Sau hơn 1 năm khởi công, hình hài đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô dần lộ diện

15/09/2024 07:50
Bài, ảnh: Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án mang niềm vui rất lớn cho người dân trong khu vực được thụ hưởng lợi ích của dự án và đông đảo các tài xế có lộ trình thường xuyên đi qua các khu vực này.

Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công, động thổ dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô.

Dự án gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027.

Được biết, dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km.

Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

GDVN_8.JPG
Hình hài dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn đi qua xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đoạn dự án đi qua địa bàn thành phố Hà Nội qua 7 quận huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Để triển khai thực hiện dự án, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo triển khai dự án đầu tư.

Được biết, đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Đồng thời, đây cũng là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ghi nhận của phóng viên tại dự án đường Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội) cho thấy, các công nhân cũng đang tích cực thi công để đưa dự án về đích đúng tiến độ. Máy móc được huy động và khẩn trương hoàn thành các hạng mục sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của mưa bão.

Qua đó, tại các huyện Hoài Đức và Đan Phượng, hình hài dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô đã dần lộ diện hình hài. Điều này mang lại niềm tin và niềm vui rất lớn cho người dân trong khu vực được thụ hưởng lợi ích của dự án và đông đảo các tài xế có lộ trình thường xuyên đi qua các khu vực này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Ngọc Ánh, (trú tại xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, dù dự án chưa hoàn thành nhưng nhìn tiến độ thi công của các đơn vị, bà tràn đầy niềm tin dự án sẽ về đích đúng hạn.

"Xã Hạ Mỗ vốn thuộc ngoại thành Hà Nội, lại cách xa trung tâm thị trấn Phùng nên các điều kiện để phát triển kinh tế cũng không nhiều. Vì thế, dự án đường Vành đai 4 đi qua mang đến nhiều phấn khởi cho bà con trong vùng. Hiện tại khi ngắm nhìn hình hài dự án đang hình thành mỗi ngày, thấy quy mô lớn rộng lớn của nó chúng tôi không giấu nổi vui mừng.

Hy vọng sau khi dự án hoàn thành nó sẽ kéo sự phát triển của các địa phương thuộc huyện ngoại thành Hà Nội, góp phần vào sự phát triển chung của toàn thành phố", bà Ánh bày tỏ.

Còn anh Lê Minh Tâm (trú tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một tài xế xe tải chuyên chở hàng từ cụm công nghiệp Dương Liễu đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cho rằng, nếu dự án được hoàn thành và đi vào sử dụng thì cánh tài xế vận tải có lộ trình như anh sẽ hưởng lợi rất nhiều.

GDVN_1.JPG
Đoạn dự án đi qua xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội

Anh Tâm hồ hởi: "Như lộ trình hiện nay tôi di chuyển, nếu muốn đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc hay Thái Nguyên thì vẫn buộc phải đi qua một đoạn thuộc nội thành. Trong đó, khi đi qua các khu vực thuộc quận Bắc Từ Liêm để lên đường Vành đai 3 trên cao và Cầu Thăng Long thì không thể tránh khỏi việc ùn tắc, việc này khiến kế hoạch chuyển hàng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ngoài ra, các xe tải thường sẽ bị hạn chế khung giờ lưu thông qua các khu vực nói trên vào một số khung giờ khiến việc di chuyển của chúng tôi cũng bị động theo. Hiện tại, một chuyến hàng của chúng tôi nếu đi vào giờ thấp điểm với lộ trình từ Cụm công nghiệp Dương Liễu lên đến trung tâm thành phố Vĩnh Phúc dao động từ 4 đến 5 tiếng.

Vì vậy, nếu dự án đường vành đai 4 hoàn thành, việc chúng tôi vận chuyển hàng hoá lên các tỉnh này sẽ không phải theo lộ trình đi qua các khu vực đông đúc như trước. Ngoài việc đường đi được rút ngắn thì khi có một dự án giao thông trọng điểm đi qua các địa phương thuộc ngoại thành Hà Nội còn góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy giao thương và kinh tế của các địa phương đó.

Chính vì vậy, chúng tôi là những đối tượng hơn ai hết háo hức chờ đợi dự án đường vành đai 4 đi vào hoạt động".

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận thêm của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 14/9:

GDVN_2.JPG
Đoạn dự án đường Vành đai 4 tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Sắp tới tại khu vực này sẽ xây dựng cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng nối với xã Văn Khê, huyện Mê Linh bên kia sông Hồng
GDVN_3.JPG
Đường Vành đai 4 được thiết kế với 6 làn xe cao tốc cùng đường gom 2 làn xe, chạy song song với trục chính.
GDVN_4.JPG
Nhiều đoạn dự án chạy qua khu vực canh tác nông nghiệp nên đẩy nhanh được công tác giải phóng mặt bằng.
GDVN_5.JPG
Một số đoạn dự án đi qua khu dân cư cũng đang được khẩn trương giải phóng mặt bằng
GDVN_9.JPG
Song song với việc dùng máy móc thi công, vật liệu và các cấu kiện lắp ghép cũng được đúc sẵn, tập kết.
GDVN_13.jpg
Vật liệu tập kết trên dự án nằm ở xã Hạ Mỗ, Đan Phượng
GDVN_10.jpg
Máy móc thi công trong dự án.
GDVN_12.jpg
Một đoạn đường được gia cố.
GDVN_11.jpg
Biển cảnh báo công trình được cắm.
GDVN_15.jpg
Máy móc thi công đoạn dự án chạy qua kênh.
GDVN_7.JPG
Các đơn vị thi công tăng tốc làm việc sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của mưa bão.
Bài, ảnh: Phúc Khang