Tìm giải pháp phát triển hiệu quả cho hệ thống các trường ĐH, CĐ địa phương

10/05/2024 16:13
Doãn Nhàn - Lã Tiến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hội thảo nhằm xác định giải pháp để phát triển các trường ĐH, CĐ địa phương củng cố mạng lưới trong phân tầng GDĐH với sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Sáng nay (10/5), Hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” do Câu lạc bộ các trường đại học địa phương thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức.

Sự kiện do Trường Đại học Hạ Long đăng cai tổ chức.

GDVN-ht-gd địa phương (2).jpg
Đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có: ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Văn Hải - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác Hội viên.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc địa phương trên cả nước.

GDVN-ht-gd địa phương (10).JPG
Ban chủ trì hội thảo gồm: PGS.TS. Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường Đại học địa phương; PGS. TS. Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương; TS. Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long, Uỷ viên Câu lạc bộ các trường đại học địa phương.

Hội thảo bàn luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến "vận mệnh" của hệ thống giáo dục đại học địa phương

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long khẳng định, trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các trường đại học địa phương đã phát triển mạnh mẽ, dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, các trường đại học địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

“Nhất là trong giai đoạn tới đây, khi cả nước và khu vực lân cận sẽ có thêm nhiều trường đại học và cao đẳng tư thục, đại học quốc tế ra đời theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo đại học trong nước và đại học nước ngoài tại Việt Nam đòi hỏi các trường đại học địa phương phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long bày tỏ.

GDVN-ht-gd địa phương (3).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, hệ thống các trường đại học địa phương hiện nay phải gánh vác trách nhiệm nặng nề khi vừa đóng vai trò trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị và trọng trách của địa phương giao cho.

Chính vì vậy, công tác chỉ đạo, định hướng, ban hành chính sách và hỗ trợ đầu tư của các tỉnh, thành phố đối với các trường đại học địa phương trực thuộc đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định, tạo tiền đề để các trường phát triển đúng hướng và phát huy được vai trò của mình.

Từ thực tiễn trên, Hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” được tổ chức với mục tiêu nhận diện thực tiễn, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, vận hành các trường đại học địa phương, từ đó bàn các giải pháp để hệ thống các trường thể hiện vai trò, vị thế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước.

Đồng thời, Hội thảo cũng tập trung đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp đối với cơ quan trung ương và chính quyền địa phương nhằm tạo những cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất để các trường khẳng định vai trò là “máy cái” trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và vùng phụ cận.

GDVN-ht-gd địa phương (13).jpg
Phó giáo sư Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương.

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương định hướng một số nội dung trao đổi, thảo luận tại hội thảo, bao gồm:

Một là, vai trò, sự đóng góp của chính quyền địa phương đối với sự phát triển đối với các trường đại học, cao đẳng địa phương.

Hai là, vị trí, tầm quan trọng của các trường đại học, cao đẳng địa phương trong việc đào tạo nhân lực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Ba là, vai trò của các trường đại học, cao đẳng địa phương trong việc phản biện cơ chế chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Bốn là, sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc.

Năm là, một số đề xuất, kiến nghị với Câu lạc bộ các trường đại học địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh của địa phương để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng địa phương phát triển hơn nữa.

GDVN-ht-gd địa phương (8).jpg
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng địa phương trên cả nước về tham dự.

Gợi mở hướng đi cho hệ thống các trường đại học địa phương

Trao đổi tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, cùng với các cơ sở giáo dục đại học quốc gia/vùng, các cơ sở giáo dục đại học địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mọi quốc gia.

“Loại trường này phải được chính quyền và cộng đồng địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển”, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.

GDVN-ht-gd địa phương (1).jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gợi mở một số định hướng phát triển cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học địa phương.

Trước tình trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học địa phương sau khi trải qua thời kỳ “nở rộ” hiện đang có nguy cơ bị “xóa sổ”, hoặc bị “nghề hóa”, bị sáp nhập vào các trường trung ương để hy vọng được “trung ương hóa”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gợi mở một số hướng phát triển cho hệ thống giáo dục này.

Thứ nhất, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề xuất cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm đang có hiện nay. Thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/ đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.

Trong đó, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở chủ yếu được ưu tiên trao cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương, theo yêu cầu của địa phương (Nghị định 116).

Thứ hai, nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương được miễn trừ áp dụng Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính.

Để bảo đảm nguyên tắc công bằng, các cơ sở giáo dục đại học địa phương cần được chính quyền (trung ương và địa phương) ưu tiên đầu tư ngân sách cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Thứ ba, trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, để phát triển thuận lợi, các trường địa phương nên được tổ chức theo mô hình của trường đại học/cao đẳng cộng đồng, được đi lên chủ yếu từ các trường cao đẳng sư phạm địa phương.

Thứ tư, các trường đại học địa phương nên tổ chức theo cơ chế bán tự chủ: Chủ tịch Hội đồng trường phải là Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm khẳng định quyền lực và trách nhiệm của cộng đồng đối với trường.

Thứ năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ như quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2019; phải có trách nhiệm duy trì, hỗ trợ, ưu tiên giao nhiệm vụ và cấp ngân sách hợp lý cho các trường trực thuộc địa phương để chúng thực hiện đúng sứ mệnh của mình như đã cam kết với Chính phủ khi thành lập.

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng đề xuất hướng phát triển thông qua việc khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời triển khai hệ thống giáo dục mở thông qua quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

GDVN-ht-gd địa phương (11).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo tiếp tục với nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi liên quan đến các vấn đề phát triển của hệ thống giáo dục đại học địa phương như xu hướng sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học quốc gia, đại học vùng; khẳng định tầm quan trọng của việc định hướng, quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc; vấn đề tổ chức quản lý trong nhà trường,...

Những ý kiến trao đổi, đóng góp tại hội thảo là những cơ sở quan trọng để Câu lạc bộ các trường đại học địa phương có kiến nghị, đề xuất với chính quyền các địa phương, cùng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và các bộ, ban ngành liên quan để có những giải pháp kịp thời, góp phần thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng địa phương phát triển.

Một số hình ảnh tại hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”:

GDVN-ht-gd địa phương (9).jpg
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
GDVN-ht-gd địa phương (7).jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam cho Phó giáo sư Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.
GDVN-ht-gd địa phương (5).jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến trao tặng bằng khen cho Trường Đại học Hạ Long.
GDVN-ht-gd địa phương (4).jpg
Thành viên Câu lạc bộ các trường đại học địa phương chụp ảnh lưu niệm.
GDVN-ht.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Doãn Nhàn - Lã Tiến