Ngành Kỹ thuật Trắc địa-Bản đồ khó thu hút vì thí sinh sợ học xong đi làm vất vả

03/02/2024 06:22
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ.

Ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ đóng vai trò “dữ liệu đầu vào" rất quan trọng trong quy hoạch, xây dựng quản lý đất đai và không gian của đất nước.

Theo chia sẻ từ các cơ sở giáo dục đại học, trong bối cảnh chuyển đổi số, Việt Nam đang chú trọng xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.

Do đó cần đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương. Chính điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên Ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ.

Khó thu hút thí sinh vì định kiến học ngành kỹ thuật vất vả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, hiện nay, việc đào tạo ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ tại trường theo định hướng của Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng khu vực và điều kiện từng trường mà có những chương trình, kế hoạch đào tạo khác nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường

Trước đây, nhà trường thiết kế chương trình đào tạo với 2 năm đầu đào tạo chung và 3 năm sau đào tạo các chuyên ngành.

Hiện nay, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với nhu cầu xã hội của ngành này rất lớn nên nhà trường thiết kế khung chương trình đào tạo mang tính đa hệ, kết hợp cả truyền thống và hiện đại để tập trung đào tạo sâu hơn chuyên ngành trắc địa công trình, trắc địa mỏ, quy hoạch cơ sở hạ tầng đô thị, khu công nghiệp… nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ cho khu vực miền Trung đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu đào tạo: các phòng máy tính, các phần mềm biên vẽ bản đồ, máy móc đo đạc trắc địa, định vị vệ tinh, flycam…

Trong những năm vừa qua, trường rất chú trọng đến đào tạo theo nhu cầu của xã hội, chính vì thế, nhà trường luôn kết nối với các đơn vị/doanh nghiệp để gia tăng cơ hội thực tập và cơ hội việc làm sau khi ra trường của người học.

Hàng năm, các đơn vị/doanh nghiệp đều có những hoạt động như trao học bổng cho các em trúng tuyển vào ngành. Nhà trường cũng trao học bổng cho các em sinh viên có kết quả học tập tốt, các em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập và nhiều học bổng khác từ các doanh nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, vì là một ngành học thuộc nhóm ngành khoa học trái đất nên cũng gặp phải một số thách thức, theo thầy Tùng, hiện nay, thông tin về ngành học chưa được nhiều học sinh và phụ huynh biết đến, sự am hiểu của các em về ngành này còn khá hạn chế.

Học sinh có xu hướng chọn các ngành kinh tế, công nghệ,... còn ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ không phải là ngành “hot”.

Hơn nữa, theo suy nghĩ của học sinh - phụ huynh thì ngành này “khá vất vả”, làm việc chủ yếu ngoài công trường và những khu vực địa hình khó khăn… nên không thu hút học sinh đăng ký xét tuyển, nhất là thí sinh nữ.

“Ở khu vực miền Trung, số lượng các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực này khá nhiều nhưng rất hiếm có các tập đoàn, công ty quy mô lớn, vì vậy nhu cầu tuyển dụng cán bộ hàng năm rất cần thiết nhưng số lượng tuyển dụng mỗi đợt không quá nhiều.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid -19 và khó khăn chung của nền kinh tế nên các công trình, dự án về trắc địa - bản đồ cũng giảm so với trước”, thầy Tùng thông tin thêm.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, đây là ngành học đào tạo kỹ sư Trắc địa – Bản đồ chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn vững chắc, kỹ năng nghề nghiệp thành thạo để đảm nhận những vị trí nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực Đo đạc bản đồ, viễn thám và thông tin địa lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC

Hàng năm, trường có quy mô khoảng 100 đến 150 sinh viên ngành này. Đặc biệt, chương trình đào tạo của nhà trường luôn bám sát mô hình chuyển đổi số hiện nay như trí tuệ nhân tạo, thực hành vệ tinh để sinh viên luôn được tiếp xúc với các trang thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, sinh viên được học các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu trong lĩnh vực Đo đạc – Bản đồ, viễn thám và hệ thông tin địa lý như: Các công nghệ thu nhận và xử lý dữ liệu không gian (Công nghệ định vị vệ tinh – GNSS; Công nghệ toàn đạc điện tử; Công nghệ Viễn thám; Công nghệ GIS,...); các hệ thống phân tích không gian; công nghệ xây dựng bản đồ 3D thành phố.

Thầy Khoát thông tin thêm, Trắc địa Bản đồ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: đo đạc thành lập bản đồ, đo đạc quy hoạch và thiết kế công trình, quản lý tài nguyên thiên nhiên…

Do vậy, nhà trường luôn tạo mối liên kết với nhiều đơn vị bên ngoài trường giúp sinh viên có cơ hội nhận được học bổng của nhà trường, học bổng của khoa và của các cơ quan, doanh nghiệp.

“Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ là ngành khoa học sử dụng hàm lượng trí tuệ ứng dụng nghệ thông tin với các thiết bị khoa học hiện đại rất cao. Chính vì thế, sinh viên đang theo học luôn được thực hành trên hệ thống các thiết bị từ cơ bản đến chuyên sâu, hiện đại để có thể nắm bắt được công nghệ kỹ thuật và đáp ứng được các công việc ngay sau khi ra trường”. Thầy Khoát thông tin thêm .

Chia sẻ về công tác tuyển sinh những năm gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng cho biết, ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ của trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2013, đào tạo hệ chính quy trong trường và hệ vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng 2 ở trong và ngoài trường.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, do nhu cầu xã hội tương đối cao và là ngành mới, mỗi năm trường tuyển sinh được khoảng 30 sinh viên hệ chính quy và 25 sinh viên hệ vừa làm vừa học.

