Giám đốc Sở GD TPHCM: Không nên cứng nhắc cấm tuyển sinh trái tuyến ngoài quận

24/04/2024 06:32
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nêu ý kiến tại buổi giao ban với Trưởng phòng Giáo dục các quận, huyện.

Ngày 23/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp giao ban với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự còn có các thành viên trong Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các trưởng, phó phòng ban chuyên môn trực thuộc Sở.

gdvn_ongHieugiaoban.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu (ảnh: V.D)

Tuyển sinh đầu cấp theo nơi ở của học sinh

Phát biểu tại buổi họp, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học sắp đến, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp tại thành phố sẽ dựa vào tiêu chí chính là nơi ở của học sinh, thay cho nhiều tiêu chí khác nhau của những năm học trước như là nơi ở, địa chỉ thường trú, chỗ học của bậc học trước đó của học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp của năm học 2024 – 2025 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó tuyển sinh hoàn toàn bằng trực tuyến.

Theo ông Lê Hoài Nam, Sở sẽ có hướng dẫn chung về nguyên tắc tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, còn lại kế hoạch cụ thể sẽ do các địa phương triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Sở lưu ý, các địa phương cần quy định rõ các tiêu chí thực hiện trong kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, để phụ huynh nắm thông tin, chủ động theo dõi, không hoang mang ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Không cứng nhắc quy định nghiêm cấm tuyển sinh ngoài quận

Phát biểu kết luận buổi họp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thành phố đang trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính như tổ, khu phố, ấp.

Chính vì vậy, tùy vào tình hình thực tế, từng địa phương có thể thực hiện việc phân tuyến tuyển sinh theo đơn vị hành chính cũ hay mới.

Người đứng đầu ngành giáo dục thành phố đề nghị Ban chỉ đạo tuyển sinh cần linh hoạt thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế, sao cho đáp ứng nhu cầu tốt nhất trên thực tế của người dân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu còn đề nghị thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện không nên cứng nhắc đưa ra quy định “Nghiêm cấm tuyển sinh trái tuyến ngoài quận”, mà cần phải căn cứ tình huống cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Hiếu lưu ý phụ huynh cần phải kê khai nơi ở chính xác, chứ không phải là nơi ở “tiêu cực” (tình trạng chạy hộ khẩu, học sinh không cư trú trên thực tế).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các địa phương cần chuẩn bị cho công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp nghiêm túc, đúng quy định, tổ chức tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp với năng lực bản thân, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các mức thu, khoản thu dịch vụ, hỗ trợ

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, các địa phương cần thực hiện việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các mức thu khoản thu dịch vụ, hỗ trợ giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần của Nghị quyết 04/20203/NQ-HĐND trong năm học này, tham mưu các cấp lãnh đạo thành phố quy định các mức thu khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trong năm học 2024 – 2025.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Các trường cần khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến của phụ huynh về các mô hình học tập từ cuối năm học này, để chủ động sắp xếp, phân bố lớp cho năm học sau. Đối với các lớp đầu cấp, cần thực hiện việc họp phụ huynh ngay từ đầu năm học”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu giải thích, việc chủ động đăng ký các mô hình học tập sẽ giúp cho phụ huynh lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế, giúp dạy học ổn định, không bị xáo trộn trong suốt cả năm học.

Về chính sách tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc tinh giản biên chế không phải là cắt giảm cơ học số lượng người làm việc, mà là giảm nhân sự được hưởng lương từ ngân sách.

Trong bối cảnh học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng tăng qua mỗi năm học, buộc phải có giáo viên đáp ứng đủ với nhu cầu giảng dạy.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nhận định, đây là khó khăn chung của thành phố.

“Tới đây, các đơn vị trường học sẽ tính toán, xây dựng lộ trình tự chủ, để giảm số lượng viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, ưu tiên những khu vực có khả năng xã hội hóa cao, trường chất lượng cao” – ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị.

Việt Dũng