Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô lớn và ngày càng phát triển nhất là trong thời đại số. Thế nhưng hiện nay, ngành này đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn trong đó dự kiến có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế chip.
Trường đại học "bắt tay" với doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng thông tin: Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai thời gian tới và nguồn nhân lực phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, vi mạch trên cơ sở các chiến lược về phát triển vùng động lực kinh tế, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, được sự chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Trường Đại học Lạc Hồng và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU thực hiện ký kết hợp tác chiến lược về việc xây dựng Trung tâm thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Lạc Hồng.
“Hai bên cam kết hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua việc hợp tác để cùng góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai”, thầy Quỳnh thông tin.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC) |
Cũng theo thầy Quỳnh, khi phối hợp, hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành cho sinh viên. Qua đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, hai bên xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động và ngành công nghiệp, giúp sinh viên có được kiến thức sâu rộng và kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp sau này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Lê Kha - Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU cho hay: Theo yêu cầu của Thủ tướng, năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch. SUN EDU với sứ mệnh tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, nhằm đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
"Việc liên kết với các trường đại học sẽ giúp mở rộng việc đào tạo, tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian tới cho địa phương.
Ngoài ra, khi hợp tác các đơn vị sẽ cùng nhau tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại địa phương; tổ chức sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn", ông Kha bày tỏ.
Cũng theo ông Kha, công ty SUN EDU hiện cũng có nhiều đối tác hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Công ty sẵn sàng hỗ trợ kết nối sinh viên, học viên thực tập cũng như trải nghiệm ở các doanh nghiệp giúp người học ứng dụng vào thực tiễn.
Lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. (Ảnh: Công ty SUN EDU cung cấp) |
Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cũng cho biết, nhà trường liên kết với nhiều doanh nghiệp khác về đào tạo, thiết kế vi mạch. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ trường rất nhiều trong việc đầu tư cơ sở vật chất.
"Ngoài cơ sở vật chất do nhà trường đầu tư thì còn có các đối tác chiến lược như Công ty On Semiconductor đang đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Biên Hòa II sẽ chuyển giao một số máy móc thiết kế, chế tạo vi mạch đang sử dụng trong sản xuất về lại cho nhà trường để phục vụ đào tạo sinh viên. Dự kiến qua Tết Nguyên đán hoạt động này sẽ được triển khai mạnh mẽ tại LHU. Rất nhiều sinh viên của Trường Đại học Lạc Hồng tốt nghiệp đang làm cho công ty này.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Trường Đại học Lạc Hồng cũng có sự hỗ trợ của Đại học Bang Arizona (Mỹ). Trường này cũng có một chuyên ngành về thiết kế vi mạch. Các chương trình đào tạo của Đại học Bang Arizona cũng hỗ trợ cho Trường Đại học Lạc Hồng rất nhiều", thầy Quỳnh thông tin.
Các bước chuẩn bị thành lập Trung tâm vi mạch bán dẫn
Trong thỏa thuận hợp tác, Trường Đại học Lạc Hồng cũng phối hợp Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU nghiên cứu triển khai thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn. Trung tâm định hướng phát triển các mô hình đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, bắt đầu bằng việc tổ chức, xây dựng và đào tạo lại đội ngũ giảng dạy bảo đảm cung cấp các khoá đào tạo chuyên sâu, sát với thực tiễn doanh nghiệp và thị trường. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vừa phải có nền tảng và linh hoạt điều chỉnh để sẵn sàng thích ứng với sự biến đổi của ngành công nghệ một cách nhanh chóng trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, để thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn cần triển khai theo lộ trình từng bước một. Bước đầu tiên là đào tạo giảng viên và sinh viên. Bước 2 là thực hiện chuyển giao máy móc từ các doanh nghiệp và bước 3 là khai trương trung tâm. Dự kiến cuối năm 2024 trung tâm sẽ được khai trương.
“Trong thời gian tới nhà trường sẽ khai giảng khóa đào tạo giảng viên đầu tiên về vi mạch bán dẫn, các khóa tiếp theo sẽ đào tạo cho sinh viên các chuyên ngành kỹ thuật gần với ngành vi mạch bán dẫn để phục vụ cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt hiện tại.
Bước tiếp theo chúng tôi sẽ mở ngành vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Lạc Hồng sẽ cử giảng viên đi học trong và cả ngoài nước (ngoài nước tập trung chính vào Đài Loan - nơi mà LHU có nhiều mối quan hệ hợp tác) để tiến tới đầu 2025 LHU cũng sẽ có 1 đoàn hơn 20 giảng viên và sinh viên tham gia khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại trường Đại học Nam Đài Loan (học bổng do doanh nghiệp và chính phủ Đài Loan tài trợ)”, thầy Quỳnh thông tin.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cũng cho biết thêm: Chuyên ngành Thiết kế vi mạch là một chuyên ngành nhỏ trong lĩnh vực Điện - Điện tử đang được đào tạo tại Trường Đại học Lạc Hồng. Trong thời gian qua, giảng viên và sinh viên ngành này cũng thực hiện rất nhiều dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
Sinh viên thực hành thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NTCC) |
Có thể kể đến thành tích rất nổi bật trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đó là các bo mạch điện tử điều khiển robot trong cuộc thi Robocon mà Trường Đại học Lạc Hồng đã xuất sắc 9 năm vô địch Việt Nam, 3 năm vô địch Châu Á. Toàn bộ các bo mạch điều khiển này đều do giảng viên và sinh viên nhà trường thực hiện.
Ngoài ra Trường Đại học Lạc Hồng đã 5 năm liên tiếp vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu Châu Á. Các bo mạch điều khiển này cũng do giảng viên và sinh viên nhà trường thiết kế.
“Những bo mạch điều khiển này là những bo mạch điện tử, tuy rằng bo mạch này có kích thước lớn chứ không phải con chip vi mạch siêu nhỏ như hiện tại. Nhưng từ những nguyên lý cơ bản, những kiến thức về thiết kế bo mạch này các bạn có thể nâng cấp thêm, trang bị thêm kiến thức về công cụ thiết kế vi mạch rất nhanh.
Hay trước đó, năm 2007 nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm bớt nhân công, Ban giám đốc công ty Nectokin đã đặt hàng cho khoa Cơ Điện – Điện tử Trường Đại học Lạc Hồng thiết kế “Máy kiểm tra và xếp vĩ linh kiện tự động” với những tính năng và ứng dụng đặc biệt giúp tăng năng suất lao động.