Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nêu lý do mở ngành Công nghệ thẩm mỹ vào năm 2024

19/02/2024 06:36
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo đề án tuyển sinh 2024, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Công nghệ thẩm mỹ.

Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 7 ngành học mới năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, theo phương án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ.

“Có thể nói 07 ngành mới tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm nay đều là những ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh trong thị trường tương lai, đồng thời là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số như hiện nay.

Theo đó, những nhóm ngành chuyên về kỹ thuật - công nghệ như trên phổ rộng trong mọi khía cạnh của đời sống, mang sứ mệnh phát triển những thành tựu trang thiết bị khoa học công nghệ để thúc đẩy quy trình sản xuất - kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống con người văn minh, hiện đại hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung lý giải về việc mở 7 ngành học mới.

cô Dung.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Năm đầu tuyển sinh ngành Công nghệ thẩm mỹ

Mùa tuyển sinh 2024, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học mở ngành Công nghệ thẩm mỹ.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thẩm mỹ đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù có sự quan tâm đáng kể đến ngành thẩm mỹ nhưng thị trường hiện nay lại thiếu nguồn nhân sự có chuyên môn sâu để cung ứng cho các đơn vị thẩm mỹ, trung tâm nghiên cứu, nhà máy sản xuất, dịch vụ phân phối, quản lý.

Lĩnh vực thẩm mỹ ở Việt Nam thiên về đào tạo tay nghề, chưa chú trọng nhiều kiến thức chuyên sâu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết, ngành công nghệ thẩm mỹ là một lĩnh vực đã được đào tạo chính quy trình độ đại học ở một số đất nước trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Ba Lan,…

Ngành này đã tạo nên tên tuổi những thương hiệu mỹ phẩm hay công nghệ chăm sóc sắc đẹp uy tín, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và mở rộng danh tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, lĩnh vực thẩm mỹ ở Việt Nam chủ yếu được đào tạo ở các trung tâm dạy nghề hay hệ cao đẳng, trung cấp dưới dạng các khóa học với thời gian học ngắn nên thường thiên về đào tạo tay nghề, kỹ năng thực hành mà chưa chú trọng kiến thức nền tảng, chuyên sâu về lĩnh vực thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp cũng như những kiến thức bài bản về việc tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn để phát triển nghề nghiệp sau này.

Đó chính là lý do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đưa ngành Công nghệ thẩm mỹ vào đào tạo chính quy ở trình độ đại học từ năm 2024.

Về chương trình đào tạo của ngành Công nghệ thẩm mỹ, cô Dung cho biết, công nghệ thẩm mỹ là ngành học mới, học đòi hỏi sự nghiên cứu, tìm tòi, và thực hành nhiều kỹ năng và cập nhật các kiến thức về sức khỏe.

Chính vì thế ngành học này sẽ luôn mở ra những cơ hội mới, tạo điều kiện để các bạn trẻ có thể khai phá tiềm năng và năng lực sáng tạo, sự năng động của bản thân tối đa. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sắc đẹp đang sôi động và có xu hướng là ngày càng phát triển thì đây có thể xem là ngành học “vàng” mà sinh viên có thể lựa chọn để làm bệ phóng xây dựng sự nghiệp.

z5167196871023_a3b557cd18ed00a4971f69e7eb03e65b.jpg
Công nghệ thẩm mỹ là ngành học mới, học đòi hỏi sự nghiên cứu, tìm tòi, và thực hành nhiều kỹ năng. Ảnh minh họa: Website nhà trường

Khi học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp bao gồm 4 mảng chính: Làm đẹp bằng nghệ thuật sử dụng mỹ phẩm cho hiệu quả tức thời, làm đẹp cơ thể từ bên trong cho vẻ đẹp bền vững và tươi trẻ theo thời gian nhờ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc, trị liệu, sáng tạo các mỹ phẩm và sản phẩm dinh dưỡng giúp gìn giữ sắc đẹp và cơ thể, vận hành và kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thẩm mỹ (spa chăm sóc và trị liệu, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm, dinh dưỡng chăm sóc sắc đẹp).

