Từ bỏ “áo Blouse” để tìm lại ước mơ, nam sinh trở thành thủ khoa trường sư phạm

21/07/2023 06:43
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận ra ước mơ của mình là được đứng trên bục giảng, Nguyễn Hoàng Gia Khánh đã từ bỏ 3 năm học bác sĩ đa khoa để thi lại vào trường sư phạm.

Hành trình tìm lại ước mơ, khẳng định chính mình

Tốt nghiệp ngành sư phạm hóa học với số điểm 3,94/4.0, Nguyễn Hoàng Gia Khánh (sinh năm 1997) đã trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Năm 2019, Khánh cũng chính là thủ khoa đầu vào của trường với 28,05 điểm. Điều đặc biệt là dù đã trải qua 3 năm học tại trường đại học y dược, nam sinh vẫn dũng cảm chọn lại đam mê, tìm về ước mơ nghề giáo.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh là thủ khoa kép của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hoàng Gia Khánh là thủ khoa kép của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Năm 2015, Gia Khánh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức lần đầu tiên và là thí sinh có tổng điểm 6 môn thi cao nhất cả nước với 53,75 điểm. Khánh đã trúng tuyển vào 2 trường đại học là: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tổ hợp khối A với 27,5 điểm và Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh ngành bác sĩ đa khoa tổ hợp khối B với 28,5 điểm. Sau đó, chàng trai này đã chọn theo học ngành y.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự thay đổi trong chọn nghề, Gia Khánh cho biết, bản thân em thích học và tìm hiểu nhiều thứ, đặc biệt là với các môn tự nhiên, nên cũng hứng thú với việc tìm hiểu về cơ thể người và các bệnh lý.

Tuy nhiên, bước sang năm thứ 3, khi bắt đầu thực tập ở bệnh viện, em nhận ra đây không phải cuộc sống mà mình mong muốn, Khánh nhớ lại ước mơ khi còn nhỏ, đã luôn tưởng tượng mình đứng trên bục giảng dạy học như thế nào.

“Việc chọn ngành y ban đầu cũng vì em tìm hiểu chưa kĩ, chỉ hứng thú kiến thức y khoa chứ không thực sự hiểu rõ ngành nghề. Những ngày tháng thực tập tại bệnh viện, em mới thực sự thấu hiểu bản thân, khát khao, ước mơ nghề giáo như trỗi dậy một cách cháy bỏng, em đã quyết định chọn lại.

Dẫu hôm nay đạt được thành tích, nhưng em không tự hào hay cổ suý việc học đại rồi chọn lại, chỉ là em thấy quyết định đó vẫn đúng với bản thân đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, khi dạy học, em vẫn luôn nói với học sinh rằng phải tìm hiểu thật kỹ ngành nghề, từ câu chuyện của mình, em càng quan tâm sâu sắc đến vấn đề hướng nghiệp cho học sinh”, Gia Khánh tâm sự.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh vẫn luôn tâm niệm thành tích hôm nay mình đạt được do phần nhiều may mắn, và nhờ quá trình học tập thuận lợi, bởi trở thành thủ khoa đầu ra không phải mục tiêu của chàng trai này.

Chàng thủ khoa không tiếc nuối và vẫn luôn trân trọng những năm tháng học tập ở Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Chàng thủ khoa không tiếc nuối và vẫn luôn trân trọng những năm tháng học tập ở Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhớ lại quãng thời gian đi tìm lại ước mơ, Gia Khánh chia sẻ: “Thời điểm đó, em đã rất căng thẳng, áp lực vì không biết bản thân có muốn trở thành bác sĩ hay không, cảm giác hoang mang và vô định, vô cùng lạc lõng khi không biết mình muốn gì và cần làm gì.

Sau năm 3 học ở trường y, em bảo lưu kết quả, em có xét học bạ vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thiếu 0,05 điểm (điểm chuẩn 29,45), vậy là em có cơ hội ôn lại kiến thức phổ thông suốt 1 năm, đây cũng là khoảng thời gian em làm và học được rất nhiều điều từ các thầy cô cấp 3, trong đó có rèn luyện tiếng Anh, và may mắn trở thành thủ khoa đầu vào năm 2019.

Em chưa bao giờ thấy tiếc nuối vì đã chuyển ngành, đó là bước ngoặt giúp em được làm công việc mình thích, và em cũng chưa từng tiếc nuối 3 năm học ở trường y, vì em đã trưởng thành, học hỏi được nhiều điều trong những năm tháng là sinh viên y khoa.

Các kiến thức y khoa vẫn giúp em xây dựng bài dạy môn hoá của mình để kết nối thực tiễn, giúp học sinh hiểu sâu hơn và cảm nhận được ý nghĩa của môn học.

