Thời gian qua, ngành giáo dục nói nhiều đến cụm từ “trường học hạnh phúc” nhưng bao giờ chữ “hạnh phúc” này được trọn vẹn với cả thầy và trò? Thầy cô làm sao hạnh phúc khi mà hằng ngày vào lớp phải dành ra một ít thời gian để nhắc nhở hoặc thu tiền học trò?
Học trò liệu có hạnh phúc được hay không khi mà nhiều em học trò nghèo thường bị thầy cô nhắc, gọi đến tên mình trước lớp vì cha mẹ khó khăn nên chưa thể đóng các khoản tiền trường?
Trong khi, tiền trường những năm qua thì nhiều nơi thu nặng lắm, đủ các loại tiền, loại quỹ khác nhau, loại nào cũng đều được cho là hợp lý. Có lẽ vì thế mà nhiều thầy cô và học trò cảm thấy nặng nề, mệt mỏi khi đề cập đến chuyện… tiền.
Nhưng, những công việc này cứ lặp đi, lặp lại và nó thường được đề cập nhiều nhất vào thời điểm đầu mỗi năm học vì lúc này nhà trường sẽ thông báo rất nhiều khoản tiền bắt buộc, tự nguyện, thống nhất… đến học sinh và phụ huynh.
Hạnh phúc của thầy và trò được chắt chiu từ những điều giản dị. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN) |
23 khoản tiền trường/ năm thì thầy cô và học trò có “hạnh phúc” nổi không?
Những năm học qua, câu chuyện tiền trường đã được nhắc nhiều, phản ánh nhiều và cũng đã có một số lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật, thậm chí vướng vào lao lý nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Cuối tháng 12/ 2021 vừa qua, trên tờ Người đưa tin đã có bài viết: “Học sinh tiểu học vùng biển oằn mình “gánh” 23 khoản phí, quỹ ...” phản ánh về các khoản thu của một trường Tiểu học ở Thanh Hóa khiến nhiều đọc cảm thấy choáng váng vì nó có quá nhiều các khoản tiền mà phụ huynh phải đóng góp cho con em mình.
Đó là: “Các khoản thu bắt buộc như: quỹ cha mẹ học sinh (50.000 đồng), quỹ vệ sinh môi trường (50.000 đồng), nước uống (50.000 đồng), số liên lạc điện tử (80.000 đồng), giấy kiểm tra (30 – 40.000 đồng), tiền gửi xe (120.000 đồng), quỹ đội (25.000 đồng), quỹ nhân đạo (10.000 đồng), bảo hiểm y tế (563.000 đồng, tăm tre, vòng tay nhân ái, quỹ biên giới ...
Các khoản thu dưới danh nghĩa “vận động”, “tự nguyện” gồm: quỹ khuyến học (100.000 đồng), xã hội hóa giáo dục (200.000 đồng), quỹ lớp (300.000 đồng), mua máy chiếu và tivi (150.000 đồng), tiền quét dọn (100.000 đồng), tiền phô tô đề thi, tiền ghế đá, tiền học tăng cường (1,2 triệu đồng), tiền học sinh xã ngoài (1 triệu đồng) ...”. [1]
Nhìn vào ma trận tiền trường này, ai cũng thấy cái khổ không chỉ là những phụ huynh phải oằn lưng đóng nhiều khoản tiền trường khi con em mình mới bước vào cấp Tiểu học mà ngay cả những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm ở những ngôi trường này cũng khổ, mệt mỏi khi thu các khoản tiền.
Nếu như, các khoản tiền này được triển khai đồng loạt ở một thời điểm và phụ huynh vào trường đóng đồng loạt thì chỉ ngồi ghi, đánh dấu 23 danh mục tiền, viết phiếu thu cho phụ huynh cũng đã hãi hùng vì phiếu thu thì mỗi đầu tiền mỗi loại phiếu chứ đâu có thể gộp cả 23 khoản tiền này vào một phiếu được.
Rồi, sau khi thu đủ tiền của phụ huynh, điều bắt buộc là giáo viên phải cập nhật vào danh sách theo các file để tính toán, quyết toán, báo cáo cho kế toán nhà trường.
