Tiến sĩ Hướng Xuân Nguyên trăn trở về nguồn lực cho NCKH về thể dục thể thao

26/03/2024 06:20
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thầy Nguyên chia sẻ, hiện chất lượng, số lượng công trình NCKH lĩnh vực thể dục thể thao còn ít, chưa đáp ứng thực tế chuyển giao trong thể thao thành tích cao.

Tiến sĩ Hướng Xuân Nguyên (sinh năm 1971) hiện đang là giảng viên chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội.

Thầy giáo trưởng thành từ mái trường sư phạm thể dục thể thao

Chia sẻ về quá trình công tác, thầy Nguyên cho biết, năm 1990, thầy thi vào đỗ vào Trường Đại học Thể dục thể thao I (nay là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh).

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Nguyên làm giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1 (nay là Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội).

Từ năm 1995 đến năm 1999, thầy Nguyên được cử đi học thạc sĩ tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.

Từ năm 2011 đến năm 2015, thầy Nguyên tiếp tục đi học tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Trung – Hồ Bắc – Trung Quốc.

Năm 2015, trở về Việt Nam, thầy Nguyên làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Đến năm 2018, thầy Nguyên là Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Đến nay, thầy Nguyên đã có gần 30 năm công tác tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội.

Nhìn lại chặng đường học tập và công tác, thầy Nguyên bày tỏ: “Đó là chặng đường mà mỗi khi nhìn lại tôi đều cảm thấy xúc động, rất tự hào, hạnh phúc và biết ơn khi được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo trong môi trường đặc thù sư phạm thể dục thể thao.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mang trong mình một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thế nhưng, khi về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội (năm 1994), có lúc tôi cũng hơi băn khoăn trăn trở. Bởi, điều kiện giảng dạy, sinh hoạt lúc đó hạn chế, trường lại cách xa trung tâm thành phố, trường chưa có tường bao quanh,...

Thời kỳ kinh tế đất nước khi đó còn khó khăn, kinh tế gia đình chẳng dư giả nên tôi cũng hơi nhụt chí và nhiều lúc dự định chuyển công việc khác. Nhưng mỗi khi nghĩ về ngôi trường còn thiếu giảng viên môn Cầu lông, các sinh viên còn đang miệt mài tập luyện,... tôi như được tiếp thêm động lực để ở lại trường công tác, cống hiến lâu dài.

Một thời gian sau, tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, tôi được tạo điều kiện để giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Do đó, mặc dù thu nhập của “nghề dạy” thấp hơn nhiều so với một số ngành nghề khác, tôi vẫn quyết tâm chọn và gắn bó với tập thể nhà trường”.

Thầy Nguyên.jpg
Tiến sĩ Hướng Xuân Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Ảnh: NTCC

Trưởng thành từ giảng viên đến phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyên đánh giá, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội là trường đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất đầu tiên của cả nước (đến nay đã bước sang năm thứ 63), có bề dày truyền thống trong số các trường đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất. Chương trình đào tạo của trường luôn được cập nhật theo hướng hiện đại, đảm bảo tính liên thông, kế thừa cho người học từ trình độ đại học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2020, nhà trường được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Hiện nay, nhà trường cũng như các trường sư phạm đặc thù đang từng bước thực hiện tự chủ, trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo sư phạm thể dục thể thao mỗi năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường giảm; các nguồn thu khác của trường rất hạn hẹp; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo lâu năm cũng dần xuống cấp (các sân tập, nhà tập luyện thể dục thể thao xuống cấp,...). Nhà trường chưa đủ kinh phí cho việc sửa chữa, xây mới để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, việc chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ cũng khiến trường sư phạm thể dục thể thao gặp nhiều khó khăn”.

_Tiến sĩ Hướng Xuân Nguyên_

Cần tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu khoa học về thể dục thể thao

Không chỉ làm công tác giảng dạy, quản lý, thầy Nguyên còn tích cực làm nghiên cứu khoa học. Theo chia sẻ của thầy Nguyên, thầy chọn hướng nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn, kết hợp lý luận với thực tiễn về thể dục thể thao. Trong sự nghiệp nghiên cứu của bản thân, thầy Nguyên tâm đắc nhất với đề tài: “Giải pháp việc làm cho cử nhân Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Bởi, đề tài đã khẳng định được vị thế trong công tác đào tạo cử nhân của trường hiện tại và tương lai, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Lý giải nguyên nhân lựa chọn hướng nghiên cứu này, thầy Nguyên cho rằng, thông qua nghiên cứu lý luận, phân tích cơ sở khoa học và đánh giá thực tế công tác đào tạo của nhà trường, đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất và thể thao ở các trường, từ đó đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, tìm ra nguyên nhân, và đề xuất giải pháp việc làm phù hợp với cử nhân sư phạm thể dục thể thao trong thực tế nhà trường và đơn vị sử dụng lao động hiện nay.

