Ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu XD: Dù lương 10-15 triệu vẫn chưa 'hút' SV

25/09/2023 09:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng, cơ hội việc làm rộng mở nhưng chưa có nhiều thí sinh biết và đăng ký học ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng

Trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhiệm vụ giám sát và kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, điều hành công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng được quan tâm hơn, thì việc đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng lại càng đóng vai trò quan trọng.

Chương trình đào tạo đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tế

Trao đổi với phóng viên phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Trưởng bộ môn phụ trách ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng, Khoa Xây dựng Cầu Đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng là 60 chỉ tiêu/năm. Tỷ lệ sinh viên ra trường sau 1 năm có việc làm đúng chuyên ngành và ngành gần là 98%.

Sinh viên ngành ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng - Khoa Xây dựng Cầu Đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Sinh viên ngành ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng - Khoa Xây dựng Cầu Đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Về chương trình học, theo thầy Quang, từ năm 2020, ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng của trường có 2 chương trình đào tạo gồm: chương trình đào tạo cử nhân 4 năm (gồm 130 tín chỉ) và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù tích hợp cử nhân - kỹ sư (5 năm, gồm 180 tín chỉ). Sinh viên có quyền lựa chọn chương trình đào tạo cử nhân hay tích hợp cử nhân - kỹ sư sau khi học xong năm thứ 2 của chương trình đào tạo.

“Từ năm 2020, trong quá trình xây dựng khung chương trình đào tạo, Khoa tiến hành khảo sát ý kiến của các bên liên quan (gồm doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên) dựa trên nhu cầu thực tiễn với tinh thần không phải đổi mới hoàn toàn nhưng có cập nhật nội dung kiến thức", thầy Quang chia sẻ.

Đơn cử, trước đây chương trình đơn thuần chỉ là các đồ án môn học đi kèm với học phần lý thuyết trên lớp. Còn chương trình hiện nay, các đồ án được chuyển đổi trên cơ sở đồ án liên môn dưới dạng các PBL (Project based learning). Hình thức thực hiện dưới sự hướng dẫn ít nhất của 2 giảng viên trong Khoa hoặc giữa các Khoa khác nhau có chuyên môn liên quan.

Chương trình bổ sung kiến thức trong các học phần mới như: Kiểm định và thí nghiệm công trình, Phụ gia cho bê tông xi măng, Vật liệu gốm chống cháy và cách nhiệt, Quản lý dự án Vật liệu xây dựng, Kinh tế và Quản lý doanh nghiệp,…

"Các kiến thức bổ sung trang bị cho sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí công việc hiện nay tại các doanh nghiệp đang cần về tư vấn, giám sát các dự án và công trình xây dựng đồng thời khơi dậy cho sinh viên tư duy khởi nghiệp phù hợp mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình”, thầy Quang cho biết.

Về đào tạo thực hành cho sinh viên, theo thầy Quang, nội dung thực hành của ngành học này rất nhiều vì liên quan đến các mảng: công nghệ, kỹ thuật vật liệu…

Ví dụ, với môn Kiểm định và thí nghiệm vật liệu công trình có 2 tín chỉ. Trong đó, 15 tiết lý thuyết trên lớp và 15 tiết thực hành ở phòng thí nghiệm. Ngoài ra, các môn như công nghệ bê tông, công nghệ gốm xây dựng, kỹ thuật sản xuất chất kết dính vô cơ,... sinh viên vừa học lý thuyết vừa thực hiện các dự án đi kèm dưới hình thức có thể kết hợp thí nghiệm tại phòng thí nghiệm.

Theo khung chương trình ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng của trường có 3 thực tập chính bao gồm: thực tập công nhân (2 tuần), thực tập nhận thức (1 tuần) và thực tập tốt nghiệp (6 tuần). Theo đó, sinh viên đầu năm 3 (học kỳ I) sẽ bắt đầu thực tập công nhân tại các công trường xây dựng hoặc cơ sở tư vấn giám sát…

Học kỳ II năm 3, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tập nhận thức (1 tuần), được tham quan tìm hiểu các dây chuyền công nghệ sản xuất gốm xây dựng, chất kết dính (xi măng), cấu kiện bê tông tại các nhà máy, sau đó trở về viết báo cáo thu hoạch.

Sinh viên năm cuối được tham gia thực tập tốt nghiệp, tìm hiểu và làm việc kỹ hơn tại các cơ sở sản xuất, nhà máy để tích lũy kiến thức phục vụ quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp tại trường.

Cùng chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng, Thạc sĩ Phạm Minh Đức - Trưởng bộ môn Vật liệu Xây dựng, Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký học ngành này không nhiều. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 35 sinh viên/lớp/năm.

