Cách THPT Nguyễn Trãi khiến học sinh "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"

19/01/2023 06:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hình ảnh học sinh nâng niu từng chiếc lá, bắt từng con sâu, đo độ lớn của cây mỗi ngày trong niềm thích thú, hào hứng đã làm cho các thầy cô giáo rất vui.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) vừa tổ chức thành công “Ngày hội Hóa – Sinh” cho học sinh toàn trường.

Thông qua “Ngày hội Hoá - Sinh”, nhà trường đã xây dựng cho các em một sân chơi giải trí lành mạnh, rèn luyện thêm một số kĩ năng trong giao tiếp, ứng xử, thực hành, tạo sự gắn kết bản thân với tập thể, tiếp thêm động lực trong học tập, giúp các em cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Ngày hội Hoá Sinh tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Ngày hội Hoá Sinh tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Đức Thẩm, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 viết theo hướng phát huy tính tích cực của người học. Vì thế, dạy học gắn liền với các hoạt động giáo dục khác trong đó giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Dự án cho từng khối lớp

Cùng một chủ đề chung cho học sinh toàn trường nhưng dựa trên những kiến thức đã học, nhà trường sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khối lớp một cách phù hợp, thầy Nguyễn Đức Thẩm chia sẻ.

Đối với khối lớp 10, các em sẽ thực hiện hai dự án “Men xuân” và “Ươm mầm tinh thể - Gắn kết yêu thương”.

Đối với khối lớp 11 dự án thực hiện là Mầm xanh”. Học sinh sẽ chế tạo phân bón hữu cơ từ rác thải trong đời sống hằng ngày và trải nghiệm quy trình bón phân cho các loại hoa, cây cảnh tạo cảnh quan cho trường nhân dịp đón xuân về.

Học sinh lớp 11 với dự án "Mầm xanh"

Học sinh lớp 11 với dự án "Mầm xanh"

Còn học sinh khối 12, sản phẩm của dự án sẽ là “Polime”. Từ kiến thức đã được học về chương “Polime” (Hóa học lớp 12), kết hợp với những kiến thức thực tế, các em sử dụng các vật liệu polime đã qua sử dụng để sáng tạo các sản phẩm có ứng dụng thực tế, như trang phục, lọ cắm hoa…

Học sinh lớp 12 trình diễn những bộ trang phục tái chế (Ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh lớp 12 trình diễn những bộ trang phục tái chế (Ảnh nhà trường cung cấp)

Yêu cầu mà nhà trường đưa ra, sản phẩm STEM phải do học sinh tự nghiên cứu, sản xuất, khuyến khích sáng tạo các ý tưởng mới; khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái chế, đã qua sử dụng, rẻ tiền, thân thiện với môi trường và các sản phẩm có đầu tư chiều sâu về chuyên môn.

Sản phẩm do học sinh hoặc học sinh cùng giáo viên của nhà trường nghiên cứu, sản xuất trên cơ sở vận dụng các kiến thức tích hợp theo chủ đề của ngày Hội.

Lý thuyết gắn liền với thực tiễn

Thầy Thẩm chia sẻ, những nội dung nghiên cứu, sản xuất của từng khối lớp đều gắn liền với những kiến thức môn Sinh, Hoá, Kỹ thuật nông nghiệp mà các em đã được học trong chương trình.

Bằng việc vận dụng lý thuyết đã học trong sách giáo khoa, các em sẽ biết áp dụng vào thực tế thực hiện. Để hỗ trợ học sinh, nhà trường đã phân công các thầy cô giáo có chuyên môn Hoá, Sinh, Kỹ thuật nông nghiệp phụ trách nhằm kịp thời hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc mà các em gặp phải.

Thế là, ngay khi thực hiện yêu cầu, học sinh các khối lớp đã bắt tay vào thực hiện. Các khối lớp tự phân công nhiệm vụ cho từng nhóm thành viên trong lớp. Cứ sau mỗi buổi sáng, giờ ra chơi hoặc ra về, học sinh luôn chủ động ở lại trường để chăm chút cho sản phẩm của khối mình.

Hình ảnh học sinh nâng niu từng chiếc lá, bắt từng con sâu, đo độ lớn của cây mỗi ngày trong niềm thích thú, hào hứng đã làm cho các thầy cô giáo rất vui.

Hay như việc học sinh hào hứng tận dụng vỏ chuối, nước gạo ngâm để tạo ra chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cây, hay biết dùng ớt tỏi giã nát để xịt sâu bệnh. Nhiều học sinh thấy thích thú vì hiệu quả.

Nhật ký trồng cây.

Nhật ký trồng cây.

Thú vị nhất là từ quá trình thực hiện đến lúc thu hoạch sản phẩm đều được lưu giữ vào cuốn sổ nhật ký và được trình bày lại dưới dạng một tập san.

Những ghi chép về quá trình ươm mầm, chăm cây sẽ trở thành cẩm nang cho nhiều học sinh sau này.

Những ghi chép về quá trình ươm mầm, chăm cây sẽ trở thành cẩm nang cho nhiều học sinh sau này.

Nhiều bài học từ sân chơi “Ngày hội Hoá - Sinh”

Thầy giáo Hoàng Hiệp, giáo viên dạy Sinh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, thành phố Biên Hoà cho biết, trồng cây, chăm sóc cây…đối với học sinh nông thôn thì quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, học sinh thành phố mà hướng dẫn các em nuôi trồng và chăm sóc cây bài bản như vậy là rất thành công rồi.

Em Đặng Ngọc Hân học sinh lớp 10A1 chia sẻ: “Đây là một sân chơi bổ ích giúp chúng em biết vận dụng những kiến thức đã học trong chương trình vào đời sống thực tế.

Cũng thông qua hoạt động này, chúng em vừa có được kiến thức thực tiễn chuyên sâu, vừa có cơ hội làm việc nhóm để học hỏi thêm được nhiều kỹ năng mới. Chúng em mong muốn nhà trường sẽ tạo ra nhiều sân chơi bổ ích như thế này”.

Thầy Nguyễn Đức Thẩm cũng cho biết thêm, mặc dù dự án đã kết thúc nhưng một số em học sinh đã biết vận dụng những điều mình đã học ở trường để tạo không gian xanh ở chính ngôi nhà của mình.

Nhiều em đã chia sẻ thành quả của mình lên nhóm Zalo của lớp và nhiều bạn khác đã học và làm theo.

Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này nhưng mở rộng thêm ở tất cả các tổ chuyên môn trong trường. Mỗi tổ sẽ có những sản phẩm riêng như môn Hóa - Sinh thì tập trung vào sản phẩm sạch; môn Vật lý - Địa lý - Giáo dục công dân thì tìm hiểu về biển đảo quê hương; môn Giáo dục phương, Ngữ văn chủ đề sẽ về những di tích lịch sử…

Phan Tuyết