng thiết kế cho những nhóm sinh viên có yêu cầu và đáp ứng 30% khác nhau ở chuẩn đầu ra”.

Cần có sự đồng hành từ ba phía

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng: Xu thế hiện nay các ngành học thay đổi rất nhanh và cần có những dự báo vĩ mô để định hướng. Bên cạnh đó, nhận định nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn sẽ phát triển nhanh chóng, cần có sự đồng hành từ chiến lược quốc gia, các doanh nghiệp và trường đại học. Theo đó, để giảng dạy được ngành công nghiệp bán dẫn cần có nguồn nhân lực giảng dạy của các trường đại học, các doanh nghiệp cũng tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo và các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh. Ảnh: EQuest.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh. Ảnh: EQuest.

"Mặt khác, quan trọng nhất là đầu ra của các sinh viên sau khi tốt nghiệp, chúng ta đã có kinh nghiệm của việc phát triển nhân lực nóng trong ngành công nghệ thông tin và ngành du lịch. Trong giai đoạn đầu tiên việc kết hợp với doanh nghiệp và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng đóng vai trò định hướng. Ví dụ như với ngành Công nghệ thông tin, nhà nước đã có những chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về cơ sở vật chất. Về đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định riêng về cơ chế đặc thù để tạo điều kiện các trường có thể nhanh chóng tăng quy mô đào tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng đào tạo tại nhà trường cũng như trong doanh nghiệp", Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhận định.

Phóng viên băn khoăn về các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt để tạo điều kiện thuận lợi đào tạo cũng như thúc đẩy hợp tác với đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, nhất là với các trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Mỹ có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, Tiến sĩ Minh chia sẻ: Việc chuyển giao công nghệ cho các trường đại học là một trong những việc quan trọng mà các doanh nghiệp đối tác nước ngoài khi tham gia cần thực hiện. Nhà nước có thể có thêm các quỹ để tăng cường hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tại các trường đại học bằng cách gửi đi nâng cao năng lực tại nước ngoài.

Đồng thời có thể khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và các trường quốc tế có thế mạnh về ngành này để nhanh chóng chuyển giao công nghệ, đào tạo lực lượng cán bộ giáo dục đại học tại Việt Nam.

Ngoài ra, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng cho rằng, nguồn nhân lực và nhu cầu của doanh nghiệp luôn là vấn đề khó khăn khi ghép nối được nhu cầu đáp ứng - nhu cầu sử dụng. Hiện tại các doanh nghiệp về ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam mới dừng ở mức tiềm năng, sinh viên ra trường chưa có nhiều lựa chọn để phát triển. Trong khi đó nếu chưa có nhiều sinh viên ngành này thì các tổ chức lớn sẽ rất e ngại khi đầu tư tại Việt Nam.

Nhi Anh