Ngành giáo dục TPHCM xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, tôi có ý kiến

02/10/2023 06:40
Ánh Dương
GDVN- Dự thảo xây dựng trường học hạnh phúc của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gồm 18 tiêu chí.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành dự thảo Kế hoạch và Bộ tiêu chí về xây dựng trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. [1]

Theo đó, Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí, với 03 nhóm tiêu chuẩn chính: nhóm tiêu chuẩn Con người; nhóm tiêu chuẩn Dạy học và hoạt động giáo dục; nhóm tiêu chuẩn Môi trường.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Tiêu chuẩn về con người

Tiêu chí 1: Tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng.

Tiêu chí 2: Cán bộ, giáo viên, nhân viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp và học sinh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy đạo đức nhà giáo.

Tiêu chí 3:Tinh thần dân chủ được đảm bảo; tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hoá, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục hay các khó khăn, khuyết tật về thể chất và học tập.

Tiêu chí 4: Những giá trị, thái độ tích cực như: chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và những hành vi tích cực được khuyến khích.

Tiêu chí 5: Sự khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần của giáo viên thông qua việc đảm bảo điều kiện làm việc, tôn vinh, ghi nhận vai trò của giáo viên.

Tiêu chí 6: Năng lực và kỹ năng của giáo viên được thể hiện; phát huy được các phương pháp dạy học mới, sáng tạo.

Tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục

Tiêu chí 7: Giao nhiệm vụ học tập hợp lý và công bằng; chú trọng dạy học phát huy phẩm chất và năng lực người học; đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, coi trọng sự tiến bộ của học sinh, tránh gây áp lực quá mức và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các học sinh với nhau.

Tiêu chí 8: Các môn học và hoạt động giáo dục được áp dụng các phương pháp tích cực, phát huy tinh thần làm việc nhóm và hợp tác; người học được thể hiện sự sáng tạo và gắn kết với nhau, coi những lỗi sai như một phần của quá trình học; dạy và khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, tư duy phản biện.

Tiêu chí 9: Học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ và nhà trường;

Tiêu chí 10: Nội dung học tập bổ ích, lôi cuốn, mang tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn.

Tiêu chí 11: Các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá và các sự kiện ở trường được tổ chức hiệu quả. Xây dựng các câu lạc bộ đội nhóm, sân chơi, hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học.

Tiêu chí 12: Triển khai các chương trình sức khỏe học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho học sinh.

Tiêu chí 13: Quan tâm đến sức khỏe tâm thần, quản lý căng thẳng thông qua công tác tham vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học; đưa nội dung chương trình SEL, SEE, sự chú tâm, lòng biết ơn vào giảng dạy.

Tiêu chí 14: Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học.

Tiêu chuẩn về môi trường

Tiêu chí 15: Môi trường học tập ấm áp, thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến.

Tiêu chí 16: Kỷ luật tích cực được áp dụng trong nhà trường.

Tiêu chí 17: Trường học đạt tiêu chuẩn về trường học xanh.

Tiêu chí 18: Tầm nhìn và công tác lãnh đạo của nhà trường hướng đến những ưu tiên xây dựng Trường học hạnh phúc.

Đôi điều về xây dựng trường học hạnh phúc

Người viết, là giáo viên bậc phổ thông, cơ bản đồng tình với Bộ tiêu chí về xây dựng trường học hạnh phúc của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gồm 03 nhóm tiêu chuẩn chính: nhóm con người; nhóm dạy học và hoạt động giáo dục; nhóm môi trường.

Tuy vậy, tôi cho rằng, để xây dựng trường học hạnh phúc thì cần cụ thể hóa vai trò của hiệu trưởng đối với giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và ngành giáo dục qua các tiêu chí cụ thể, chứ không chỉ có ở Tiêu chí 18: Tầm nhìn và công tác lãnh đạo của nhà trường hướng đến những ưu tiên xây dựng trường học hạnh phúc.

Thứ nhất, hiệu trưởng phải là người tiên phong làm thay đổi trường học theo hướng ngày càng tốt hơn.

Muốn được như vậy, hiệu trưởng cần quan tâm cả 3 yếu tố: con người; môi trường làm việc và phong cách làm việc trong trường.

Hiệu trưởng thay đổi thì giáo viên, nhân viên sẽ thay đổi và kéo theo, học sinh cũng được hưởng lợi từ những phẩm chất tích cực của thầy cô giáo.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) nói đại ý, để xây dựng một trường học hạnh phúc thì hiệu trưởng phải có trách nhiệm lôi cuốn những người đi theo mình, phải có khả năng tác động đến từng giáo viên, nhân viên và cả học sinh trong nhà trường.