Giai đoạn 2017 – 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với khó khăn chung trong công tác tuyển sinh các ngành tự nhiên – kỹ thuật trên cả nước, nhà trường không tuyển sinh được đối với ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ.

Còn với giai đoạn 2022 đến nay, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 10 sinh viên hệ chính quy và 20 - 25 sinh viên hệ vừa làm vừa học, liên thông và văn bằng 2.

Hiện nay, nhà trường vẫn tiếp tục các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh cho các hệ đào tạo tại trường để thu hút số lượng đầu vào, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát cho biết, tỷ lệ sinh viên nhập học ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ dần ổn định trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, nhà trường luôn rà soát các chương trình đào tạo 2 năm 1 lần để cập nhật kiến thức mới và cập nhật tính ứng dụng của từng ngành.

Cơ hội việc làm rộng mở trong bối cảnh công nghệ 4.0

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khoát, nhiều người khi nghe tên ngành thường nghĩ rằng ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ sẽ khó học và khó tìm việc. Bởi đặc thù của ngành này là phải đi ra ngoài để đi quan sát, đo đạc, tính toán thực tế cho các công trình nên rất vất vả.

Tuy nhiên, với nhu cầu nguồn nhân lực của ngành khoa học ngày càng lớn, cơ hội nghề nghiệp của ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ rất rộng mở.

Cử nhân ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm Chuyên viên trắc địa, quản lý đất đai trong các cơ quan nhà nước; cán bộ nghiên cứu công tác tại các Viện nghiên cứu liên quan đến trắc địa bản đồ thuộc các Bộ ngành và các trường đại học hay các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động trong lĩnh vực Trắc địa – Bản đồ, viễn thám và hệ thống tin địa lý.

Ngoài ra, sinh viên ra trường còn có cơ hội làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và khoáng sản, khu công nghiệp, ban quản lý các dự về môi trường đô thị, công nghiệp, nông thôn, biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên…

Sinh viên ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang thực hành tại trường. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang thực hành tại trường. Ảnh: Website nhà trường

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng cho biết, nhiều năm trở lại đây, học sinh và phụ huynh có xu hướng lựa chọn các ngành nghề “hot” như công nghệ thông tin, kinh tế…, số thí sinh chọn ngành nghề kỹ thuật giảm đáng kể, dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực, trong đó, ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo thống kê của Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới, trắc địa - bản đồ là một trong những ngành công nghệ - kỹ thuật tăng trưởng nhanh và mạnh, phục vụ đắc lực trong phát triển hạ tầng và dữ liệu không gian, xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường…

Do đó, hiện tại và trong những năm tiếp theo, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ tiếp tục tăng mạnh, bao gồm lực lượng kỹ sư trắc địa - bản đồ có trình độ để phục vụ cho các công trình, dự án liên doanh, liên kết trong và ngoài nước.

Cũng theo thầy Tùng, cơ hội việc làm của ngành này hiện nay rất đa dạng như: Phân tích, đánh giá, tổng kết, dữ liệu và dự báo, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, xây dựng chương trình, dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các tổ chức quốc tế, các công ty, tập đoàn liên doanh nước ngoài chuyên ngành trắc địa bản đồ, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS); Giảng dạy và nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về trắc địa bản đồ.

Tuy số lượng sinh viên theo học ngành không nhiều, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị/doanh nghiệp rất lớn. Chính vì vậy sau khi ra trường các em làm việc trong lĩnh vực trắc địa – bản đồ có mức lương tối thiểu từ 8-10 triệu đồng và cao hơn tùy thuộc vào từng đơn vị tuyển dụng.

So với mặt bằng chung về các ngành, nghề khác thì mức lương này là khá cao, đảm bảo được cuộc sống cho một sinh viên vừa ra trường.

Nguyễn Văn Thắng, sinh viên ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ hệ vừa học vừa làm tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho hay, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội việc làm ngành Trắc địa với trình độ đại học tại miền Trung và Tây Nguyên đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo Thắng, khi đã xác định theo ngành này các bạn sinh viên cần phải có đam mê, sự tìm tòi học hỏi với nghề, không sợ khó, không sợ khổ.

Với những bạn ra trường 3-5 năm khi đã cứng tay nghề thì thu nhập tại các doanh nghiệp từ 15-20 triệu/tháng, Bên cạnh đó, khi lên cấp bậc cao hơn hay làm cho các tập đoàn nước ngoài thì thu nhập cũng tăng lên tương ứng.

Tuy nhiên, Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ là một ngành thuộc nhóm ngành Khoa học Trái đất, chính vì vậy, trong giai đoạn công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại như máy toàn đạc điện tử, hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh toàn cầu… sinh viên ngành Trắc địa - Bản đồ phải nghiên cứu tìm tòi, nắm bắt công nghệ, bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ để có thể bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ về những đề xuất để thu hút tuyển sinh cho ngành Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ, Phó Giáo sư Võ Thanh Tùng cho rằng, khi khoa học công nghệ phát triển thì cần kết nối đào tạo chuyên ngành kết hợp với các thiết bị chuyên dụng mới, hiện đại để người học có cơ hội tiếp cận và làm quen với các trang thiết bị này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh về ngành, nghề đào tạo trên các phương tiện truyền thông.

Đồng thời, cần tăng cường tham gia, kết nối các diễn đàn liên quan đến lĩnh vực trắc địa – bản đồ, các hội nghị, hội thảo cũng như các tổ chức ngành nghề để tiếp cận những đổi mới về công nghệ hiện đại, nắm vững các nhu cầu thực tiễn công việc, cũng như tiếp cận được những xu hướng phát triển tương lai của ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ.

Thu Trang