Tới thời điểm này, một số trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét tuyển theo quy định riêng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực.
Đáng chú ý, điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường đại học tăng mạnh. Tính theo thang điểm 30, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần bao gồm Báo chí, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Cả 3 ngành đều có điểm chuẩn 30,5. Riêng chuyên ngành Văn hóa học - Văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30 điểm.
Hay Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ngành lấy điểm chuẩn 29,75; Trường Đại học Cần Thơ có tới 6 ngành có điểm chuẩn trên 29 điểm; một số chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương lấy điểm chuẩn học bạ 30-30,5 (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi); Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn học bạ cao nhất lên tới 29,38...
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về mặt lý thuyết, học sinh có học lực khá, giỏi ở bậc trung học phổ thông sẽ là nền tảng quan trọng để thành công ở trường đại học và phát triển lâu dài trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, việc tính kết quả học tập bậc phổ thông vào xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học bằng học bạ có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tùng Dương) |
"Sợ nhất là một số giáo viên ở bậc trung học phổ thông chấm điểm kiểu "tăng trọng", "vỗ béo" thành tích. Để những em có học bạ được "tân trang", được nâng điểm không đúng với thực lực vào đại học là rất nguy hiểm. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong giáo dục mà còn làm hỏng chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao của Đảng và Chính phủ. Dù các trường tự chủ tuyển sinh song nếu thấy có bất cập thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có ý kiến", nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, chuyện sửa, nâng điểm “làm đẹp” học bạ trung học phổ thông, đặc biệt học bạ lớp 12, từ lâu đã dấy lên lo ngại trong dư luận. Đặc biệt, khi các trường đại học mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
"Nương nhẹ hoặc nâng điểm cho học sinh còn ảnh hưởng đến xu hướng chọn lựa con đường học tập của các em. Không ít em lầm tưởng mình học lực khá, giỏi, đăng ký xét tuyển vào đại học thay vì biết sức học thật của mình chuyển đi học nghề để nắm cơ hội có việc làm cao hơn.
Hậu quả của việc không đủ năng lực nhưng vẫn học đại học đầu tiên phải kể đến đó là lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai, cuộc sống của các em sau này", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết, về lâu dài, các trường đại học nên sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển cùng điểm học bạ như phỏng vấn, viết bài luận hoặc tổ chức kỳ thi phụ. Một đến hai năm sau kỳ tuyển sinh, các trường phải có thống kê, đánh giá cụ thể về chất lượng đầu vào bằng hình thức xét tuyển học bạ.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông cần đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh chọn trường, chọn nghề phù hợp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sử dụng điểm học bạ bậc trung học phổ thông là phương thức xét tuyển tạo nguồn tuyển sinh tốt cho các trường, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trước đây, các trường đại học sử dụng phương thức này còn ít nên chưa có hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn học bạ như năm nay.
"Nhiều điểm học bạ là thực chất, phản ảnh được năng lực thực thụ của học sinh. Tuy nhiên, không loại trừ hiện tượng nâng điểm, ưu ái trong khâu ra đề thi và chấm thi. Nếu năng lực thực sự của học sinh không tương xứng với điểm số và điều này là phổ biến thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục.
Trong xét tuyển, điểm ảo này sẽ tác động đến chất lượng đầu vào của các trường đại học. Bất kỳ trường đại học nào cũng muốn tuyển được thí sinh phù hợp nhất, có năng lực tốt nhất vào các ngành học. Thế nhưng, với hiện tượng này, các trường không thể biết được liệu thí sinh trúng tuyển có chất lượng như điểm số hay không.
Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có đánh giá thấu đáo để đưa ra giải pháp phù hợp vì trong giáo dục, tính đúng và tính công bằng là tối quan trọng", Thạc sĩ Trần Nam cho hay.