Học ngành Dược học, sinh viên tốt nghiệp không lo về việc làm

15/02/2025 06:21
An Vy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Dược học không chỉ gói gọn trong việc “bán thuốc” mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực quan trọng trong y tế và dược phẩm.

Ngành Dược học là một lĩnh vực thuộc hệ thống y tế, chuyên nghiên cứu về thuốc và các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. Ngành này không chỉ tập trung vào việc phát triển và sản xuất dược phẩm, mà còn hướng đến việc đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý.

Chính nhu cầu về nhân lực cao trong ngành Dược học đã mở ra nhiều cơ hội việc làm đa dạng cho cử nhân, kèm theo mức lương khởi điểm hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt.

Lý thuyết luôn song song với thực hành

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa cho biết, chương trình đào tạo tại trường được thiết kế theo hướng tích hợp, chú trọng cả kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Dược học được xây dựng với mục tiêu đáp ứng các chuẩn đầu ra theo yêu cầu của Bộ Y tế (theo Quy định về chuẩn năng lực của dược sĩ ban hành năm 2019). Chương trình này không chỉ chú trọng vào kiến thức chuyên môn mà còn đảm bảo phát triển đầy đủ các kỹ năng thực hành cần thiết, giúp sinh viên nắm vững các kiến thức lý thuyết kết hợp với kinh nghiệm thực tế.

Các học phần trong chương trình được thiết kế gắn liền với các hoạt động thực hành tại nhiều cơ sở y tế khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trực tiếp trải nghiệm công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, chương trình còn được làm phong phú thêm với các hoạt động ngoại khóa, giúp sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, và làm việc nhóm.

“Ở những năm cuối, sinh viên sẽ được lựa chọn 1 trong 2 định hướng chính theo cách tiếp cận hội nhập quốc tế bao gồm: Định hướng thực hành dược và định hướng khoa học dược.

Trong đó, định hướng thực hành dược sẽ mang lại cho sinh viên những hành trang cần thiết để làm việc trong các lĩnh vực quản lý, cung ứng và sử dụng thuốc tại bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược.

Còn định hướng khoa học dược tập trung nhiều hơn vào các năng lực nghiên cứu, sản xuất, đảm bảo chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc, phù hợp với các sinh viên có nhu cầu làm việc tại cơ sở sản xuất, nghiên cứu, kiểm nghiệm, các doanh nghiệp dược”, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa cho hay.

pgs.ts nguyen van hung.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa. (Ảnh: Website nhà trường)

Bên cạnh đó, việc bố trí thời gian để tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên là một trong những nội dung gặp nhiều thách thức, tuy nhiên, nhà trường rất chú trọng cải thiện vấn đề này. Kể từ khoá tuyển sinh năm 2024, sinh viên sẽ được trải nghiệm nghề nghiệp, thực tập thực hành tại các cơ sở nghề nghiệp ngay từ những năm đầu tiên và xuyên suốt trong toàn quá trình học tập.

Theo thầy Hùng, trong năm 2024, việc đưa Bệnh viện Đại học Phenikaa vào hoạt động đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo của khoa Dược. Tại đây, các giảng viên của khoa không chỉ đảm nhiệm vai trò giảng dạy mà còn trực tiếp phụ trách các lĩnh vực chuyên môn chính của khoa Dược tại bệnh viện.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, học viên được thực tập trong môi trường thực tế chất lượng cao, giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn và tăng cường khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo và định hướng ngành Dược học phù hợp với nhu cầu thực tiễn, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, hiện nay khoa Dược của nhà trường sở hữu đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên môn vững vàng với 49 thành viên, trong đó hơn 68% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Đặc biệt, nhiều giảng viên của khoa là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quan trọng của ngành Dược như dược lý, dược lâm sàng và tổ chức quản lý dược.

Ngoài ra, khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa tự hào khi có sự tham gia của các giảng viên trẻ, những dược sĩ xuất sắc đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển, Pháp và Hoa Kỳ. Một số thầy cô đã được vinh danh với các giải thưởng danh giá như Quả Cầu Vàng về Khoa học Công nghệ 2022 và Nhân tài Đất Việt 2023.

