Vì đâu nên nỗi ngành Bảo vệ thực vật cơ hội việc làm lớn nhưng tuyển sinh èo uột

07/10/2023 06:41
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít trường đại học hiện nay mặc dù chỉ tiêu Ngành Bảo vệ thực vật tương đối thấp nhưng số sinh viên nhập học cũng chưa tới một nửa chỉ tiêu.

Ngành bảo vệ thực vật (Plant Protection) là một trong những ngành quan trọng thuộc nhóm ngành Nông nghiệp. Đây là ngành chuyên nghiên cứu về đất, môi trường sống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng. Đặc biệt là các kiến thức về sâu, bệnh hại cây trồng và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng.

Hiện nay, thực trạng nền nông nghiệp nước ta đang tồn tại việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến các tổn hại tới môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái nông nghiệp. Lúc này, Ngành Bảo vệ thực vật càng mang trọng trách to lớn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Tuy nhiên, hiện tại Ngành Bảo vệ thực vật đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực trẻ. Nhiều trường đại học gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, ít sinh viên đăng ký theo học ngành này.

Sinh viên Ngành Bảo vệ thực vật tại phân hiệu Đồng Nai, Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Ngành Bảo vệ thực vật tại phân hiệu Đồng Nai, Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Nhiều trường đại học chỉ tuyển được 1/2 số chỉ tiêu phê duyệt

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Hải Châu - Phó Giám đốc Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai cho hay:

Hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh Ngành Bảo vệ thực vật tại phân hiệu là 50 sinh viên. Tuy nhiên, trường chỉ tuyển được khoảng 20-30 sinh viên (chiếm 40-60% chỉ tiêu). Mặc dù điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngành tương đối thấp chỉ khoảng 16 điểm.

Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó Giám đốc Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó Giám đốc Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Website nhà trường)

Trong khi đó, tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Đông - Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, khoa Nông học cho biết: Mỗi năm nhà trường tuyển sinh 40 chỉ tiêu chia ra 2 phương thức: xét tuyển học bạ (18 điểm) và kết quả thi trung học phổ thông (15 điểm). Tuy nhiên số sinh viên trúng tuyển nhập học rất ít.

Cụ thể, năm học 2022-2023, nhà trường chỉ có 18 sinh viên nhập học ngành này (tương đương 45%). Năm học 2023-2024 vừa qua ngành này cũng chỉ có 16 sinh viên nhập học (tương đương 40%).

Không những vậy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ở ngành này cực kỳ thấp do một số lý do như đào tạo tín chỉ nên các bạn có thể ra trường muộn hơn, một số bạn tham gia chương trình thực tập sinh nước ngoài nên thời gian học tập kéo dài và cũng có số rất ít các bạn có thể bảo lưu đi làm kiếm thu nhập rồi quay lại trường tiếp tục học...,

Số lượng sinh viên theo học Ngành Bảo vệ thực vật tương đối thấp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Số lượng sinh viên theo học Ngành Bảo vệ thực vật tương đối thấp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước thực trạng thiếu nhân lực trẻ, khó tuyển sinh hiện nay, Phó Giám đốc Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai cho biết, nhà trường cũng đã có các giải pháp thu hút sinh viên cả về học phí và cơ hội việc làm.

“Thứ nhất, trường không tăng học phí và mức học phí của ngành này tương đối thấp, phù hợp với sinh viên vùng nông thôn. Cụ thể, học phí của ngành Bảo vệ thực vật khoảng 12 triệu đồng/năm. Đồng thời nhà trường còn khuyến khích sinh viên bằng các chính sách học bổng.

Bên cạnh đó, phân hiệu Đồng Nai cũng đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chương trình học gắn liền với thực tiễn, hỗ trợ sinh viên được thực tế, trải nghiệm nhiều hơn.

Sinh viên năm 3 khi đi thực tập học kỳ doanh nghiệp còn được trả lương. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường với mức thu nhập ổn định cũng như tài trợ học bổng cho sinh viên”, thầy Châu cho biết thêm.

Sinh viên Ngành Bảo vệ thực vật Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai thực hành môn học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh viên Ngành Bảo vệ thực vật Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai thực hành môn học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tương tự, tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), cô Đông cho hay, nhà trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng, tổ chức ngày hội việc làm. Đồng thời, trường có học bổng khuyến khích đầu vào cho các thủ khoa. Tuy vậy, ngành học này vẫn rất khó thu hút sinh viên.

Cơ hội việc làm lớn nhưng thiếu nguồn nhân lực

Nói về cơ hội việc làm của ngành này, Phó Giám đốc Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu tỉnh Đồng Nai cho biết, khi tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan quản lý, đào tạo, nghiên cứu từ cấp tỉnh xuống địa phương như: Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, Trung tâm Kiểm dịch thực vật vùng, Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương, Chi cục Kiểm dịch thực vật trực thuộc…

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm việc trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp rồi đến các cơ sở, viện, trung tâm nghiên cứu về bảo vệ thực vật như: Viện Nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng, Viện nghiên cứu rau quả…

Không chỉ vậy, sinh viên ra trường còn có thể làm việc tại các doanh nghiệp như công ty thuốc bảo vệ thực vật, công ty thuốc khử trùng, phân bón. Chưa kể, cử nhân Ngành Bảo vệ thực vật có thể thể tu nghiệp sinh tại nước ngoài với mức thu nhập khá cao như Nhật Bản, Israel, UAE…

Cũng theo, Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) khẳng định cơ hội việc làm của ngành này rất lớn.

“Bản thân tôi hàng ngày đều nhận được những lời đề nghị giới thiệu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Nhu cầu tuyển dụng của họ rất nhiều nhưng vẫn không có đủ nguồn nhân lực đáp ứng.

Khi các bạn ra trường làm bảo vệ thực vật thì lương thử việc tối thiểu cũng 8-10 triệu đồng/tháng, mức này khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, vì cầu vượt cung rất nhiều nên hiện tại chúng tôi cũng đành lực bất tòng tâm. Chỉ 5-7 năm nữa thế hệ hiện tại về hưu hết thì lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ thực vật ở địa phương sẽ không có người làm”, cô Đông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Đông, Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Đông, Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước thực trạng này, Tiến sĩ Mai Hải Châu kiến nghị Nhà nước nên có chính sách đặt hàng đối với ngành nghề thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp nói chung và bảo vệ thực vật nói riêng. Bên cạnh đó là chính sách miễn/giảm học phí để thu hút người học.

Còn Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Đông cho rằng cần mở rộng tổ hợp tuyển sinh ngành Bảo vệ thực vật vì thực tế có bạn học khối C có nhu cầu học nhưng ngành này lại không tuyển.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại những đơn vị đào tạo nhất định. Bởi hiện có quá nhiều trường đại học thành lập cũng như mở đào tạo ngành này.

“Ví dụ như trước đây miền Trung chỉ có Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tuyển Ngành Bảo vệ thực vật thì có thể một khóa tuyển được 100 bạn. Nhưng hiện tại ngành học này đang có rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên cũng đào tạo nên chỉ tiêu tuyển sinh bị “chia năm xẻ bảy”, cô Đông nói.

Về các đơn vị tuyển dụng, cô Đông cho rằng có thể đưa ngành Bảo vệ thực vật lên vị trí ưu tiên. Những cán bộ nông nghiệp từ cấp xã nên có ít nhất một kỹ sư bảo vệ thực vật...

Nhật Lệ