Thủ khoa ngành Quản trị khách sạn có IELTS 8.0 bật mí cách học hiệu quả

15/05/2023 06:50
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh điểm tốt nghiệp 3.97/4.0 và chứng chỉ IELTS 8.0, tân thủ khoa Nguyễn Minh Thu còn giành nhiều giải thưởng về võ thuật và nhiếp ảnh.

Nguyễn Minh Thu (sinh năm 2000, tại Thành phố Hồ Chí Minh) là thủ khoa tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn của Trường Đại học Hoa Sen năm 2023 với điểm tích lũy toàn khóa học 3.97/4.0.

Thu là sinh viên có điểm học tập cao nhất trong số 22 thủ khoa được vinh danh tại Lễ tốt nghiệp lần thứ 40 của Trường Đại học Hoa Sen.

Ngoài tấm bằng loại xuất sắc, Minh Thu từng đạt học bổng tuyển sinh Tài năng Hoa Sen và học bổng Khuyến học Hoa Sen và là nhà vô địch nội dung Kata nữ đồng đội, về nhì Kata nữ cá nhân tại Trường Đại học Hoa Sen năm 2021 và sở hữu đai đen võ Karate.

Minh Thu có niềm đam mê với chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh phim. Thu từng lọt tốp 20 của Noirfoto Contest 2022 - cuộc thi thường niên dành riêng cho cộng đồng nhiếp ảnh thủ công đen trắng tại Việt Nam.

Bức ảnh “The Fool” được chụp ở thủ đô Praha, Cộng hoà Séc của em là tác phẩm có số phiếu bình chọn cao thứ hai tại cuộc thi này.

Tân thủ khoa Nguyễn Minh Thu và một số thành tích nổi bật. Ảnh: Nhân vật cung cấp, Thiết kế: Trịnh Trang.

Tân thủ khoa Nguyễn Minh Thu và một số thành tích nổi bật. Ảnh: Nhân vật cung cấp, Thiết kế: Trịnh Trang.

Nữ sinh mong muốn theo đuổi nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn từ khi còn nhỏ. Trong một lần đi du lịch cùng gia đình, Thu đã rất ấn tượng với phong cách làm việc chu đáo, tận tâm của các nhân viên tại khu nghỉ dưỡng.

Trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời khiến cô gái nhỏ cảm thấy chốn xa lạ vừa đặt chân đến bỗng trở nên quen thuộc, ấm áp như ở nhà.

Ấn tượng ấy cứ mãi in sâu trong tâm trí của Thu, dần hình thành thói quen quan sát nhân viên và tổng thể dịch vụ ở mỗi nơi em dừng chân. Thói quen ấy cũng nuôi lớn dần tình yêu của em với ngành Quản trị khách sạn.

Suốt quá trình học đại học, Thu không đặt nặng vấn đề chạy đua điểm số hay danh hiệu. “Đối với em, được học và được tiếp thu kiến thức mới là một quá trình mà mình tận hưởng. Em xem việc học giống như đọc một quyển sách. Đọc càng nhiều sách hay, thì mình sẽ càng biết thêm nhiều thứ”, Thu chia sẻ.

Để khiến việc học trở nên thú vị hơn, em áp dụng một số cách như lặp lại ngắt quãng (spaced repetition). Đây là phương pháp được ra đời dựa trên những nghiên cứu của nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus.

Vị này đã chỉ rằng chúng ta có thể ghi nhớ tốt và lâu hơn nếu chúng ta thường xuyên ôn lại một cách ngắt quãng. Do đó, thay vì học liên tục hoặc học một lần rồi không ôn lại, Thu thường kiên trì lặp lại chu trình: học - nghỉ - học.

Khi làm việc nhóm, Thu chia nhỏ khối lượng công việc và cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể.

Nếu bài tập có hạn nộp trong vòng một tháng, em và các bạn cùng nhóm thường bắt đầu phân công và bắt tay vào thực hiện ngay từ tuần đầu tiên.

Thời gian còn lại, cả nhóm dùng để rà soát, đưa ra nhận xét và chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Em cho rằng, không phương pháp học tập nào quan trọng bằng việc tập trung nghe giảng trên lớp. Đối với ngành học quản trị khách sạn, các giảng viên thường xuyên mở rộng đề tài, và chia sẻ những tình huống, câu chuyện làm nghề trên thực tế.

Thu cũng là sinh viên thường xuyên chủ động đặt câu hỏi cho thầy cô, bởi em thấy có thêm cảm hứng và động lực học sau khi được giải đáp những điều còn khúc mắc.

