Chèn môn học tự nguyện vào giờ chính khóa, ĐBQH kiến nghị xử lý hiệu trưởng

10/10/2023 06:34
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH đề nghị nơi nào phát hiện thấy vi phạm thì Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm kịp thời.

Những năm gần đây, xu hướng trường học liên kết với trung tâm bên ngoài tổ chức các lớp học liên kết, tăng cường trong trường (có thu tiền) ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một hoạt động dạy học được tổ chức theo tinh thần tự nguyện, dựa trên nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, các lớp học lại được tổ chức theo kiểu “tự nguyện bắt buộc”, gây không ít bức xúc cho các bậc phụ huynh, học sinh.

Chèn môn học tự nguyện vào giờ chính khóa

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phản ánh bức xúc của phụ huynh về việc phải tham gia các lớp học “tự nguyện bắt buộc”. Các lớp học “tự nguyện” không chỉ làm nặng gánh thêm tài chính gia đình của phụ huynh, mà chất lượng các lớp học cũng là điều nhiều phụ huynh lo ngại.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ bức xúc trước những biến tướng trong triển khai hoạt động liên kết dạy học tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, việc nhà trường liên kết với trung tâm giáo dục bên ngoài tổ chức dạy học trong trường theo nhu cầu học sinh là điều cần thiết. Việc này giúp người học có điều kiện học tập, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

“Khi người học đăng ký học phải có nghĩa vụ đóng góp tiền để chi trả cho nhu cầu học tập, đây là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc nhà trường liên kết với các trung tâm tổ chức dạy học trong trường nhưng lại chèn vào giờ học chính khóa là một hình thức biến tướng.

Như vậy khác nào đẩy học sinh, phụ huynh vào thế “chẳng đặng đừng”, buộc học sinh không muốn cũng phải tham gia học. Đây là hành vi vi phạm “trắng trợn” quy định dạy thêm và học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Đại biểu Hòa nói.

Nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện đúng nghĩa, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng các lớp học phải được tổ chức theo tinh thần tự nguyện, dựa trên nhu cầu, điều kiện và năng lực của người học; Không được “ép” người học phải tham gia các lớp học khi không có nhu cầu.

Theo đó, vị Đại biểu cho rằng, cần giải quyết triệt để tình trạng biến tướng liên kết trong trường học:

“Đề nghị nơi nào có dấu hiệu vi phạm, hoặc phát hiện thấy vi phạm thì Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm kịp thời.

Trong đó, khi phát hiện thấy vi phạm, cần có biện pháp nhắc nhở hiệu trưởng cơ sở giáo dục đó, nếu vi phạm vẫn không được sửa chữa thì cần lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, hoặc thậm chí xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu kiến nghị.

Kiến nghị nên có mức khung học phí đối với tiết học liên kết

Cùng bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ:

“Nhiệm vụ trước tiên đối với học sinh là hoàn thành các môn học chính khóa. Học sinh cần được đảm bảo ngoài học chính khóa, các em có đủ thời gian nghỉ ngơi, giải trí, đảm bảo sức khỏe tốt.

Ngoài chính khóa, các lớp học thêm, liên kết cần được tổ chức theo tinh thần tự nguyện đúng nghĩa, trong đó vẫn phải ưu tiên sức khỏe của các em học sinh”.

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự không đồng tình trước tình trạng nhiều trường học “bất chấp” chèn các tiết học liên kết vào giờ học chính khóa, gây khó cho phụ huynh, học sinh.

“Khi trường học chèn các môn học liên kết vào giờ học chính khóa, vậy các em không đăng ký học sẽ đi đâu? Học sinh cũng không thể về nhà rồi lại đến trường, rồi ai sẽ quản lý? Những bất cập này buộc các bậc phụ huynh phải đăng ký cho con học dù không có nhu cầu”, thầy Ngai phân tích.

Để quán triệt tình trạng này, theo thầy Ngai, vai trò của các cấp quản lý là Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan trọng.

“Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần rà soát và nắm bắt tình hình, kịp thời có chỉ đạo uốn nắn, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm để nêu gương. Hiệu trưởng các cơ sở là người phải chịu trách nhiệm khi hoạt động tổ chức liên kết dạy học trong trường có dấu hiệu vi phạm”, thầy Ngai nói.

Hoạt động liên kết dạy trong trường học được tổ chức ngày càng nhiều. Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động liên kết dạy thêm trong trường học, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nêu kiến nghị:

“Sở Giáo dục và Đào tạo cần có các khảo sát, nắm bắt tình hình tại địa phương để có các quy định cụ thể, chi tiết về hoạt động này, đảm bảo quyền lợi của người học, kể cả về mặt sức khỏe”, thầy Ngai chia sẻ.

Hoạt động liên kết với đa dạng các kiến thức, kỹ năng khác nhau, vì vậy thầy Ngai cho rằng nên có tư vấn đầy đủ tới phụ huynh, học sinh để chọn lựa môn học phù hợp với nhu cầu, sở thích, tránh tình trạng học quá tải gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các Sở Giáo dục và Đào tạo nên có khảo sát để quy định về mức khung cụ thể về chi phí học, đảm bảo cho tất cả học sinh đều có thể đăng ký tham gia học tập.

Minh Chi