K_Duoc_02633.jpg
Sinh viên khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành. (Ảnh: NTCC)

“Sự phát triển mạnh mẽ của khối khoa học sức khỏe, bao gồm y khoa, điều dưỡng và các ngành liên quan, không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chuyên môn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên không ngừng nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức mới và đẩy mạnh sự phối hợp đa ngành.

Điều này giúp xây dựng một môi trường học thuật năng động, nơi giảng viên và sinh viên có thể cùng nhau nghiên cứu, trao đổi và ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Đặc biệt, mô hình gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành dược tại Bệnh viện Đại học Phenikaa trở thành một điểm sáng nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Không chỉ giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn một cách sâu sát, mô hình này còn tạo điều kiện để các em rèn luyện kỹ năng chuyên môn ngay từ khi còn trên giảng đường, làm quen với quy trình làm việc thực tế tại bệnh viện và phát triển tư duy lâm sàng.

Nhờ đó, sinh viên tốt nghiệp không chỉ vững vàng về kiến thức mà còn thành thạo kỹ năng thực hành, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của ngành Dược và hệ thống y tế hiện đại. Đây chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần “học đi đôi với hành” mà khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa luôn đề cao”, thầy Hùng nhận định.

Cánh cửa nghề nghiệp rộng mở với nhiều cơ hội hấp dẫn trong và ngoài nước

Theo báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2023, ngành Dược học của Trường Đại học Phenikaa có 95,54% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi.

Chia sẻ về tiềm năng nghề nghiệp của ngành Dược học, thầy Hùng cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành này có nhiều cơ hội lựa chọn công việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, từ bệnh viện, cơ sở y tế công và tư, đến các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối dược phẩm, nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ngoài dược phẩm, lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng đang phát triển mạnh, mở ra nhiều hướng đi đa dạng và hấp dẫn.

Đối với sinh viên theo đuổi định hướng thực hành dược, cơ hội việc làm rộng mở tại các vị trí như dược sĩ lâm sàng, chuyên viên chăm sóc dược, cán bộ quản lý y tế, bảo hiểm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, họ có thể đảm nhiệm vai trò quản lý cung ứng và sử dụng thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, góp phần tối ưu hóa hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Với những sinh viên yêu thích nghiên cứu và phát triển, định hướng khoa học dược là một lựa chọn lý tưởng. Các vị trí việc làm phù hợp bao gồm làm việc tại viện hoặc trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm… Những lĩnh vực này không ngừng đổi mới, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao có nền tảng kiến thức vững chắc và tư duy sáng tạo.

sv duoc phenikaa.jpg
Ảnh nguồn: NTCC

Để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, ngoài nền tảng kiến thức toàn diện về khoa học y sinh, dược học, sinh viên cần trang bị thêm các kỹ năng quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Chính sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và tinh thần trách nhiệm cao sẽ giúp các dược sĩ tương lai khẳng định vị thế và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Dược học.

Chị Lê Uyên Chi – cựu sinh viên Trường Đại học Phenikaa, hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam chia sẻ về lí do lựa chọn theo học ngành Dược học chỉ đơn giản vì mong muốn có thể tự chủ thu nhập bằng cách mở nhà thuốc sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình học tập tại Trường Đại học Phenikaa, nhờ sự tận tình của các thầy cô giáo cùng những cơ hội trải nghiệm thực tế và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Dược học, chị dần cảm thấy yêu quý và trân trọng ngành nghề này hơn. Chính những trải nghiệm đó đã giúp chị định hướng lại con đường sự nghiệp và tìm được công việc yêu thích như hiện tại.

“Khi nhận được công việc là chuyên viên nghiên cứu, phần lớn các kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực hành mà tôi được dạy tại trường đều đóng vai trò nền móng và then chốt cho các đầu mục công việc được giao, bám rất sát với thực tế. Vì thế, ngoài các lớp trải nghiệm ngoại khóa, kỹ năng mềm khác, đơn vị sử dụng lao động không phải đào tạo lại kỹ năng chuyên môn cho tôi.