Minh Thu cùng mẹ (ảnh trái) và Thạc sĩ Trần Việt Vương (ảnh phải) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Thu cùng mẹ (ảnh trái) và Thạc sĩ Trần Việt Vương (ảnh phải) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Trần Việt Vương, giảng viên khoa Du Lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Hoa Sen, đánh giá Thu luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân và thích ứng với những thay đổi thường xuyên của ngành học.

Em rất chăm chỉ, tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp, tại doanh nghiệp và tích cực, sôi nổi trong các chương trình ngoại khóa.

Với đặc thù của ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, chương trình học của Thu có nhiều môn chuyên ngành phải đi thực tế, thực tập nghiệp vụ.

Trong môn “Quản trị tiền sảnh và quản trị lưu trú”, thay vì những giờ học khô khan, em và các bạn được trực tiếp giao lưu, trao đổi với những diễn giả là quản lý cấp cao tại các khách sạn nổi tiếng.

Thu cũng nhớ mãi trải nghiệm đi thăm bốn khách sạn 5 sao hiện đại ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khi học môn “Tổng quan du lịch”.

Năm thứ hai đại học, Thu nhận được học bổng toàn phần ERASMUS+ đi trao đổi một học kỳ tại khoa Du lịch, Đại học Girona, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên phải đến năm 2022, em mới có thể đặt chân đến châu Âu.

Minh Thu tại Bảo tàng Louvre, Pháp trong thời gian là sinh viên trao đổi tại châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Thu tại Bảo tàng Louvre, Pháp trong thời gian là sinh viên trao đổi tại châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được học tập trong môi trường đa văn hóa, Thu tranh thủ giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong bài tập cuối kỳ, Thu chọn đề tài về dark tourism (tạm dịch: du lịch để trải nghiệm một giai đoạn lịch sử, chiến tranh) tại Côn Đảo. Theo dõi bài thuyết trình của em, thầy giáo người Tây Ban Nha cảm thấy rất hứng thú và sau đó đã chọn đến Việt Nam du lịch.

Cô Trần Hà Mai Ly, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Algarve, Bồ Đào Nha, là người hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho Thu.

Làm việc với em từ năm nhất trong một số dự án và công việc liên quan đến giảng dạy tiếng Anh, cô Ly ấn tượng với sự chủ động trong công việc, tính cách hòa đồng và thân thiện của học trò. Em có khả năng tư duy, phân tích tốt, rất độc lập và tinh thần tự giác cao.

Hiện Thu đảm nhận vị trí Community Associate (lễ tân và nhân viên phát triển cộng đồng) tại một tập đoàn đa quốc gia với hơn 3000 chi nhánh tại 120 quốc gia trên toàn thế giới.

Em cũng là gia sư bán thời gian với kinh nghiệm hơn 5 năm dạy tiếng Anh và luyện thi chứng chỉ IELTS.

Thu tâm sự rằng cảm giác chứng kiến các học viên cải thiện điểm thi IELTS cũng vui và tự hào giống như cảm giác giúp các khách hàng của công ty giải quyết vấn đề.

Công việc vừa liên quan đến giáo dục, vừa liên quan đến dịch vụ giúp em nhận thấy mọi ngành nghề đều có sự giao thoa và liên hệ với nhau, miễn là mình đủ khả năng để thích nghi.

Có nhiều quan điểm cho rằng tấm bằng cử nhân ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là không cần thiết, vì dù học trường nghề, cao đẳng hay đại học thì vị trí công việc xuất phát điểm trong nghề cũng như nhau.

Theo nữ sinh, những năm tháng đại học giúp xây dựng nền tảng để em có thể tiến xa hơn sau này. Còn những kỹ năng nghiệp vụ có thể được tích lũy dần qua các vị trí công việc hoặc đánh giá qua các bài kiểm tra.

Dù điểm số cao chưa từng là yếu tố tiên quyết để lựa chọn nhân sự trong các ngành dịch vụ, nhưng Thu tin rằng đây là minh chứng cho thái độ nghiêm túc và sự cố gắng, nỗ lực để đạt được mục tiêu.

“Có lẽ nhiều người sẽ cười và bảo rằng thủ khoa rồi cũng làm trái ngành. Theo em, bên cạnh năng lực thì nơi làm việc cũng phần lớn phụ thuộc vào cơ duyên. Em đã hai lần bị hụt nộp đơn vào một khu nghỉ dưỡng trên đảo. Nhưng cuối cùng, em đã vô tình biết đến công ty hiện tại và công ty cũng đưa ra một đề nghị phù hợp để em gắn bó”, Thu nói.

Trịnh Trang