Hạnh phúc giản dị của điều dưỡng viên là nhìn thấy sự phục hồi của người bệnh

Hạnh phúc giản dị của điều dưỡng viên là nhìn thấy sự phục hồi của người bệnh

24/10/2024 06:26
Linh Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Điều dưỡng là một nghề cao cả với sứ mệnh, nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe con người.

Đi cùng với nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu về cải thiện sức khỏe của con người ngày càng tăng cao, điều dưỡng chính là một trong những mắt xích quan trọng trong khối ngành Sức khỏe, có vai trò lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tại Hội nghị Khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức hồi tháng 6, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, điều dưỡng là một nghề cao quý, đóng vai trò thiết yếu trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân, đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có tình yêu thương, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả.

Quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đòi hỏi điều dưỡng viên không chỉ chăm sóc về mặt thể chất mà còn phải quan tâm đến tâm lý, xã hội và tinh thần của người bệnh. Sự chăm sóc toàn diện này giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Thứ trưởng Thuấn cũng cho rằng, không chỉ tập trung chuyên môn, cần tăng cường vai trò của điều dưỡng trong quản lý và lãnh đạo y tế. Điều dưỡng viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý để có thể tham gia vào quá trình lập kế hoạch, đánh giá và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Điều đó không chỉ đẩy mạnh vai trò của điều dưỡng viên, góp phần cải thiện toàn diện hệ thống y tế mà còn nâng cao vị thế của người điều dưỡng trong xã hội. [1]

Ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định số 375-CT thành lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam và sau này đổi tên thành Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam.

Ngày 26/10 hàng năm được quy định là Ngày Điều dưỡng Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành Điều dưỡng và tôn vinh những cống hiến thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng viên tận tụy, không quản ngại ngày đêm chăm sóc tận tâm cho người bệnh.

Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận chia sẻ của một số cán bộ Điều dưỡng hiện đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị nhằm giúp độc giả hiểu hơn về nghề này.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng khi là người tham gia vào quá trình điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh. Bên cạnh bác sĩ điều trị, điều dưỡng viên là người chăm sóc toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh từ lúc nhập viện cho tới khi khỏe mạnh và được xuất viện.

Muốn “vững nghề”, điều dưỡng viên cần có tố chất gì?

Mỗi ngày trôi qua, các điều dưỡng viên đều phải ghìm lòng mình lại khi chứng kiến, tiếp xúc với những nỗi đau của người bệnh. Hơn ai hết, họ thấu hiểu và thương cảm với những đau đớn mà người bệnh đang gồng gánh. Niềm vui lớn nhất đối với điều dưỡng viên chính là cơ hội được tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người bệnh, người nhà người bệnh theo hướng tích cực hơn, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn và chiến thắng bệnh tật.

Đó là những lời chia sẻ của Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu Đặng Xuân Trường - người đã có nhiều năm gắn bó với công việc của một điều dưỡng tại Bệnh viện Hữu Nghị.

hn4.gif

Anh Trường bộc bạch: “Tôi cảm thấy vui nhất là khi có những người bệnh tưởng chừng khó qua khỏi nhưng nỗ lực của chúng tôi đã giúp họ phục hồi và được xuất viện. Đối với điều dưỡng chúng tôi, việc nhìn thấy người bệnh hồi sinh, vượt qua những giai đoạn khó khăn chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất”.

Theo anh Trường, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn thì lòng nhân ái, sự thấu hiểu và sẻ chia nỗi đau của người bệnh là một trong những tố chất mà điều dưỡng viên nào cũng cần có. Từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười và lời nói của điều dưỡng đều góp phần giúp người bệnh xoa dịu cơn đau, giúp người nhà người bệnh an tâm hơn trong suốt quá trình điều trị.

Ngoài việc theo sát từng diễn biến sức khỏe và tinh thần của người bệnh, điều dưỡng cũng thực hiện y lệnh điều trị, phối hợp với bác sĩ trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

“Để giúp người bệnh vượt qua nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần, từ lúc ngồi trên ghế nhà trường cho tới xuyên suốt quá trình làm việc, người điều dưỡng phải luôn tự trau dồi, cập nhật kiến thức và các quy định để đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Quá trình đào tạo này diễn ra liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trong công việc hàng ngày, người điều dưỡng phải cập nhật kiến thức liên tục để cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn hơn, hiệu quả hơn cho người bệnh”, anh Trường chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu, hiện tại, đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện Hữu Nghị là 418 người. Trong đó, có 1 thạc sĩ điều dưỡng, 7 điều dưỡng chuyên khoa I, 72 cử nhân điều dưỡng, 331 điều dưỡng cao đẳng, 7 điều dưỡng trung học.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến của điều dưỡng, kỹ thuật viên tại bệnh viện cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Năm 2023-2024, đội ngũ điều dưỡng phối hợp thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị.

