Học xong ngành Ẩm thực, làm việc ở vị trí nào để có lương trên 25 triệu/tháng?

16/02/2024 08:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- "Khi đạt đến vị trí, trình độ bếp trưởng, mức lương của họ sẽ nhận được từ 25-30 triệu đồng/tháng...".

Nghề đầu bếp là công việc được nhiều bạn trẻ yêu thích do có sự sáng tạo, được chế biến ra những món ăn ngon. Bên cạnh đó, mức thu nhập của nghề này khi ở vị trí bếp phó, bếp trưởng với mức 25-30 triệu đồng/tháng, cũng là mơ ước của nhiều người.

Vậy để trở thành một bếp phó, bếp trưởng, cần phải có những yếu tố nào?

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với anh Nguyễn Chí Trung (sinh năm 1975, trú tại Hà Nội) và anh Đỗ Văn Tuấn (sinh năm 1988, trú tại Hà Nội), là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đầu bếp và từng giữ vai trò bếp trưởng tại nhiều nhà hàng, khách sạn lớn.

Làm nghề bếp phải có đam mê, sự tỉ mỉ

Đến nay, anh Nguyễn Chí Trung đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề đầu bếp. Anh từng làm việc tại nhiều nhà hàng, khách sạn lớn ở trong và ngoài nước (Trung Quốc; Đức). Hiện tại, anh đang giữ vị trí bếp trưởng phụ trách quản lý bộ phận bếp nấu món Trung cho khách sạn 5 sao Marriot (Hà Nội), với mức lương 25 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về nghề, anh Trung cho hay, từ lúc hơn 10 tuổi, anh đã có đam mê với nấu ăn và sau này anh chọn học ngành Ẩm thực tại một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Trong quá trình học tập, anh Trung không vội vàng đi làm thêm tại các nhà hàng, khách sạn để lấy kinh nghiệm, mà tập trung vào kiến thức đào tạo ở trường. Anh cho rằng, muốn giỏi ở bất cứ nghề nào cũng không được đốt cháy giai đoạn.

Bếp trưởng Nguyễn Chí Trung (bên trái ảnh). Ảnh: NVCC)

Bếp trưởng Nguyễn Chí Trung (bên trái ảnh). Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp ra trường, anh Trung làm công việc chế biến bánh ngọt của một khách sạn. Thời điểm đó, nhân viên bếp rất vất vả do chưa có máy móc để sơ chế rau củ, và cũng chưa có khí gas nên nguồn nguyên liệu chủ yếu là than đá.

Trước quan điểm của nhiều người cho rằng, làm "bếp lạnh" (chế biến bánh ngọt) sẽ nhàn hơn bếp "nóng" (xào, nấu), anh Trung bác bỏ quan điểm này, vì dù làm ở bộ phận nào cũng có sự vất vả khác nhau.

Đánh giá điểm yếu của các bạn sinh viên mới ra trường, anh Trung nhận định, đó là họ thiếu sự quan sát, chỉn chu trong công việc.

Cụ thể, về kỹ năng quan sát, đòi hỏi đầu bếp phải nắm rõ vị trí làm việc của bản thân, những đồ dùng dụng cụ sẽ được sử dụng. Đồng thời phải ngăn nắp trong việc để đồ dùng, tránh dẫn tới tai nạn lao động.

"Khi đầu bếp sử dụng dao xong, mũi dao phải được để gọn gàng, tránh va chạm dẫn đến tai nạn, hay như quy định đi giày trong bếp, nếu không sẽ dễ bị trơn trượt ngã.

Các bạn mới vào nghề phải học từ những thứ nhỏ nhất và phải tập trung vào công việc. Thực tế, nhiều bạn khi đi làm hay dùng điện thoại, điều này ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công việc.

Nhiều sinh viên mới vào nghề là nghĩ tới hình ảnh họ được vào bếp điệu nghệ dùng chảo, xào nấu, tuy nhiên điều các bạn cần rèn luyện đầu tiên là từ những việc nhỏ nhặt nhất", anh Trung chia sẻ.

Món ăn được anh Trung chế biến, trang trí đẹp mắt (Ảnh: NVCC)

Món ăn được anh Trung chế biến, trang trí đẹp mắt (Ảnh: NVCC)

Vị bếp trưởng chia sẻ thêm, đối với người mới vào nghề, họ còn cần nắm vững tên của các loại rau củ quả, bởi mỗi vùng miền có tên gọi các loại rau củ quả khác nhau. Đồng thời, trong khâu tiếp nhận thực phẩm cho bếp, họ phải biết đánh giá thực phẩm đảm bảo chất lượng, giúp tiết kiệm chi phí cho nhà hàng, khách sạn. Công đoạn này chiếm 25% khối lượng công việc và 75% còn lại là khâu sơ chế, chế biến đồ ăn.

