Nhiều địa phương dù thiếu giáo viên nhưng vẫn không đặt hàng đào tạo theo NĐ 116

15/02/2025 06:27
Thảo Trâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo Sở GDĐT, trường đại học cần quy định chặt chẽ hơn vấn đề cam kết làm việc của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp để thực hiện Nghị định 116 hiệu quả.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Nhiều địa phương không mặn mà trong đặt hàng đào tạo giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nghị định 116/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đội ngũ giáo viên.

Đồng thời, nghị định này cũng góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong quá trình phát triển đất nước; kỳ vọng thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, cũng như giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên”.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý là nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên vì lo ngại sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không về địa phương công tác.

Trước thực tế này, theo ông Hóa, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 cần nghiên cứu xem xét phương án giao chỉ tiêu, kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm theo điều kiện, năng lực của cơ sở đào tạo và nhu cầu thực tế của các địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thực hiện đặt hàng và cần có một gói tài chính riêng cho nhiệm vụ đào tạo đội ngũ này. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ đăng ký tuyển dụng viên chức, nếu trúng tuyển vào công tác tại cơ sở giáo dục của địa phương nào thì địa phương đó sẽ thanh toán kinh phí cho cơ sở đào tạo”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: “Việc các địa phương băn khoăn với vấn đề cấp kinh phí cho sinh viên học sư phạm nhưng sau khi tốt nghiệp, sinh viên lại không trở về địa phương làm việc là có.

Nhưng không có quy định nào bắt buộc sinh viên trong trường hợp này phải làm việc tại địa phương; công tác tuyển dụng giáo viên tại địa phương phải đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Vì vậy, các em có nguyện vọng và năng lực tốt có thể chọn công tác tại các địa phương có điều kiện tốt hơn, đặc biệt là các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,…".

anh Thức TH.jpg
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)

Ông Thức cũng đề xuất thêm, nhu cầu giáo viên của các địa phương trong trung hạn và dài hạn cần được rà soát kỹ, tổng hợp chính xác. Từ đó, dành nguồn ngân sách trung ương để giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện theo lộ trình.

Mặt khác, để huy động nguồn lực xã hội và giải quyết nhanh hơn bài toán thiếu giáo viên, nên giao một tỷ lệ nhất định cho các cơ sở giáo dục tuyển sinh và tổ chức đào tạo giáo viên không sử dụng ngân sách nhà nước.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, vấn đề xác định nhu cầu đào tạo giáo viên gắn với xác định chỉ tiêu và giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên cho các cơ sở giáo dục đang thực hiện riêng biệt giữa trung ương và địa phương. Từ đó dẫn đến việc phân bổ kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm từ trung ương cho các địa phương còn hạn chế.

“Qua 4 năm thực hiện Nghị định 116, dù đã có báo cáo, đề xuất nhưng địa phương chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương. Các kinh phí địa phương đã giao chỉ tiêu thì địa phương phải lo hoàn toàn.

Song song với đó, chỉ có một số tỉnh, thành phố dành ngân sách để giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, trong khi còn rất nhiều tỉnh, thành phố dù thiếu giáo viên vẫn không thực hiện việc này.

Như tỉnh Thanh Hoá dành trên 500 tỷ đồng để đào tạo hơn 3.400 giáo viên, những sinh viên sau khi tốt nghiệp không bắt buộc phải công tác tại địa phương, dẫn đến có tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những bất cập còn tồn tại trên khiến nhiều địa phương không mặn mà trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên”.

Còn theo ông Huỳnh Văn Hóa, việc đặt hàng đào tạo giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được triển khai mạnh mẽ do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất: Việc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm được chi trả kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp có thể không trúng tuyển vào công tác trong ngành giáo dục của địa phương; Việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí địa phương nào thì chỉ dùng để đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.

Như vậy sẽ dễ xảy ra tình trạng tỉnh đặt hàng đào tạo nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp không về công tác tại địa phương, trong khi ngân sách địa phương hàng năm phải chi trả số tiền này khá lớn.