Trăn trở với nghề “làm dâu trăm họ”

Điều dưỡng cũng là công việc được ví như “làm dâu trăm họ”. Bởi điều dưỡng viên vừa phải giỏi chuyên môn, lại phải khéo léo trong giao tiếp, có thái độ, cử chỉ đúng mực, ân cần với người bệnh và người nhà người bệnh để có thể làm tròn vai trò của mình.

Nhiều năm gắn bó với công việc điều dưỡng, Thạc sĩ Dương Thị Bình Minh - Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị luôn tự ý thức trong việc học hỏi nâng cao trình độ, trau dồi y đức, với vai trò của một người quản lý, hàng năm lập kế hoạch về công tác điều dưỡng và tổ chức cho điều dưỡng toàn bệnh viện thực hiện các hoạt động trong chăm sóc người bệnh.

hn2.gif

Chị Minh chia sẻ thêm: “Hàng năm, Phòng Điều dưỡng phối hợp với các khoa, phòng tổ chức Hội thi điều dưỡng viên giỏi, “Tuần lễ tri ân người bệnh”, “Rung chuông vàng”... vừa tạo sân chơi cho điều dưỡng tỏa sáng vừa giúp thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, góp thêm công sức vào thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, tạo ảnh hưởng tích cực đến nâng cao chất lượng chăm sóc và đảm bảo môi trường chăm sóc y tế an toàn tại Bệnh viện”.

Mặc dù điều dưỡng là nghề vất vả, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những người bệnh, người nhà người bệnh chưa hiểu rõ về công việc của điều dưỡng, từ đó có những hành vi cư xử chưa thực sự đúng đắn. Đối diện với áp lực lớn từ công việc liên quan đến tính mạng con người, có lẽ mong muốn lớn nhất của những người điều dưỡng viên là sự thấu hiểu, cảm thông và hợp tác của người bệnh, người nhà người bệnh trong suốt quá trình chăm sóc và điều trị.

Chị Minh nhắn gửi: “Dù công việc thầm lặng, nhiều áp lực, nhưng sự thấu hiểu và tình yêu thương sẽ luôn là động lực giúp mỗi điều dưỡng nhận thấy được sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những kỳ tích mới sẽ lại xuất hiện, những cống hiến thầm lặng sẽ được ghi nhận bằng sự hồi phục sức khỏe của người bệnh. Và rồi nụ cười sẽ lại rạng rỡ hơn trên gương mặt của những người điều dưỡng tận tâm và không ngừng nỗ lực vì người bệnh của mình”.

Còn điều dưỡng Đặng Xuân Trường hi vọng "người bệnh và người nhà người bệnh có thể hiểu và đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi luôn hết lòng chăm sóc người bệnh như người nhà của mình. Trong mỗi ca trực, điều dưỡng viên đều kiên trì, hướng đến mục tiêu giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự cảm thông và hợp tác để mang lại những điều tốt nhất cho người bệnh".

Điều 4, Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện nêu rõ phân cấp chăm sóc người bệnh như sau:

Chăm sóc cấp I: Người bệnh trong tình trạng nặng, nguy kịch không tự thực hiện các hoạt động cá nhân hằng ngày hoặc do yêu cầu chuyên môn không được vận động phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự theo dõi, chăm sóc toàn diện và liên tục của điều dưỡng.

Chăm sóc cấp II: Người bệnh trong tình trạng nặng, có hạn chế vận động một phần vì tình trạng sức khỏe hoặc do yêu cầu chuyên môn phải hạn chế vận động, phụ thuộc phần nhiều vào sự theo dõi, chăm sóc của điều dưỡng khi thực hiện các hoạt động cá nhân hằng ngày.

Chăm sóc cấp III: Người bệnh có thể vận động, đi lại không hạn chế và tự thực hiện được tất cả hoặc hầu hết các hoạt động cá nhân hằng ngày dưới sự hướng dẫn của điều dưỡng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/thu-truong-bo-y-te-ieu-duong-ong-vai-tro-thiet-yeu-trong-cham-soc-ieu-tri-va-ho-tro-benh-nhan

Linh Thi