Trong suốt thời gian theo học, hai trong số các kỹ năng thiết yếu và quan trọng nhất mà tôi được chỉ dẫn chính là kỹ năng tự học và tra cứu tài liệu khoa học. Ngoài ra, những kiến thức lý thuyết mà nhà trường cung cấp cho sinh viên rất chi tiết, phù hợp với thị trường lao động thực tế và lĩnh vực nghiên cứu học thuật.

Ở thời điểm hiện tại, ngành Dược học vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe nhân loại. Cơ hội làm việc của ngành này hiện khá phong phú, đặc biệt ở các mảng sản xuất, nghiên cứu hay mới đây nhất là mảng dược lâm sàng tại các bệnh viện đang được đầu tư, tuyển dụng nhiều tại các bệnh viện lớn ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh”, chị Lê Uyên Chi tâm sự.

Còn đối với chị Nguyễn Khánh Linh - tốt nghiệp thủ khoa năm 2022, hiện là nghiên cứu sinh Dược lý và Dược lâm sàng tại Trường Đại học Phenikaa cho biết, ngành Dược học luôn là một trong những ngành học có nhu cầu nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng việc làm của ngành Dược học đang ngày càng mở rộng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dược phẩm, dược liệu thiên nhiên và y dược học cá thể hóa. Đặc biệt, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài đang rót vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp với thu nhập cao cho dược sĩ có chuyên môn tốt và ngoại ngữ giỏi. Mức lương của dược sĩ sẽ có sự chênh lệch tùy theo vị trí công việc, kinh nghiệm, nơi làm việc (bệnh viện, nhà thuốc, công ty dược…) và khả năng chuyên môn.

Khanh Linh 2 (1).jpg
Chị Nguyễn Khánh Linh - Nghiên cứu sinh Dược lý và Dược lâm sàng tại Trường Đại học Phenikaa. (Ảnh: NVCC)

Theo chị Nguyễn Khánh Linh, nhờ chương trình đào tạo sát thực tế và giàu tính ứng dụng, khi bắt đầu công việc, chị chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen với quy trình nội bộ của công ty. Những kỹ năng cốt lõi như nghiên cứu và phát triển thuốc, kiểm nghiệm chất lượng, tư vấn dược lâm sàng… đã được đào tạo bài bản tại trường, giúp chị nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Nhờ đó, chị có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động và được đánh giá cao ngay từ những ngày đầu đi làm.

Chia sẻ về khoảng thời gian học tập tại trường, chị Nguyễn Khánh Linh cho hay: “Chương trình đào tạo ngành Dược học tại Trường Đại học Phenikaa nói riêng hay tại các cơ sở giáo dục đại học khác nói chung hầu hết đều sở hữu một khối lượng kiến thức khổng lồ, nếu không có chiến lược học tập và phân bổ thời gian hợp lý, sinh viên rất dễ bị quá tải khi theo học.

Một chiến lược học tập hiệu quả chính là luôn tìm cách hiểu bản chất của vấn đề. Sinh viên có thể sử dụng sơ đồ tư duy, liên hệ kiến thức với thực tế và ôn tập theo phương pháp lặp lại sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, các bạn sinh viên ngành Dược học cũng cần tận dụng tối đa các buổi thực hành. Việc trực tiếp thực hành sẽ giúp nhớ kiến thức dễ dàng hơn thay vì chỉ học trên lý thuyết.

Đồng thời, để đảm bảo cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Dược học không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải trang bị nhiều kỹ năng quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ và công nghệ.

Nếu có thể rèn luyện tốt những kỹ năng này ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh và dễ dàng đạt được thành công trong lĩnh vực này. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin rằng sinh viên ngành Dược học hoàn toàn có thể bước ra thị trường lao động với sự tự tin và sẵn sàng đón nhận những cơ hội lớn”.

An Vy