Ở năm học cuối, sinh viên có thể chọn nhóm học về Thẩm mỹ công nghệ cao, giải pháp tại spa hoặc chọn làm đồ án tốt nghiệp ngành Công nghệ thẩm mỹ. Các kiến thức đại cương: Tâm lý học ứng dụng; dinh dưỡng, thực phẩm và sức khỏe; tư duy thiết kế dự án;....Kiến thức chuyên ngành: Dược liệu trong sức khỏe và thẩm mỹ; Kỹ thuật chăm sóc da; Mỹ phẩm và công nghệ sản xuất; Setup và vận hành hệ thống spa;...

“Ngành Công nghệ thẩm mỹ tại nhà trường được xây dựng dựa trên chương trình đào tạo trình độ Đại học các ngành chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thẩm mỹ của Hàn Quốc và Thái Lan. Đây là hai quốc gia có thể nói là có uy tín bậc nhất trong lĩnh vực thẩm mỹ, chính vì vậy, đây nguồn tham khảo quan trọng để nhà trường đảm bảo cung cấp chương trình đào tạo hiện đại, chuyên sâu và toàn diện cho người học”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung thông tin thêm.

Đón nhận nhiều cơ hội nghề nghiệp triển vọng

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, hiện nay, bên cạnh chăm sóc sức khỏe thì chăm sóc sắc đẹp ngày càng trở thành ưu tiên thiết yếu của nhiều người, đặc biệt là sự xuất hiện của thế hệ người tiêu dùng mới: những bạn trẻ Gen Z quan tâm đến “khỏe trong đẹp ngoài” một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm, sử dụng các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay phương pháp thẩm mỹ chất lượng tăng nhanh. Thị trường của ngành Công nghệ thẩm mỹ theo đó ngày càng sôi động, phát triển mạnh mẽ.

Điều này mở ra rất nhiều triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn cho các cử nhân ngành Công nghệ thẩm mỹ không chỉ trong nước mà còn ở một số quốc gia nổi bật như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thẩm mỹ có thể đảm nhiệm tốt công việc ở các vị trí như: Chuyên viên chăm sóc sắc đẹp, trang điểm, thẩm mỹ, đại diện thương hiệu mỹ phẩm, chuyên gia tư vấn giải pháp dinh dưỡng trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu các quy trình sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng cải thiện sức khỏe và sắc đẹp, quản lý và vận hành các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp và trị liệu.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể giảng dạy tại các trường, trung tâm đào tạo chăm sóc sắc đẹp; chuyên viên trong các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ.

Bàn về nhu cầu nhân lực hiện nay của ngành thẩm mỹ, cô Dung cho biết, xã hội càng phát triển thì việc chăm sóc sắc đẹp càng trở thành ưu tiên thiết yếu của người tiêu dùng, kéo theo nhu cầu tìm kiếm, sử dụng các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay phương pháp thẩm mỹ chất lượng tăng nhanh. Sinh viên sau khi trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề vững vàng hoàn toàn có thể đón nhận những cơ hội nghề nghiệp triển vọng cùng mức lương tốt.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo khoá đầu tiên ngành Công nghệ thẩm mỹ, chia sẻ về những kế hoạch để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên của ngành học mới trong tương lai, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ, nhà trường cũng đã có các ngành học liên quan đến một số nội dung đào tạo về Công nghệ thẩm mỹ từ nhiều năm nay như Công nghệ sinh học mỹ phẩm, Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Quản trị kinh doanh,... Đây sẽ là nguồn cung cấp giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng sư phạm tốt.

Ngoài ra, trường có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia uy tín của Việt Nam trong mảng chăm sóc sắc đẹp và nghệ thuật làm đẹp.

Bên cạnh đó, trường là một trong những đơn vị tiên phong với mô hình Đại học - Doanh nghiệp với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, qua đó tạo điều kiện để sinh viên tham gia Học kỳ doanh nghiệp cùng các hoạt động tham quan thực tế, kiến tập, thực tập nhằm ứng dụng, củng cố kiến và bước đầu hình thành tác phong chuyên nghiệp mà các doanh nghiệp yêu cầu.

Ngày hội tuyển dụng thường niên trên nhiều lĩnh vực cũng là dịp để sinh viên nắm bắt cơ hội việc làm, đồng thời góp phần giải quyết “bài toán” nhân lực cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực thẩm mỹ để thúc đẩy và mở rộng mạnh mẽ hơn nữa cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Thu Trang