Một lý do khác là quy định sinh viên sư phạm không công tác trong ngành phải bồi hoàn chi phí học tập và sinh hoạt nhưng chưa có cơ chế hướng dẫn cụ thể, khiến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn trong thực tế.

Đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị định 116

Từ những bất cập trong thực tế khi triển khai Nghị định 116, ông Huỳnh Văn Hóa đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP về nội dung sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tại trường. Ông Hóa cho rằng nên điều chỉnh, bổ sung các điều kiện để nhận hỗ trợ như yêu cầu về học lực, hạnh kiểm của sinh viên nhằm đảm bảo sự công bằng và đảm bảo chất lượng giáo viên sau này.

Ngoài ra, Điều 3 của nghị định liên quan đến quy định về việc đặt hàng đào tạo cũng cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo".

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho rằng, việc đặt hàng đào tạo giáo viên cần phải dựa trên nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng giáo viên, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với đặc thù văn hóa của từng địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu này không phải là một con số cố định mà luôn biến động theo quy luật của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh thời gian đào tạo sư phạm kéo dài 4 năm, khác với việc đặt hàng sinh viên năm cuối.

Ngoài ra, do sản phẩm của ngành sư phạm là con người, nên việc đảm bảo thực hiện cam kết sau đào tạo gặp nhiều thách thức, chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý của người học sau khi tốt nghiệp và cả đơn vị tuyển dụng. Điều này khiến cho việc ràng buộc trách nhiệm giữa các bên trong quá trình đặt hàng đào tạo trở nên phức tạp hơn so với các ngành nghề khác.

Do đó, thầy Đức cho rằng: "Các trường đại học nên tập trung toàn diện vào công tác đào tạo sinh viên sư phạm, đảm bảo chương trình giảng dạy đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng sư phạm cũng như phẩm chất nghề nghiệp của người học. Cùng với đó, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan như sở tài chính, sở giáo dục và đào tạo địa phương nhằm xác nhận việc học của sinh viên trong suốt quá trình đào tạo.

Sau khi sinh viên hoàn thành chương trình và tốt nghiệp, sở giáo dục và đào tạo sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn các em thực hiện đúng cam kết đã đặt ra trong quá trình đào tạo. Điều này cần bao gồm việc sắp xếp công tác, đảm bảo sinh viên được phân bổ công việc phù hợp với ngành nghề đã học, đồng thời theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ giảng dạy theo quy định của Nhà nước".

gdvn-ts-le-anh-duc-6016.png
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Nỗ lực thu hút sinh viên sư phạm và phát triển đội ngũ giáo viên

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Qua 4 năm thực hiện Nghị định 116, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho hai trường đại học thuộc tỉnh (Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá) với số lượng 3.465 chỉ tiêu.

Việc tuyển sinh, đào tạo giáo viên của hai trường đại học này đang thu hút được đông đảo các thí sinh có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao đăng ký xét tuyển.

Có thể nói, chính sách ưu việt của Nghị định 116 đang là sức hút đối thí sinh có kết quả học tập tốt theo học các ngành sư phạm. Qua đó, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ có thêm những nhà giáo có phẩm chất, năng lực tốt đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ nhà giáo trong thời kỳ mới.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội tại tỉnh Thanh Hóa, cùng với chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp cũng như các bậc phụ huynh đối với việc học tập và rèn luyện của học sinh, tỉnh đã tạo dựng được niềm tin đối với sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, khuyến khích họ ứng tuyển vào ngành giáo dục của địa phương".

f3415f079b6b25357c7a.jpg
Sinh viên sư phạm Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, với việc giao nhiệm vụ đào tạo 3.465 giáo viên cho các cơ sở đào tạo trong tỉnh, cùng với số sinh viên học ngoài tỉnh sở hi vọng sẽ góp phần lớn vào việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương trong thời gian tới.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Hoá thông tin: “Lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành sư phạm.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều nghị quyết như: Nghị quyết 181/2018/NQ-HĐND quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Kiên Giang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ tiền thưởng, tiền thù lao cho chuyên gia, giảng viên, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,....

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục chú trọng vào việc tạo động lực để sinh viên học tập và đóng góp cho ngành giáo dục của tỉnh với kỳ vọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Thảo Trâm