Trường đại học dự kiến gửi thạc sĩ trẻ ra nước ngoài học để về dạy vi mạch

28/01/2024 08:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có trường tuyển dụng GV trình độ tiến sĩ về thiết kế vi mạch, bán dẫn; dự kiến gửi thạc sĩ trẻ đi nước ngoài đào tạo chuyên môn (vi mạch, điện tử).

Theo nhiều chuyên gia dự đoán, nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn sẽ nâng tầm và vị thế của Việt Nam với thế giới.

Đứng trước nhu cầu và tiềm năng lớn của ngành công nghiệp chip bán dẫn, dự kiến năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở và đưa vào đào tạo các ngành/chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Tuy nhiên, thách thức trong đào tạo ngành/chuyên ngành này là việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên, yêu cầu về công nghệ cao, chi phí đầu tư cơ sở vật chất tương đối lớn (phòng thí nghiệm, nghiên cứu thử nghiệm,...). Đặc biệt, cần tránh tình trạng mở ngành/chuyên ngành nhưng không thu hút được sinh viên hoặc tuyển sinh ồ ạt dẫn đến khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian vừa qua, Đại học Huế đã xúc tiến điều tra nhu cầu của thị trường lao động, khảo sát thực trạng đào tạo trên toàn quốc, đánh giá khả năng và tính khả thi để triển khai đào tạo ngành học về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Hiện, Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế chủ trì, phối hợp với các trường, khoa xây dựng ngành đào tạo thí điểm về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn trình Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến trong năm 2024, Đại học Huế sẽ tuyển sinh các ngành về vi mạch, bán dẫn (ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Tường Lân – Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, dựa trên cơ sở nền tảng các ngành đào tạo đã có từ khoa học cơ bản đến khoa học kỹ thuật, nguồn giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao và trên cơ sở đặt hàng từ doanh nghiệp, Đại học Huế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để mở và đào tạo các ngành về vi mạch, bán dẫn.

Một số thiết bị trong phòng thực hành của Đại học Huế. (Ảnh: NTCC)

Một số thiết bị trong phòng thực hành của Đại học Huế. (Ảnh: NTCC)

Cụ thể, thứ nhất, Giám đốc Đại học Huế đã ban hành văn bản cho phép các đơn vị chọn một ngành đang đào tạo có liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, xây dựng một chuyên ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn để tuyển sinh từ năm 2024; nghiên cứu mở ngành thí điểm đào tạo về vi mạch, bán dẫn trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định (dự kiến ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch).

Thứ hai, Đại học Huế hiện có gần 50 giảng viên và nghiên cứu viên (trong đó, có hơn 20 giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ) tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy, nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu bán dẫn và thiết kế vi mạch. Ngoài ra, Đại học Huế còn có hơn 100 các giảng viên đang giảng dạy ở các ngành liên quan hiện đang công tác tại các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc Đại học Huế.

Thứ ba, Đại học Huế đã làm việc và ký kết hợp tác với nhiều công ty và doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các phòng thí nghiệm, xây dựng chương trình đào tạo, tạo môi trường thực tập và tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp; cũng như cùng phát triển nghiên cứu các công nghệ phục vụ cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, dự kiến, từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh – đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano cho biết, ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được xây dựng trên cơ sở chương trình của ngành Vật lý Kỹ thuật và điện tử, và bổ sung thêm những học phần về thiết kế, kiểm thử trong quy trình sản xuất vi mạch, bán dẫn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh – đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh – đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

“Trước đó, Khoa đào tạo 2 ngành gần với Công nghệ Vi mạch bán dẫn, gồm: ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano; ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử. Do đó, đây là hai ngành làm cơ sở để đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn.

Việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn được tận dụng từ cơ sở vật chất đào tạo của 2 ngành gần. Đồng thời, Khoa cũng phải bổ sung thêm một số cơ sở vật chất khác để đáp ứng yêu cầu đào tạo vi mạch bán dẫn”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Do đã đào tạo ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano nên gần như Khoa có hệ thống để kiểm tra đánh giá cũng như các phương pháp đánh giá về phần vi mạch. Còn đối với công đoạn chế tạo vi mạch thường yêu cầu khắt khe là có phòng sạch, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có 1 phòng nên Khoa có thể sử dụng để đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn.

Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn, theo thầy Quỳnh, có 3 công đoạn cơ bản để tạo ra một sản phẩm chip bán dẫn, gồm: thiết kế; chế tạo; đo kiểm và đóng gói. Học ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn của Khoa, sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng của từng công đoạn như: thiết kế, lên layout; học quy trình chế tạo mạch cơ bản, làm các loại chip chuyên biệt; học về đóng gói, đo kiểm.

Trong đó, phần kiến thức xuyên suốt nhất cho sinh viên tập trung ở thiết kế và đo kiểm, còn phần chế tạo, ưu điểm của Khoa là đã triển khai nội dung này trong ngành gần nên có thể đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn thuận lợi - "thực tế công đoạn chế tạo vẫn còn hạn chế nhưng việc học nguyên lý và kỹ thuật chế tạo thì Khoa đảm bảo được", thầy Quỳnh chia sẻ.

Để nâng cao hiệu hoạt động thực hành ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn, hiện Khoa đang triển khai việc tìm kiếm các doanh nghiệp đối tác để phối hợp đào tạo.

Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn được Khoa huy động từ các giảng viên cơ hữu dạy ngành Vật lý Kỹ thuật và điện tử. Ngoài ra, Khoa cũng có giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực,…

Thầy Quỳnh nhận định, để tuyển dụng được 1 giảng viên phù hợp với ngành đào tạo cần phải có thời gian. Về lâu dài, Khoa có kế hoạch tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ về thiết kế vi mạch, bán dẫn. Bên cạnh đó, Khoa cùng với nhà trường dự kiến gửi thạc sĩ trẻ đi nước ngoài đào tạo chuyên môn (vi mạch, điện tử), sau đó trở về công tác tại trường.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để chất lượng đào tạo vi mạch, bán dẫn đáp ứng yêu cầu thực tế, cần có sự đầu tư vào các trường đại học trong đào tạo, nghiên cứu.

Ví dụ như: cung cấp các công cụ thiết kế, các dịch vụ chế tạo thử nghiệm (có thể chia sẻ và dùng chung giữa các cơ sở). Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích người học; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác với các trường đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vi mạch, bán dẫn.

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch của Đại học Bách khoa Hà Nội dù mới nhưng các môn học trong chuyên ngành đã từng được trường đưa vào chương trình đào tạo của ngành Điện tử Viễn thông từ năm 2004 đến năm 2009. Ngoài ra, nhà trường liên tục đổi mới và cải tiến nội dung giảng dạy, các bài thí nghiệm thực hành để theo kịp sự phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Đặc biệt, trường kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong các học phần dự án, thực tập và đồ án tốt nghiệp theo phương pháp đào tạo project-based (học theo dự án) để cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng thực tế công nghệ, giúp sinh viên có thể sớm hòa nhập vào môi trường làm việc tại doanh nghiệp ngay khi ra trường.

Có thể thấy, việc cơ sở giáo dục đại học đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tìm kiếm doanh nghiệp để hợp tác trong đào tạo ngành liên quan đến vi mạch, bán dẫn là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Song, trong đào tạo, đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng.

Do vậy, bên cạnh việc hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, theo ý kiến của một số chuyên gia, lực lượng cán bộ, để đảm bảo chất lượng, giảng viên tham gia đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn cần được đào tạo và đào tạo lại theo các chương trình chuyên sâu với sự hỗ trợ của các tập đoàn và đơn vị lớn đến từ Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản (từ 3 – 5 năm).

Ngọc Mai