Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 12 năm 2024, quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc một số điểm mới đáng chú ý. Thông tư chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2025.
Được biết, so với thông tư năm 2017, thông tư này đã bỏ đi tiêu chí quản lý tài chính, tiêu chí về số lượng bài nghiên cứu khoa học, sáng kiến công nghệ; bổ sung thêm tiêu chí về chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cùng nhiều điểm mới đáng chú ý khác.
Một số điểm mới mang lại thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Quang Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang bày tỏ, Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH đưa ra các quy định theo hướng tiếp cận việc bảo đảm chất lượng để quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo hướng đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, các tiêu chuẩn đánh giá trong Thông tư có sự thay đổi từ cách tiếp cận dựa trên quy tắc (rule based) chuyển sang tiếp cận dựa trên nguyên lý (principle-based) nên việc đánh giá mang tính định tính nhiều hơn.
Đặc biệt, các tiêu chuẩn đánh giá lần này không nhắc lại những nội dung đã quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác nên việc giảm tiêu chí, tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chí “quản lý tài chính” là phù hợp.
![Trường Cao đẳng Tiền Giang (Ảnh: Website nhà trường). 475904989_1076390867621491_8432391315179995547_n.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ywfrd/2025_02_13/475904989-1076390867621491-8432391315179995547-n-9803-22.jpg)
Mặt khác, về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, quy định mới cũng bỏ tiêu chí “Mục tiêu, quản lý tài chính” và thay thế bằng tiêu chí “ Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”.
Thầy Khải cho rằng, việc bổ sung thêm tiêu chí về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là cơ sở để xây dựng chương trình, thiết kế nội dung cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo sao cho có kết quả như đã cam kết với xã hội và người học.
Thời gian qua, Trường Cao đẳng Tiền Giang đã xây dựng, ban hành và công bố công khai chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của 24 ngành nghề mà sinh viên đang theo học. Có thể nói, việc công bố công khai này chính là một cam kết với xã hội và người học của Trường Cao đẳng Tiền Giang, theo đúng phương châm “chuẩn mực, chất lượng, hiệu quả” trong đào tạo.
Thầy Khải thông tin thêm, thông tư mới không còn quy định số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm mà chỉ yêu cầu hàng năm cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến từ cấp trường trở lên, ...
Sự thay đổi này là phù hợp với cách tiếp cận tiêu chí, tiêu chuẩn chung của Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH cũng như cách đánh giá điểm cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 2 điểm, tiêu chuẩn không đạt là 0 điểm (Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn trong 3 năm, gồm 2 năm trước đánh giá và năm đánh giá, khác với quy định cũ tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 1 năm tính đến thời điểm đánh giá).
Tóm lại, với các tiêu chí, tiêu chuẩn của Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH, thầy Khải mong muốn việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đi vào các vấn đề chuyên môn, thực chất chứ không chỉ là những vấn đề hành chính, quy trình. Từ đó, giúp cho kiểm định chất lượng là một trong những công cụ buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có biện pháp duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể
Cùng bàn về Thạc sỹ Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho hay, thông tư mới ra đời nhằm nâng cao vấn đề giải trình về chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời mang tính đánh giá về định lượng giáo dục nhiều hơn, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế.
Trong xu thế tự chủ như hiện nay, việc bỏ tiêu chí quản lý tài chính là cơ hội của các trường linh động hơn trong mục tiêu phát triển của mình. Đơn cử như Nhà trường đang tự chủ khoảng 60%, lộ trình tiến tới tự chủ 100%.
Hơn nữa, giống với Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, nhiều cơ sở đào tạo là trường cao đẳng công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nên việc kiểm tra tài chính vốn là công tác bắt buộc. Công tác này thuộc trách nhiệm của sở tài chính, ủy ban nhân dân tỉnh, nên hàng năm nhà trường vẫn phải thực hiện kiểm tra, báo cáo tài chính,…
![Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận). unnamed-_2_ (1).png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ywfrd/2025_02_13/unnamed-2-1-4552-4042.png)
Mặt khác, việc bổ sung thêm tiêu chí về chuẩn đầu ra đối với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là rất cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo, minh bạch về khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà người học cần đạt được.
Việc làm này cũng đảm bảo tính công khai với người học, xã hội, và cả đơn vị sử dụng lao động, là thước đo để đánh giá cụ thể hơn chất lượng chương trình đào tạo của từng trường.
Thông qua chuẩn đầu ra, đơn vị sử dụng lao động có thể biết được những năng lực về kiến thức kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề của người học cả sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, có chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cũng là cơ sở để nhà trường xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Nhờ vậy, giúp tăng cường gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Đối với việc quy định số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm trong tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thầy Quốc cho rằng, là một cơ sở đào tạo, việc nghiên cứu khoa học là tất nhiên. Từ trước đến nay, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận vẫn luôn khuyến khích người lao động, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến. Nhiều năm liền, cán bộ giảng viên Nhà trường đã đạt được các giải thưởng Hội thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh, tích cực tham gia đề tài nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, nếu đưa vấn đề phải có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học thành quy định cứng trong kiểm định chất lượng là khó khăn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi, khác với trường đại học, các trường cao đẳng tập trung hơn vào đào tạo kỹ năng thay vì nghiên cứu những cái mới. Chính vì vậy, việc bỏ quy định này trong thông tư mới là điểm tốt cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Cũng theo thầy Quốc, mặc dù thông tư đã cụ thể nhưng cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các trường dễ dàng thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, nên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên về đảm bảo chất lượng tại các nhà trường.
Trong khi đó, theo Thạc sỹ Huỳnh Ngọc Hợi – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông (Quảng Nam), cơ sở vật chất và trang thiết bị là một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, nguồn tài chính giữa các đơn vị ngoài công lập và công lập là khác nhau.
Vậy nên, việc bỏ tiêu chí về quản lý tài chính có thể gây ra sự lo ngại về tính công bằng, minh bạch trong tài chính giữa các trường công lập và trường ngoài công lập. Do đó, chúng ta nên có những quy định kiểm soát vấn đề này để ngân sách đầu tư bị thất thoát vô lý.
Thầy Hợi cũng cho rằng, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là điều kiện cần và đủ, thể hiện sự cam kết cho người học của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc bây giờ mới đưa ra tiêu chuẩn về chuẩn đào tạo có phần hơi muộn so với một số nước trong khu vực. Hơn nữa, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ở nhiều cơ sở hiện nay vẫn chưa có sự chi tiết, đồng bộ.
Đồng thời, việc bỏ tiêu chí quy định về số lượng bài nghiên cứu khoa học cũng là phù hợp với thực tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo thầy Hợi, chúng ta vẫn khuyến khích các cá nhân trong nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học nhưng không nên là tiêu chí bắt buộc để kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.