Đưa hoạt động ngoại khóa vào giờ chính khóa, cần xem xét trách nhiệm địa phương

04/10/2023 06:36
Tường San
GDVN-Cách sắp xếp chương trình giáo dục ngoài giờ vào lịch học chính khóa là việc làm rất phản cảm, không đúng với tinh thần giáo dục

Hiện nay, có tình trạng trường phổ thông liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức hoạt động ngoại khóa như dạy tiếng Anh tăng cường, giáo dục kĩ năng sống... nhưng lại chèn vào lịch học chính khóa ở thời khóa biểu.

Điều này đã gây nên không ít bức xúc đối với các bậc phụ huynh và học sinh khi ngoại khóa vốn là hoạt động tự nguyện nhưng thực tế lại như ép buộc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, việc các em học sinh có nhu cầu đăng ký học thêm các chương trình ngoại khóa là bình thường. Tuy nhiên, cách sắp xếp thời khóa biểu chính khóa là không phù hợp.

Thời khóa biểu của một lớp trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có môn học ngoại khóa là STEM xen giữa các môn học chính khóa.

Thời khóa biểu của một lớp trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có môn học ngoại khóa là STEM xen giữa các môn học chính khóa.

Theo thầy Hồng, khi sắp xếp thời khóa biểu cho chương trình học, nhà trường phải cân đối để phù hợp với tất cả học sinh, không thể chỉ ưu tiên những em đăng ký hoạt động ngoại khóa mà làm ảnh hưởng đến những học sinh không đăng ký. Cách làm như vậy rất phản cảm, không đúng với tinh thần giáo dục.

Trong khi đó, ở bậc phổ thông vốn đã có những ngày nghỉ cố định/tuần, ví như học sinh tiểu học có 2 ngày nghỉ (thứ 7 và chủ nhật) nên không nhất thiết phải sắp xếp hoạt động ngoại khóa vào lịch học chính khóa. Hơn nữa, việc sắp xếp chương trình học tập phải có kế hoạch cụ thể và được phối hợp với phụ huynh, giáo viên để đưa ra lịch học hợp lý nhất.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, dù hiệu trưởng của mỗi cơ sở đào tạo là người chịu trách nhiệm trước nhà trường, phụ huynh và học sinh trong việc sắp xếp lịch học cả những môn chính khóa và ngoại khóa nhưng cơ quan quản lý (Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo) cần phải thường xuyên kiểm tra việc tổ chức dạy học ngoại khóa được liên kết giữa nhà trường và các trung tâm bên ngoài đang diễn ra như thế nào. Nếu phát hiện ra các trường hợp chèn giờ học ngoại khóa vào thời khóa biểu chính khóa thì phải có những hình thức xem xét, kỷ luật đối với hiệu trưởng để răn đe.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Trường phổ thông liên cấp Phenikaa bày tỏ, việc sắp xếp các chương trình ngoại khóa vào lịch học chính khóa có thể gây ra hệ lụy như khiến học sinh bị quá tải, áp lực. Hơn nữa, nếu chất lượng chương trình ngoại khóa từ trung tâm ngoài mang đến không tốt còn gây phản giáo dục; nhiều em không thích nhưng vẫn phải học.

Việc này sẽ tiêu tốn chi phí không nhỏ đối với phụ huynh học sinh và ảnh hưởng đến quyền được lựa chọn học tập của các em.

“Nhiều phụ huynh học sinh bức xúc trước cách làm này vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của gia đình.

Bởi, một số chương trình giáo dục ngoài giờ không phù hợp với nhu cầu của học sinh, không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của họ nhưng vì sắp xếp vào lịch học chính khóa nên phụ huynh vẫn phải “è cổ” để đăng ký và đóng tiền.

Nếu muốn đưa môn học ngoại khóa nào vào chương trình học, lãnh đạo nhà trường phải tính đến tính cần thiết, hiệu quả cũng như chi phí của nó đối với tất cả học sinh”, thầy Tâm nói.

Cũng theo thầy Tâm, việc làm này có trách nhiệm rất lớn của hiệu trưởng nhà trường. Vì không có trung tâm nào có thể tổ chức đào tạo tại trường mà không được sự cho phép của hiệu trưởng. Do đó, hiệu trưởng phải nâng cao trách nhiệm của mình về những hậu quả mà mình có thể gây ra.

Thời gian cũng là một trong những nguồn lực của giáo dục và người hiệu trưởng có trách nhiệm rất quan trọng trong việc phân bổ các nguồn lực giáo dục thế nào cho đúng và phù hợp.

Cách đưa những môn học ngoại khóa chèn vào lịch học chính khóa gây tốn nguồn lực giáo dục vốn đã sai về mặt nguyên tắc, sai về mặt lý luận và cách tư duy trong vận hành giáo dục. Nhất là khi lợi nhuận của hoạt động này không hề nhỏ.

Không những vậy, khi để xảy ra tình trạng này chắc chắn phải xem xét trách nhiệm của địa phương vì đó là cơ quan trực tiếp quản lý các trường phổ thông. Vì một số địa phương còn buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo giữa nhà trường và các trung tâm ngoài này mới xảy ra tình trạng như báo chí phản ánh.

Để khắc phục tình trạng trên, thay vì chỉ đến khi phát hiện ra mới phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe mà cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý hiệu trưởng để làm gương.

Đó là còn chưa nói đến việc chất lượng của các trung tâm giáo dục ngoài có thực sự đảm bảo hay không. Thực tế hiện nay, theo thầy Tâm, còn có trung tâm chưa được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước là một trung tâm đào tạo nhưng vẫn hoạt động và liên kết với trường phổ thông để giảng dạy. Liệu có dám chắc toàn bộ những chương trình họ đưa vào nhà trường đều được thẩm định?

Rõ ràng, công tác thẩm định chương trình giáo dục ngoài giờ có trách nhiệm của các chuyên viên tại Sở Giáo dục và Đào tạo ở mỗi địa phương.

Cuối cùng, thầy Tâm cho biết thêm, hiện nay, đa phần việc tổ chức các môn học ngoại khóa có thu tiền qua việc liên kết với các trung tâm đến từ các trường phổ thông công lập.

Bởi, đối với các cơ sở giáo dục công lập để tuyển được những chuyên gia, giáo viên quốc tế để thực hiện các chương trình tiếng Anh, STEM, kỹ năng,…không phải đơn giản nên phải tận dụng nguồn lực xã hội hóa để bổ sung cho nguồn lực còn thiếu.

Tường San