Với những người đang có ý định theo đuổi nghề đầu bếp, ngoài sự đam mê, còn phải rèn luyện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Đồng thời để nâng cao kỹ năng chuyên môn, họ cần học giỏi tiếng Anh để tìm hiểu tài liệu về nấu ăn của các quốc gia. Khi có kinh nghiệm, hiểu biết, họ có thể ra nước ngoài làm việc và có mức thu nhập "khủng".

Anh Đỗ Văn Tuấn từng giữ vai trò trưởng ca (tương đương bếp phó, bếp trưởng) phụ trách quản lí 500 nhân viên bộ phận bếp phục vụ bữa ăn cho hơn 30.000 công nhân của một công ty ở Thái Nguyên và vị trí bếp trưởng tại một số nhà hàng khách sạn. Theo anh Tuấn, đến nay xu thế của xã hội vẫn có quan điểm "nhất ăn, nhì mặc" nên mức thu nhập của nghề nấu ăn vẫn là ở mức tương đối, có cơ hội phát triển tùy theo năng lực.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh đánh giá, thực tế, có những người không học qua trường lớp đào tạo chế biến món ăn nhưng họ vẫn thành công trong nghề đầu bếp, bằng sự đam mê, nỗ lực.

Còn những bạn sinh viên được đào tạo qua trường, lớp, họ sẽ hiểu sâu hơn về chuyên môn và có bằng cấp.

"Những sinh viên mới ra trường đến xin việc, tôi sẽ hỏi các bạn vấn đề liên quan đến thế mạnh của các bạn như làm chuyên về hải sản, đồ Á hay Âu...", anh Tuấn cho hay.

Để lên vị trí bếp trưởng có mức lương 25-30 triệu đồng/tháng cần những yếu tố gì?

Anh Đỗ Văn Tuấn cho hay, sau hơn 1 năm vào làm đầu bếp tại công ty ở Thái Nguyên, anh được đề bạt giữ chức vụ trưởng ca, quản lí khoảng 500 nhân viên phục vụ bếp ăn. Mức lương anh được nhận khi đó khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Với vị trí công việc này, anh phải làm công tác quản lí, tính toán thực đơn cho công nhân của công ty.

Sau nhiều năm kinh qua với nghề bếp, vừa qua, anh Tuấn đã nghỉ công việc bếp núc để về quê kinh doanh nhà hàng. Anh Đỗ Văn Tuấn (đứng ở vị trí thứ 5, từ bên trái sang) chụp ảnh cùng các đầu bếp của nhà hàng. (Ảnh: NVCC)

Sau nhiều năm kinh qua với nghề bếp, vừa qua, anh Tuấn đã nghỉ công việc bếp núc để về quê kinh doanh nhà hàng. Anh Đỗ Văn Tuấn (đứng ở vị trí thứ 5, từ bên trái sang) chụp ảnh cùng các đầu bếp của nhà hàng. (Ảnh: NVCC)

Sau khi nghỉ việc tại công ty, anh Tuấn ứng tuyển vào vị trí bếp trưởng tại một nhà hàng. Thời gian thử việc của anh trong khoảng 1 tuần và anh đã thành thục khối lượng công việc ở vị trí mới.

"Tôi không đòi hỏi mức lương khi phỏng vấn, mà họ đánh giá tay nghề của tôi để trả lương", anh Tuấn chia sẻ và cho biết mức lương bếp trưởng của anh được trả khi đó là 25 triệu đồng/tháng.

Đối với những bạn sinh viên mới ra trường, anh Tuấn đánh giá, họ còn ít kinh nghiệm về thực tế, dù được đào tạo qua sách vở bài bản. Ví dụ như qua sách vở, sinh viên được học về định lượng gia vị - thực phẩm nhưng khi làm thực tế, nó lại khác hoàn toàn, bởi vị của món ăn phải do người bếp trưởng điều chỉnh.

Để lên được vị trí bếp trưởng, nhân viên bếp phải có sự cầu tiến, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.

"Theo tôi, để có nhiều kinh nghiệm trong nghề, các bạn cần phải vào những nhà hàng có quy mô nhỏ, trung bình để được làm nhiều món ăn", anh Tuấn cho hay.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, bếp trưởng Đỗ Chí Trung cho hay, bếp trưởng sẽ là người đề xuất với chủ nhà hàng, khách sạn sẽ để trả lương cho nhân viên đầu bếp, dựa trên năng lực.

Đối với khách sạn 5 sao của anh Trung hiện tại, mức lương của nhân viên phụ bếp (làm công việc đơn giản) khoảng 4 triệu đồng/8 tiếng đồng hồ, đã bao gồm chế độ phúc lợi xã hội.

"Để lên được vị trí bếp trưởng phải tùy thuộc vào tay nghề của người đầu bếp, có người chỉ mất hơn 1 năm, có người hơn chục năm cũng không được. Và khi đạt đến trình độ bếp trưởng, mức lương của họ sẽ nhận được từ 25-30 triệu đồng/tháng", anh Trung chia sẻ.

Mạnh Đoàn