Theo thầy Đức, bộ môn Vật liệu Xây dựng là một trong các Khoa, bắt đầu tuyển sinh năm 2005. Đến nay, Bộ môn được nhà trường giao nhiệm vụ quản lý Phòng thí nghiệm Vật liệu Xây dựng và chịu trách nhiệm chính trong quản lý chuyên ngành đào tạo các bậc, trình độ, loại hình đào tạo khác nhau liên quan đến lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng.

“Chương trình đào tạo của ngành được biên soạn tương ứng với từng trình độ, loại hình và đối tượng đào tạo. Tuy nhiên, tất cả các chương trình đều hướng đến mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, kết hợp lý thuyết với thực hành, thực tiễn và theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ môn có đội ngũ giảng viên đạt 100% trình độ thạc sĩ.

Lĩnh vực vật liệu xây dựng rất rộng. Song, chương trình tập trung đào tạo sinh viên tiếp cận với công nghệ sản xuất; kiểm định công trình, kiểm định chất lượng vật liệu và sử dụng vật liệu kinh doanh, phụ gia bê tông,…”

_Tiến sĩ Phạm Minh Đức_

Chưa nhiều thí sinh biết đến ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng

Thầy Đức cũng cho biết, khi trường chuyển sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, chương trình học được thiết kế thiên hướng thực hành nhiều hơn. Đây cũng là điểm mới của chương trình đào tạo: tăng thời lượng thực hành từ 50-70%.

Nhà trường có xưởng thực hành, phòng thí nghiệm và đưa sinh viên đi thực tế doanh nghiệp. Sau khi học thực tế, sinh viên được trang bị kỹ năng mà ở trường không dạy cho các em như văn hoá doanh nghiệp, kỹ năng ứng xử, xử lý và khắc phục sự cố trong quá trình lao động.

Tuy nhiên, để tăng thực hành, đòi hỏi trường phải tăng cường liên kết doanh nghiệp. Hiện bộ môn cũng được doanh nghiệp quan tâm như tài trợ học bổng, tham gia hội đồng soạn chương trình đào tạo.

Còn theo thầy Quang, ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng liên kết doanh nghiệp hiện có nhiều hạn chế. Do đó, Khoa và Bộ môn đang nỗ lực để ký kết hợp tác với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đào tạo gắn liền với doanh nghiệp, giúp sinh viên ra trường thích nghi nhanh chóng môi trường thực tế.

Việc sinh viên tham gia thực tập có lương, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ phía doanh nghiệp là bước đầu tạo liên kết mạnh giữa nhà trường và doanh nghiệp mà bộ môn đang hướng đến.

"Tôi mong muốn thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhằm tạo ra những sản phẩm thiết thực phục vụ xã hội. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho người lao động, doanh nghiệp, học sinh và phụ huynh cảm nhận rõ hơn vai trò tích cực của ngành học trong phát triển đất nước"

_Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang_

Bên cạnh đó, thầy Quang và thầy Đức đều cho rằng, hiện ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng chưa được nhiều học sinh, phụ huynh biết đến.

"Khó khăn nhất hiện nay là thông tin về ngành học từ nhà trường cho đến học sinh, phụ huynh chưa nhiều. Hầu hết sinh viên học đại học lựa chọn các ngành mũi nhọn như cơ khí, điện, kinh tế, ngân hàng, luật,…chưa biết nhiều thông tin và vai trò của ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng trong phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng. Điều này khiến cho phụ huynh học sinh chưa quan tâm và số lượng sinh viên học ngành này chưa nhiều”, thầy Quang chia sẻ.

Còn thầy Đức cho biết: "Mức lương sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng mới ra trường đi làm từ 10-15 triệu đồng/tháng (đa số là 12 triệu đồng/tháng). Cơ hội việc làm của ngành rộng mở nhưng công tác tuyển sinh hiện nay chưa thu hút nhiều người học do ít học sinh, phụ huynh biết đến".

Thầy Đức cho biết thêm, hiện trường cũng đào tạo liên thông lên đại học nhưng số lượng đăng ký học ngành này không nhiều. Bởi lẽ, ngay từ đầu, đối tượng học cao đẳng thường có tâm lý muốn đi làm sớm để thu nhập sớm nên số lượng sinh viên đi học liên thông lên đại học không nhiều, thậm chí không có.

Đề xuất một số kiến nghị nhằm khắc phục khó khăn trong tuyển sinh, thầy Đức cho rằng, sinh viên học xong ngành Công nghệ Kỹ thuật vật liệu xây dựng có thể làm việc ở nhà máy sản xuất xi măng nên rất bụi bặm, độc hại cho sức khoẻ. Nếu được xem xét, có thể đưa ngành học này vào danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Để từ việc sinh viên được nhận hỗ trợ học phí sẽ góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Ngọc Mai