Ngày 09/02, tại Vòng chung kết Cuộc thi Công nghệ trẻ Châu Á - Youth Tech Asia Challenge 2025 (YTAC 2025), nhóm học sinh lớp 5 đến từ Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xuất sắc đem về 1 Huy chương Vàng, 1 giải Đặc biệt cho ý tưởng đề tài. Kết quả là minh chứng cho việc gieo hứng thú về khoa học kỹ thuật cho học sinh tiểu học thông qua những tiết học STEM lý thú.
Sản phẩm mở ra kênh giao tiếp khác cho người khiếm thính
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên nhí vừa giành Huy chương Vàng của Cuộc thi Công nghệ trẻ Châu Á, gồm: Vũ Quang Anh (học sinh lớp 5A), Nguyễn Trung Hiếu (học sinh lớp 5B), Lê Việt Hưng (học sinh lớp 5C).
Chia sẻ niềm vui với phóng viên, nam sinh Vũ Quang Anh (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Tràng An) bày tỏ: “Giành được Huy chương vàng tại một cuộc thi quốc tế là điều vinh dự với nhóm em cũng như toàn đoàn Việt Nam. Đây giống như một món quà tuyệt vời, một phần thưởng quý giá cho những nỗ lực học tập và sự cố gắng không ngừng của cả nhóm. Không lời nào có thể diễn tả hết được cảm xúc của chúng em”.
![Từ trái qua phải: Vũ Quang Anh, Lê Việt Hưng, Nguyễn Trung Hiếu. Ảnh: Anh Tú. GDVN_Ảnh 1.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/wchuoab/2025_02_14/gdvn-anh-1-2870-5726.jpg)
Dự án của nhóm Quang Anh mang đến cuộc thi có tên “Ứng dụng AI xây dựng từ điển ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính” - một sản phẩm tâm huyết của cả học sinh lẫn thầy cô hướng dẫn.
“Dự án được xây dựng với mục tiêu giúp dạy và học ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là hỗ trợ trẻ khiếm thính trong việc giao tiếp. Ban đầu, dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy giáo, chúng em đã cùng nhau tìm hiểu và làm quen với quy trình xây dựng phần mềm, từ bước nghiên cứu ý tưởng ban đầu cho đến quá trình phát triển sản phẩm cuối cùng.
Nhóm chúng em đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận, thử nghiệm và khắc phục những lỗi nhỏ trong từng giai đoạn. Sau quá trình không ngừng nỗ lực, phần mềm cũng đã được hoàn thiện” - Quang Anh chia sẻ.
Cũng theo cậu học trò này, phần mềm có khả năng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói và văn bản, đồng thời cũng hỗ trợ phiên dịch từ giọng nói và văn bản sang ngôn ngữ ký hiệu.
Đặc biệt, sản phẩm còn tích hợp phần hỗ trợ tiếng Anh, tính năng này không chỉ giúp mở rộng khả năng giao tiếp của người khiếm thính trong môi trường đa ngôn ngữ mà còn góp phần thúc đẩy sự tự tin khi đối diện với các thử thách trong giao tiếp quốc tế.
Qua đó, dự án của nhóm Quang Anh không chỉ là một phần mềm hỗ trợ giao tiếp, mà còn là một công cụ giáo dục hiện đại, tạo điều kiện cho sự phát triển đối với trẻ em khiếm thính.
![Quang Anh và các thành viên thuyết trình về sản phẩm. Ảnh: NTCC. z6315465862465_a862b674433cf0586ca1506eb670a046.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/wchuoab/2025_02_14/z6315465862465-a862b674433cf0586ca1506eb670a046-4368-6079.jpg)
Thầy Nguyễn Đức Duy, giáo viên phụ trách chương trình STEM (Trường Tiểu học Tràng An) chia sẻ: “Nhóm đã phát triển một ứng dụng dựa trên ngôn ngữ ký hiệu. Xuất phát từ thực tế các em quan sát và đặt câu hỏi về cách thức trình bày của người thông dịch trên truyền hình (hình ảnh của người thông dịch luôn xuất hiện ở góc màn hình với các cử chỉ tay liên tục).
Tôi đã giải thích rằng, đó chính ngôn ngữ ký hiệu mà những người khuyết tật về thính giác hay ngôn ngữ sử dụng để giao tiếp. Từ đó, các em nảy ra ý tưởng xây dựng chương trình hỗ trợ giao tiếp cho những người gặp khó khăn này.
Trong quá trình xây dựng ứng dụng, các em đã tích cực đặt ra nhiều câu hỏi và cùng nhau dần dần hoàn thiện ý tưởng. Đặc biệt, các em không ngại đặt câu hỏi và chủ động tìm hiểu, thậm chí có những lúc các em gọi điện vào 11 giờ đêm để được hỗ trợ khi gặp khó khăn với phần mềm hay cách sửa chữa ứng dụng. Sự chủ động và đam mê ấy không chỉ giúp các em vượt qua thử thách, mà còn tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mọi người cùng nhau phát triển kỹ năng và khích lệ lẫn nhau”.
Nói về những khó khăn trong quá trình tham gia cuộc thi, nam sinh Vũ Quang Anh chia sẻ: "Chúng em đã gặp không ít thử thách, như phần mềm thỉnh thoảng lại gặp lỗi khi chuyển đổi giọng nói thành chữ viết. Khi gặp trục trặc, chúng em lại cùng thảo luận và tìm cách sửa chữa và không ngại nhờ thầy giáo chỉ dẫn thêm. Không những vậy, đôi khi camera cũng gặp lỗi kỹ thuật như bị mờ, ảnh hưởng đến phần trình bày, nhưng chúng em luôn cố gắng khắc phục để thể hiện sản phẩm.
Phần thuyết trình trước ban giám khảo cũng là một thử thách không nhỏ, chúng em đã dồn hết tâm huyết để trình bày một cách tự tin và rõ ràng. Qua đó, em và các bạn mong muốn ban giám khảo cảm nhận được niềm đam mê với sản phẩm này của nhóm".
![Trong quá trình dự thi, các em học sinh phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, bằng ý chí kiên trì cùng sự đồng hành của thầy cô, nhóm học sinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: NTCC. z6315468395823_a0858035cb3a44e9686ac31f84763625.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/wchuoab/2025_02_14/z6315468395823-a0858035cb3a44e9686ac31f84763625-799-5493.jpg)
Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm
Nói về những ấn tượng đọng lại sau chuyến đi, Quang Anh kể: “Tại cuộc thi, chúng em được gặp gỡ nhiều học sinh đến từ các nước khác. Em kể cho các bạn nghe về Vịnh Hạ Long của Việt Nam, tặng những món quà nhỏ như nón lá và những món đồ thủ công được làm từ tre, gỗ và các vật liệu tự nhiên khác. Bạn bè quốc tế cũng chia sẻ những câu chuyện về đất nước của họ...”.
![Học sinh Trường Tiểu học Tràng An trong một tiết học STEM. Ảnh: NTCC. Học sinh Trường Tiểu học Tràng An trong một tiết học STEM. Ảnh: NTCC.](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/wchuoab/2025_02_14/z6315470007197-e60daf115a8c0d50e8e0dd942749ae17-5554-9397.jpg)
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An trong một tiết học STEM. Ảnh: NTCC.
Chia sẻ về thành tích của học trò nhà trường, cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An bày tỏ: “Tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi chứng kiến học sinh của mình gặt hái những tấm huy chương và giải thưởng như vậy. Là người trực tiếp dẫn đoàn đi tham dự Cuộc thi Công nghệ trẻ châu Á năm 2025, tôi đã thực sự vỡ òa cảm xúc tại buổi lễ trao giải. Thành tích này không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn là động lực mạnh mẽ để học sinh nhà trường tiếp tục theo đuổi đam mê về công nghệ cũng như chương trình STEM.
Đồng thời, kết quả cuộc thi đã góp phần xây dựng thương hiệu của Trường Tiểu học Tràng An - một trong ba trường tiểu học chất lượng cao tại Thành phố Hà Nội. Thành tích này cho thấy những nỗ lực giảng dạy và phát triển chương trình học nâng cao của nhà trường đã được đền đáp xứng đáng”.
![Nhóm học sinh Trường Tiểu học Tràng An và bạn bè quốc tế tham dự cuộc thi. Ảnh: NTCC Nhóm học sinh Trường Tiểu học Tràng An và bạn bè quốc tế tham dự cuộc thi. Ảnh: NTCC](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/wchuoab/2025_02_14/z6315469319208-7c28ddb3965cdafafb4c21cade337419-1163-1640.jpg)
Nhóm học sinh Trường Tiểu học Tràng An và bạn bè quốc tế tham dự cuộc thi. Ảnh: NTCC
Nữ Hiệu trưởng cũng cho biết thêm: “Việc giáo dục STEM từ bậc tiểu học là vô cùng cần thiết. Đối với lứa tuổi này, việc xây dựng một nền móng vững chắc là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển nhân cách cũng như khả năng tư duy. Khi được đào tạo bài bản từ sớm, học sinh sẽ được rèn luyện tư duy, từ đó sẽ đạt thành tích cao ở các môn học khác. Đây chính là bước đệm quan trọng giúp các em trở thành những công dân số toàn diện trong tương lai.
Nhà trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng chương trình học nâng cao, đặc biệt là chương trình STEM. Chúng tôi có một phòng học chuyên dụng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để phục vụ môn học. Chương trình giáo dục STEM được tích hợp từ lớp 1 cho đến lớp 5, với nội dung được lựa chọn phù hợp theo từng khối lớp. Từ việc học các kiến thức cơ bản đến các nội dung chuyên sâu như lập trình, sáng chế.
Tuy nhiên, xây dựng lộ trình giảng dạy STEM phù hợp cũng gặp không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất chính là về trình độ chuyên môn của giáo viên để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy hiện đại, cũng như việc giúp phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện cho con em mình. Nhiều phụ huynh vẫn chỉ chú trọng đến các môn học truyền thống như Toán, Tiếng Việt hay Tiếng Anh, mà chưa thực sự hiểu rằng giáo dục STEM cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển tư duy và kỹ năng thực tiễn của học sinh.
Tôi tin rằng, sau thành tích ấn tượng của các em tại cuộc thi lần này, các bậc phụ huynh sẽ dần nhìn nhận và đồng hành cùng nhà trường trong việc nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá của các em”.