Hiệu trưởng vừa giữ vai trò của một nhà quản lý, vừa là người đưa ra ý tưởng, quan điểm, vừa là người tổ chức để xây dựng nhà trường theo mô hình trường học hạnh phúc đã xác định. [2]

Thứ hai, muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì dứt khoát phải ngăn chặn vấn nạn lạm thu biến tướng như hiện nay.

Vào năm học mới hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục các địa phương luôn có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc lạm thu ở các nhà trường.

Thế nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng này, năm sau sai phạm nhiều hơn năm trước khiến dư luận xã hội bức xúc, bất bình.

Nhiều nơi, phụ huynh đã dũng cảm "tố" lạm thu, sau đó báo chí vào cuộc mạnh mẽ khiến hiệu trưởng nhiều trường đã phải ê chề trả lại tiền, có người đã bị xử lí kỉ luật.

Nạn lạm thu khiến học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với ngành giáo dục. Và cho dù giáo viên có nỗ lực giảng dạy bao nhiêu chăng nữa thì cũng khó có thể xây dựng trường học hạnh phúc.

Hiệu trưởng cần cẩn trọng tính toán, không lạm thu, vứt bỏ “hoa hồng”, lợi ích riêng, quan tâm đến giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để góp phần xây dựng được trường hạnh phúc.

Thứ ba, hiệu trưởng cần thể hiện sự bình đẳng, dân chủ và giảm áp lực công việc cho giáo viên, nhân viên.

Yếu tố tiên quyết là hiệu trưởng cần nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ trong các đơn vị trường học nhằm tạo môi trường làm việc lành mạnh để mỗi cá nhân phát huy tinh thần làm chủ, khả năng trí tuệ cống hiến xây dựng tập thể đoàn kết vững mạnh.

Cùng với đó, hiệu trưởng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá chủ yếu để giảm áp lực cho giáo viên.

Thứ tư, nhà trường vẫn thường xảy ra những xung đột nội bộ, từ phạm vi cá nhân đến tập thể, từ mức độ đơn giản đến phức tạp. Giải quyết xung đột nội bộ thể hiện năng lực quản trị của lãnh đạo nhà trường.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sỹ (Học viện Quản lý giáo dục), để quản trị xung đột nội bộ, hiệu trưởng cần thiết xây dựng văn hóa nhà trường để quản trị xung đột nội bộ hiệu quả.

Hay nói cụ thể, văn hóa tổ chức nói chung được biểu hiện bằng các hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử, các biểu tượng... mà những cá nhân trong tổ chức tuân thủ, tôn trọng. [3]

Thứ năm, hiệu trưởng hãy dành thời gian giúp đỡ giáo viên, nhân viên và học sinh của trường thay vì chỉ trích, ra lệnh, thậm chí đe dọa, bắt nạt.

Hiện nay còn nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên, nhân viên, học sinh phải nghe theo chỉ đạo như một mệnh lệnh.

Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi bằng cách lắng nghe, giúp đỡ giáo viên và giao quyền chủ động cho thầy cô, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt công việc.

Thứ sáu, những hiệu trưởng thành công luôn coi học sinh là số 1 trong thứ tự ưu tiên - nghĩa là luôn đặt các em lên trên hết.

Hiệu trưởng đừng bao giờ đánh đổi học sinh cho các giá trị khác. Tất cả sự kì vọng, những mong muốn và hành động mà lãnh đạo nhà trường làm là vì học sinh thân yêu.

Sự an toàn, sức khỏe, sự tiến bộ trong học tập của học sinh là những giá trị cốt lõi mà hiệu trưởng cần theo đuổi đến cùng. Mọi quyết định mà lãnh đạo đưa ra đều mong muốn tạo dựng những điều tốt đẹp cho học sinh.

Đó cũng là lí do thầy Đinh Hồng Tiệp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Hải Phòng), xin được làm bạn với học sinh để xây dựng trường học hạnh phúc. [4]

Có thể khẳng định, trường học hạnh phúc phải từ hiệu trưởng. Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức, hiệu trưởng là người sẽ tạo ra ngôi trường mà giáo viên, học sinh được thoải mái sáng tạo và tôn trọng.

Khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn giáo viên và từ đó, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho học sinh, còn học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-viec-gop-y-du-thao-ke-hoach-va-bo-tieu-chi-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-lan/ctfull/41024/72617

[2] https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-de-moi-chung-ta-hanh-phuc-hon-post630764.html

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc/lam-gi-de-quan-tri-tot-xung-dot-noi-bo-nha-truong-20210226070007404.htm

[4] https://giaoduc.net.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-thay-hieu-truong-xin-duoc-lam-ban-voi-hoc-sinh-post221695.gd

[5] https://baotintuc.vn/giao-duc/truong-hoc-hanh-phuc-va-vai-tro-quan-trong-cua-nguoi-hieu-truong-20220924184126824.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương