Quy định mới về dạy thêm là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của học sinh

15/02/2025 07:42
Thanh Thúy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thông tư 29 là một bước tiến đáng kể trong việc siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, quy định mới về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực từ 14/2.

Quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường nêu rõ hoạt động dạy thêm trong nhà trường không thu tiền và có 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường gồm: “Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Cùng với đó, tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường song phải báo cáo với hiệu trưởng. Đồng thời, giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thông tư này đã thu hút sự quan tâm của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là lãnh đạo các trường phổ thông. Nhiều trường đã quán triệt đến giáo viên, phụ huynh và học sinh để thực hiện đúng theo Thông tư 29, tránh xảy ra tình trạng vi phạm.

gdvn-thihsgioitphcm-6401 (1).jpg
Ảnh minh họa: V.D

Triển khai tới toàn thể giáo viên, phụ huynh học sinh nghiêm túc thực hiện Thông tư 29

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Minh Đông, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Châu Thành (Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) chia sẻ, việc quản lý và giám sát đội ngũ giáo viên về tổ chức học thêm, dạy thêm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện một cách nghiêm ngặt và liên tục. Nhà trường đã tuyên truyền, yêu cầu giáo viên thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 29.

Với học sinh cuối cấp, trường đã có kế hoạch ôn tập cho các em. Nhà trường sẽ tăng cường việc truyền thụ kiến thức cho học sinh trong các buổi dạy chính khóa, trong một tiết dạy cụ thể, giáo viên phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết của bài học...

Đồng thời, học sinh phải tự giác hơn, nâng khả năng chủ động trong học tập. Các thầy cô giáo cũng cần điều chỉnh phương pháp và cách thức hướng dẫn học sinh sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cùng bàn về vấn đề này, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm với những điều khoản cụ thể, rõ ràng là một bước tiến đáng kể trong việc siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, đặc biệt là việc không dạy thêm đối với học sinh tiểu học và không cho phép dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khóa.

Việc không cho phép dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khóa sẽ hạn chế tình trạng chạy đua điểm số, giúp giáo viên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới hiệu quả hơn.

Để thực hiện Thông tư 29 có hiệu quả, nhà trường đã tổ chức triển khai tới toàn thể giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh hiểu rõ, thực hiện nghiêm túc theo đúng Thông tư.

Ngoài ra, trường cũng xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe.

Đồng thời, trường đã dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm đối với học sinh khối 10 và 11. Với khối 12 trường thực hiện ôn tập theo đúng quy định và không thu phí của học sinh.

Về kinh phí, nhà trường trích một phần từ nguồn ngân sách tiết kiệm chi để chi trả, bồi dưỡng và động viên tinh thần cho giáo viên. Do kinh phí còn hạn chế nên rất cần có hướng dẫn chi tiết hơn về hỗ trợ nguồn lực.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, lộ trình thực hiện quy định về dạy thêm học thêm khá gấp rút, với học sinh cuối cấp, khi áp dụng quy định mới việc học sẽ có những xáo trộn nhất định. Tuy nhiên, nhà trường sẽ không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường ảnh hưởng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.

Nhà trường sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn tích cực đổi mới phương pháp tổ chức và giảng dạy trong các tiết học chính khóa. Điều chỉnh phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo quy định của thông tư mới, mỗi tiết học 45 phút là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, giáo viên cần tận dụng tối đa để truyền đạt đầy đủ kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên bộ môn cần đóng vai trò như một “người dẫn đường”, tăng cường hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập phù hợp, khuyến khích học sinh chủ động tự học, tự đọc, tự nghiên cứu. Đồng thời, cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh, qua đó giúp các em phát huy phẩm chất và năng lực theo đúng định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Với học sinh, để nâng cao kiến thức, học sinh cần chủ động tìm hiểu sâu hơn, tích cực tự đọc, tự nghiên cứu, đồng thời tăng cường thảo luận nhóm và tận dụng công nghệ thông tin để trao đổi với thầy cô, bạn bè về những vấn đề chưa rõ, còn thắc mắc.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai
Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Những quy định tại Thông tư 29 là cần thiết

Đồng tình với các quy định mới trong Thông tư 29, thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ, những quy định tại Thông tư 29 là cần thiết và phù hợp với thực tiễn giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Theo đó, nhà trường quán triệt giáo viên tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, có những biện pháp giảng dạy hiệu quả hơn, tận dụng triệt để 45 phút mỗi tiết học để truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức.

Giáo viên sẽ cụ thể hóa những kiến thức trọng tâm, đặt ra các yêu cầu cần đạt để học sinh có lộ trình học tập rõ ràng, giúp các em tự chủ hơn trong việc học. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá nhằm theo dõi và nắm bắt khả năng tiếp thu của từng em.

Ngoài ra, các tổ, nhóm bộ môn trong trường đã họp bàn để xây dựng kế hoạch giảng dạy khoa học hơn, hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, tự nghiên cứu một cách có hệ thống.

Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy. Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không cần phụ thuộc vào việc học thêm mà vẫn đạt kết quả tốt.

Còn theo thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát ( Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, ban giám hiệu đã họp với toàn bộ giáo viên trong trường, phổ biến rõ về quy định mới, đồng thời thống nhất mở các lớp bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp có nhu cầu, nhưng không được thu phí.

Nhà trường vận động giáo viên tất cả vì học sinh, có trách nhiệm với chất lượng học tập, ôn tập của các em trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới. Chúng tôi lấy ý kiến dân chủ để giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp.

Trên tinh thần tự nguyện, đa phần thầy cô đều sẵn sàng, trước đó một số giáo viên đã tự có ý kiến với lãnh đạo nhà trường, mong muốn được tiếp tục dạy học sinh không thu tiền, đề nghị nhà trường hỗ trợ về cơ sở vật chất".

Tuy nhiên, theo thầy Thuận, việc vận động giáo viên dạy miễn phí như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách, về lâu dài vẫn cần sự hướng dẫn cụ thể cũng như có nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động dạy thêm tại nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://daibieunhandan.vn/bo-gd-dt-tuyet-doi-khong-de-viec-ngung-day-them-ma-buong-long-viec-ho-tro-hoc-sinh-cuoi-cap-on-thi-post404089.html

Thanh Thúy