Mỗi lớp có mấy chục học sinh, cho dù máy móc, công thức tính toán sẵn thì giáo viên cũng phải mất rất nhiều thời gian để nhập vào.
Đó là chưa kể một số phụ huynh gặp khó khăn nên các khoản tiền trường phải đóng thành nhiều đợt, nhiều giai đoạn khác nhau thì bắt buộc giáo viên cũng phải tính toán, quyết toán thành nhiều đợt với nhà trường. Nếu lơ mơ, giáo viên dễ phải bù tiền như chơi.
Chính vì thế, chỉ chuyện thu tiền thôi thì giáo viên làm sao hạnh phúc được. Trên thì lãnh đạo nhà trường thúc giục, yêu cầu khoản tiền này hoàn thành vào tuần này, khoản tiền kia hoàn thành vào tuần nọ.
Nhưng, học sinh tiểu học còn nhỏ, bắt buộc giáo viên phải liên hệ với phụ huynh…
Giáo viên đứng vào thế kẹt, nhất là gặp những phụ huynh khó khăn về kinh tế. Giục học sinh, phụ huynh đóng tiền thì cũng ngại, cũng khó xử mà không làm như vậy thì lại không hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên.
Nên đôi lúc chỉ chuyện tiền trường thôi cũng khiến cho thầy cô, học sinh và phụ huynh phải khó xử với nhau. Tất nhiên, những lúc như vậy thì thầy khó có thể hạnh phúc và học trò cũng không thể nào vui được khi nghe thầy cô thúc giục chuyện đóng tiền mỗi ngày.
Trường học hạnh phúc là thầy cô được chuyên tâm vào chuyên môn của mình
Thực ra, ai cũng mong muốn hạnh phúc trong công việc hằng ngày của mình và những thầy cô giáo lại càng mong muốn điều này nhiều hơn vì họ đang làm thiên chức dạy người và luôn tiếp xúc với học trò.
Một khi thầy cô hạnh phúc sẽ có một tâm thế vui vẻ, lạc quan để truyền đạt kiến thức bài học đến với học trò một cách hiệu quả nhất và học trò hạnh phúc thì cũng sẽ chú tâm cho chuyện học hành của mình nhiều hơn.
Vì thế, trường học hạnh phúc được chắt chiu, gom góp từ những điều giản dị khi mà thầy cô được tôn trọng, học trò siêng năng, có ý chí, động lực học tập và có ứng xử phù hợp với thầy cô, bạn bè.
Nhưng, làm thế nào để thầy cô và học trò được hạnh phúc mỗi ngày?
Trước hết, chúng tôi cho rằng ngành giáo dục cần giảm những áp lực ngoài chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, nên có chủ trương không để giáo viên phải thu tiền của học trò ở các cấp học.
Trong các trường học - dù trường lớn hay nhỏ thì cũng luôn có kế toán, thủ quỹ. Vì thế, việc thu chi, quyết toán các khoản tiền là chuyên môn của họ nên việc thu tiền không bị chi phối, ảnh hưởng gì nhiều đến công việc chuyên môn hằng ngày.
Hơn nữa, thực tế hiện nay đâu nhất thiết phải thu tiền mặt như hàng chục năm về trước, nhà trường chỉ cần công bố tài khoản thì nhiều phụ huynh họ sẽ chuyển khoản - thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh.
Giáo viên thì chuyên môn của họ là giảng dạy thì cớ gì lại cứ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu tiền. Trong khi hiện nay, không có bất kỳ một văn bản nào yêu cầu, hướng dẫn giáo viên phải thu tiền học sinh nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Giáo viên chủ nhiệm từ cấp mầm non đến trung học phổ thông đang phải thu tất cả các loại tiền trường của học sinh.
Trường học hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn nhưng chỉ riêng chuyện thu tiền thì chữ hạnh phúc nhiều lúc cũng trở nên mong manh, ảnh hưởng khá nhiều…!
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nguoiduatin.vn/hoc-sinh-tieu-hoc-vung-bien-oan-minh-ganh-23-khoan-phi-quy-a538025.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.