Đặng Trần Tuyết Trinh sinh năm 2001 tại thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với điểm học tập 3.97/4.0, điểm rèn luyện 100/100, em được vinh danh là thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế năm 2023.
Ngoài ra, em là Bí thư lớp Văn 3B khóa 2019-2023, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi đoàn khoa Ngữ văn và là gương mặt sôi nổi trong nhiều hoạt động ngoại khóa tại trường, lớp.
Năm 2019, em đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang là học sinh lớp chuyên Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học (Thừa Thiên Huế).
Tuyết Trinh cùng bố mẹ nhận bằng tốt nghiệp từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương (ngoài cùng bên trái) - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đồng thời là Giám đốc Đại học Huế và Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn (ngoài cùng bên phải), Trưởng khoa Ngữ Văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Viết tiếp tương lai từ thất bại
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tuyết Trinh cho biết từ khi còn nhỏ, em luôn ước mơ được là nối nghiệp cha, trở thành một chiến sĩ công an.
Năm đầu tiên thi đại học, em trượt nguyện vọng yêu thích là Học viện Cảnh sát Nhân dân. Vừa theo học ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, em vừa quyết tâm ôn thi lại. Thế nhưng, lần thứ hai thử sức, em tiếp tục thiếu 0.3 điểm so với điểm trúng tuyển.
Trong lễ tốt nghiệp đại học hồi đầu tháng 6, thay mặt cho các tân cử nhân phát biểu, Tuyết Trinh đã nhắc lại kỷ niệm năm xưa và bộc bạch về quyết định của mình:
“Sau một năm học tập, sinh hoạt và rèn luyện ở đây, ngôi trường có bề dày thành tích hơn 65 năm đã để lại trong em nhiều ấn tượng tốt đẹp. Lúc ấy, em mới thật sự gửi gắm tương lai cầm phấn của mình vào khoa Ngữ văn, vào Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế nhận xét, Tuyết Trinh là một sinh viên năng động, tích cực trong học tập và sôi nổi trong các hoạt động phong trào.
Là cựu học sinh chuyên Văn nên em có nền tảng vững chắc, bắt kịp nhanh với môi trường học thuật đại học, thường xuyên tìm kiếm những vấn đề mới.
Trong các môn học dành cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, Tuyết Trinh ấn tượng nhất với môn Văn học và các loại hình nghệ thuật. Ở môn học này, em đã được khám phá nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ đó so sánh - đối chiếu với văn học.
Em và các bạn đã được trải nghiệm các loại hình nghệ thuật gắn liền với các không gian văn hóa khác nhau như: Múa rối nước vùng đồng bằng sông Hồng, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ,…
Môn học này giúp những giáo viên Ngữ văn tương lai như em rất nhiều trong việc thiết kế bài giảng theo hướng dạy học tích hợp, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của người học theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cũng trong môn học này, em còn được tìm hiểu sâu về mối quan hệ liên văn bản giữa văn bản văn học với văn bản điện ảnh thông qua các trường hợp chuyển thể văn học-điện ảnh tiêu biểu.
Sự gợi mở từ cách đọc tham chiếu trong diễn giải các tác phẩm chuyển thể văn học-điện ảnh gắn liền với bối cảnh văn hóa, mỹ học và căn tính dân tộc luôn khiến em tò mò về những khả năng và giới hạn truyền tải các thông điệp nghệ thuật của các tác phẩm chuyển thể.
Cuối cùng sự tò mò của em đã có cơ hội được mở ra khi cô Diễm Hằng giao cho em đề tài “Hiện tượng chuyển thể ‘Drive my car’ của Haruki Murakami dưới góc nhìn mỹ học bóng tối” làm khoá luận tốt nghiệp.
Tuyết Trinh thay mặt các tân cử nhân phát biểu tại Lễ tốt nghiệp và trao bằng đại học hệ chính quy của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế hồi đầu tháng 6/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Được biết, Tiến sĩ Lê Thị Diễm Hằng, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế là người trực tiếp hướng dẫn khoá luận cho Tuyết Trinh.
Cô Diễm Hằng cho biết, Haruki Murakami là một trong những nhà văn đương đại Nhật Bản thu hút sự quan tâm đặc biệt của các học giả ở Việt Nam, Nhật Bản và trên thế giới.
Tác phẩm của ông luôn gợi ra các chiều kích đối thoại về vấn đề tính cách Nhật Bản. Trong đó, truyện ngắn “Drive my car” của ông đã được đạo diễn người Nhật là Ryusuke Hamaguchi chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên. Đây cũng là bộ phim đạt giải Oscar 2022 ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất.
Cô Diễm Hằng chia sẻ: “Bộ phim đã gợi ra cho tôi suy nghĩ rằng điều gì ở truyện ngắn của một nhà văn Nhật Bản được đánh giá là đậm chất phương Tây và điều gì ở hành trình chuyển thể với đôi mắt và cảm nhận tinh tế của đạo diễn người Nhật kia khiến hiện tượng chuyển thể này đạt được thành công vang dội như thế.
Sau khi xem bộ phim tuyệt đẹp và buồn này, tôi nhận ra rằng mỹ học bóng tối trong sự kiến tạo bối cảnh bộ phim, các cảnh quay đã góp phần rất lớn để tạo nên linh hồn của bộ phim.
Vì vậy, tôi đã giao đề tài Nghiên cứu hiện tượng chuyển thể “Drive my car” từ góc nhìn mỹ học bóng tối cho Tuyết Trinh, một sinh viên mà tôi tin rằng em có đủ đam mê mà quyết tâm để theo đuổi đề tài thú vị nhưng khó này.