Thầy cô ở trường sư phạm đã giúp em có cái nhìn rộng hơn và thoáng hơn, em được tìm hiểu sâu hơn về các lí thuyết giáo dục hướng nghiệp. Và bây giờ em hiểu rằng, xã hội thay đổi thì việc con người cũng thay đổi để thích nghi là một kĩ năng cần có, đó không phải là một điều gì quá kinh khủng, nhưng trước khi lựa chọn thì cần tìm hiểu thật rõ, hiểu bản thân thật rõ để không chọn theo cảm tính nữa”.

Sáng tạo trong xây dựng bài giảng, đưa học sinh đến kiến thức thực tế

Dù hành trình học đại học gấp đôi so với bạn bè nhưng Nguyễn Hoàng Gia Khánh cho biết bản thân mình không thấy mất thời gian hay tiếc nuối điều gì. Ba năm ở trường y giúp em có thêm nhiều kiến thức, nhiều người bạn là bác sĩ giỏi, đã hỗ trợ em trong việc xây dựng bài dạy khi làm giáo viên.

“Ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, em được học với thầy cô giỏi, chuyên môn vững và cực kì tâm huyết.

Có những khi em hỏi bài thầy cô, thầy cô trả lời rất nhiệt tình, soạn tin nhắn rất dài để phân tích cho em hiểu, có những môn học, thầy cô còn phản hồi cho từng bạn trong lớp những điểm mạnh và điểm cần cải thiện.

Cô giáo em từng bảo rằng, nghề giáo là nghề “gieo hạt”, cô “gieo hạt” để em trưởng thành, để em tiếp tục “gieo hạt” cho sự trưởng thành của học sinh. Việc trở thành thủ khoa cũng khiến em có phần áp lực, vì em nhận thấy bản thân chưa đủ giỏi như các thầy cô, mình vẫn cần cố gắng nhiều lắm”, Gia Khánh chia sẻ.

Nói về bí quyết học tập, Gia Khánh cho biết, điều giúp em giữ được động lực là mình hiểu rõ ý nghĩa của từng môn học. Thầy cô luôn kết nối môn học với thực tiễn dạy học, kết nối với kiến thức phổ thông, do đó, em hiểu được vì sao mình cần học môn học này, và môn học này giúp mình phát triển kĩ năng nghề ra sao.

Khánh hiểu rằng đó là động lực học tập nội tại, đó là dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Học hỏi được điều đó, Khánh cũng luôn cố gắng giúp học sinh mình thấy được cái hay của môn học và vì sao cần phải học môn Hoá.

Nguyễn Hoàng Gia Khánh chia sẻ tại buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hoàng Gia Khánh chia sẻ tại buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về kỷ niệm đẹp trong thời gian học tập tại trường, Khánh kể về chuyến đi Nhật Bản, trong chương trình trao đổi sinh viên của trường với Đại học Mie, tỉnh Mie.

Khi được trải nghiệm cuộc sống và phong cách làm việc của người Nhật, tham gia các lớp học ở Đại học Mie, dự giờ các tiết học ở trường tiểu học và trung học phổ thông, tham quan các hoạt động câu lạc bộ, bảo tàng... của Nhật, chàng sinh viên sư phạm đã được mở rộng tầm nhìn về giáo dục của thế giới, từ đó học hỏi và áp dụng cho công việc sau này.

“Em ấn tượng cách mà họ đưa giáo dục khoa học tiếp cận đến học sinh một cách rất tự nhiên, người Nhật hay đưa con em mình đến bảo tàng, họ có bảo tàng khoa học Nagoya, mô hình hoá gần như tất cả lí thuyết của các môn Vật lý, Sinh học, Hóa học, Vũ trụ trong chương trình phổ thông. Các em nhỏ và các em học sinh sẽ được tìm hiểu việc mô phỏng lý thuyết như thế nào.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc dạy học kết nối thực tiễn, điều mà em đã được học nhưng đến chuyến đi này em mới cảm nhận được vai trò quan trọng của nó.

Thực tế cho em hiểu, những phương pháp dạy học ở trường mình đã rất tiệm cận với thế giới. Chuyến đi giúp em tin tưởng hơn rằng các phương pháp này này thực sự có hiệu quả và là xu thế mới mà mình cần học hỏi để thực hiện sau này”, Gia Khánh cho hay.

Thủ khoa trường sư phạm đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại để đưa học sinh đến gần với các kiến thức thực tiễn.

Thầy giáo trẻ đã xây dựng những video ngắn về môn Hóa học (series 10-minute Chemistry; 5-minute chemistry podcasts) lên Youtube, để đưa kiến thức thực tế về môn Hoá học đến với học sinh.

Một số chủ đề được Gia Khánh thực hiện như: Chất giảm đau trong cao dán là chất gì?; Omega-3 là gì?; Thuỷ phân este; Lipit - chất béo; Cố định nitrogen;…

Theo Gia Khánh, phương pháp giảng dạy này không phải là mới, em được học ở môn lí luận và phương pháp dạy học. Khánh muốn học sinh hiểu ý nghĩa của môn học, nên đưa kiến thức thực tiễn thật nhiều cho học sinh bên cạnh việc giúp các em học lý thuyết và làm tốt bài kiểm tra.

Phạm Minh