Tôi cũng thường giao cho những sinh viên giỏi các đề tài khó, vì tôi muốn các em ấy có cơ hội để hiện năng lực của mình cũng như học tập những nguyên tắc làm việc đầu tiên thông qua các bài tập nghiên cứu như thế này.
Hơn nữa, các em sẽ có khả năng theo đuổi hướng nghiên cứu ấy cùng với giáo viên hướng dẫn nếu các em tiếp tục học lên ở những bậc học cao hơn”.
Tuyết Trinh (ngoài cùng bên phải) và bạn cùng lớp cùng Tiến sĩ Lê Thị Diễm Hằng (giữa) tại Lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp hồi tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bằng sự lao động nghiêm túc, nỗ lực hết mình và say mê với đề tài nghiên cứu, Tuyết Trinh đã thuyết phục được hội đồng chấm khoá luận tốt nghiệp và bảo vệ thành công đề tài của mình. Em đã đạt được ba điểm 10 từ giảng viên hướng dẫn và hai giảng viên phản biện.
Thuận lợi và khó khăn của giáo viên Gen Z
Tuyết Trinh có phương pháp học tập khá truyền thống và không nhiều khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Bản thân em luôn đề cao phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Trước mỗi kỳ học, em chủ động tìm kiếm tài liệu chuyên ngành và tham khảo kinh nghiệm từ các anh, chị khóa trước. Trước mỗi bài học, em luôn đọc trước giáo trình, phần nào không hiểu sẽ đánh dấu lại, đợi khi lên lớp hỏi giảng viên hoặc nghiên cứu thêm.
Sau khi nghe giảng, em sử dụng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức, chuyển hóa các kiến thức của giảng viên thành của mình. Vì ngành học có nhiều môn thi tự luận, em cũng chú ý rèn luyện kỹ năng viết bài, cách trình bày khoa học để đạt được điểm số tốt nhất.
Do tình hình của dịch Covid-19 nên nhà trường đã tạo điều kiện cho khoá sinh viên sư phạm của em được kiến tập bằng hình thức trực tuyến.
Vào cuối học kỳ một của năm thứ ba, Tuyết Trinh trải qua đợt kiến tập một tháng tại Trường Trung học phổ thông Thuận Hóa.
Đây là trường trung học phổ thông trực thuộc và nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Dù vậy, mọi công việc đều diễn ra qua màn hình máy tính nên em phải cố gắng rất nhiều mới có thể duy trì được sự gắn kết giữa giáo sinh kiến tập và các bạn học sinh.
Về chuyên môn, em và các bạn sinh viên được tham gia dự giờ tiết học của các thầy, cô giáo thông qua phần mềm dạy học trực tuyến. Đôi lúc kết nối Internet không ổn định khiến các bạn sinh viên không theo kịp nhịp giảng của giáo viên.
Đến học kỳ cuối, Tuyết Trinh xa nhà hai tháng để đi thực tập sư phạm tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, em được tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng đoàn sinh viên thực tập sư phạm tại Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị.
Lần đầu tiên rời Huế trong khoảng thời gian dài, em phải tự mình sắp xếp mọi việc: từ tìm kiếm nhà trọ, lo liệu việc cá nhân cho tới công việc tại trường.
Đây cũng là lần đầu tiên em chính thức được đứng lớp, được tiếp xúc trực tiếp với Ban giám hiệu, Đoàn Thanh niên, các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm và các học sinh.
Trong vai trò trưởng đoàn, Tuyết Trinh đã nỗ lực không ngừng để xây dựng mối liên kết giữa các bạn giáo sinh. Em phải lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng, mong muốn, cũng như bảo vệ quyền lợi của các bạn.
Dù có nhiều vất vả, em vẫn luôn thầm biết ơn quãng thời gian thực tập sư phạm xa nhà. Bởi nó đã giúp em vượt qua vùng an toàn của bản thân để trưởng thành và bản lĩnh hơn.
Tuyết Trinh trong một tiết dạy tại kỳ thực tập sư phạm ở Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhìn về tương lai, em tâm sự: “Dù trong môi trường nào, em hy vọng mình sẽ luôn giữ được cá tính và không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Em muốn trở thành một cô giáo tốt và được nhiều học trò yêu mến”.
Tuyết Trinh cho rằng, thế hệ những giáo viên được sinh ra trong thế kỷ 21 như em chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn nhất định khi đứng lớp.
Về thuận lợi, đó là khoảng cách thế hệ không lớn, cập nhật xu hướng nhanh nên dễ hoà nhịp và thấu hiểu học sinh hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Thế hệ giáo viên trẻ nhanh nhẹn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học hay các công tác Đoàn. Ngoài ra, sự linh hoạt, sáng tạo của Gen Z khá phù hợp trong việc triển khai chương trình giáo dục theo hướng mở như hiện nay.
Tuy nhiên, em cũng tự nhận mình vẫn chưa đủ sâu sắc như nhiều thầy cô đi trước. Việc dễ dàng kết nối với học sinh cũng là một điểm cần được lưu tâm. Nếu không đủ nhạy cảm để thấu hiểu, khoảng cách giữa học sinh và giáo viên sẽ ngày một lớn hơn.
Chia sẻ về dự định sau tốt nghiệp, Tuyết Trinh mong muốn có được một công việc ổn định theo đúng chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn. Em cũng sẽ tiếp tục học thạc sĩ để nghiên cứu sâu hơn về văn học.