“Với nghiên cứu về giải pháp việc làm cho cử nhân của trường, tôi mong muốn các bộ, ngành và toàn thể xã hội cần quan tâm hơn tới công tác đào tạo giáo viên thể dục thể thao. Tôi cũng hy vọng, công tác giáo dục đào tạo của nhà trường trong thời gian tới tiếp tục đổi mới, được đầu tư toàn diện, đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao, sinh viên ra trường có việc làm. Qua đó, giúp khẳng định vị thế, uy tín và chất lượng đào tạo của trường, góp phần nâng cao sức khỏe của con người Việt Nam”, thầy Nguyên bày tỏ.

Thầy Nguyên 2.jpg
Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội (thầy Nguyên đứng bên phải hình) tuyên dương và trao thưởng cho đội bóng đá nam vô địch Sinh viên Cup 2023 của trường. Ảnh: NTCC

Là một người rất tâm huyết, dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học, thầy Nguyên cho biết, cần phải hiểu, khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao là hệ thống tri thức chuyên ngành (lĩnh vực) văn hóa thể chất, về những quy luật phát triển khách quan của thể chất và phẩm chất con người. Hệ thống tri thức này được hình thành và phát triển trong quá trình phát triển của xã hội.

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng sự vật quy luật của văn hóa thể chất và các hoạt động liên quan; sáng tạo ra những giải pháp nhằm ứng dụng phát triển năng lực thể chất cao nhất của con người và thỏa mãn nhu cầu tinh thần, vật chất trong thực tiễn xã hội. Mục tiêu của nghiên cứu khoa học trong giáo dục thể chất nhằm điều khiển sự phát triển toàn diện thể chất và tinh thần của con người theo một định hướng giá trị có chủ động.

Chỉ ra việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao có những ưu điểm và hạn chế nào, theo quan điểm của thầy Nguyên, công tác nghiên cứu khoa học trong thể dục thể thao hiện nay đã và đang được lãnh đạo các cấp quan tâm và đầu tư một phần về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ nghiên cứu; các đề tài có tính khả thi cao thông qua việc được nghiệm thu và triển khai ứng dụng trong thực tế. Song, cần định hướng trong thời gian tới, ngành thể dục thể thao nên tập trung nghiên cứu vào các vấn đề như quản lý thể dục thể thao, y sinh học thể dục thể thao, dinh dưỡng trong thể dục thể thao, hồi phục trong thể dục thể thao, kinh tế thể dục thể thao, thể thao giải trí,… Cùng với đó, cần tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cho nghiên cứu khoa học lĩnh vực thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, theo thầy Nguyên, thể thao Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, bác sĩ thể dục thể thao,... Bên cạnh đó, việc cạnh tranh trong thi đấu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế cũng có khó khăn.

Trong nghiên cứu khoa học, chất lượng và số lượng công trình nghiên cứu lĩnh vực thể dục thể thao hiện còn ít, chưa đáp ứng được thực tế việc chuyển giao công nghệ trong thể thao thành tích cao cho các nhà trường, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao,… Chưa phát huy hết các mối quan hệ phối hợp trong nghiên cứu (cơ quan ứng dụng - các nhà trường, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao - các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ). Chưa đầu tư tập trung và thu hút, liên kết được đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao trong và ngoài nước.

Còn ít công trình nghiên cứu khoa học triển khai nghiên cứu trên diện rộng; chưa có nhiều cơ chế “mời gọi” sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhằm tiến hành các nghiên cứu liên ngành, đa ngành phục vụ cho sự phát triển lâu dài về chiều sâu của thể dục thể thao Việt Nam.

Gần 30 năm gắn bó với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về thể dục thể thao, thầy Nguyên có nhiều trăn trở, nhất là trong dịp ngày 27/3 – Ngày Thể thao Việt Nam. Tâm sự với phóng viên, thầy Nguyên nói:

“Ngày 27/3/1946, trong bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu Quốc, người kêu gọi “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”.

Tôi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, ngành thể dục thể thao vẫn luôn thực hiện theo lời của Bác. Còn đối với tôi, tôi luôn trăn trở về ngành thể dục thể thao nói chung và sự tồn tại của Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội nói riêng.

Không chỉ tôi, mà tất cả những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp thể dục thể thao, giáo dục thể chất và thể thao trường học mong muốn, là Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho ngành thể dục thể thao, cho nhà trường; quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động và các huấn luyện viên, vận động viên”, thầy Nguyên bày tỏ.

Thầy Nguyên 3.PNG
Thầy Nguyên tặng quà lưu niệm cho Ban tổ chức Tuần lễ giao lưu thể thao và văn hóa các trường đại học khu vực Đông Nam Á và Nam Á diễn ra tại Côn Minh – Trung Quốc. (Ảnh: NTCC)

Trong quá trình công tác và cống hiến vì sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, bản thân thầy Nguyên cùng tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đã có nhiều đóng góp chung vào hoạt động cộng đồng, được các cấp đánh giá và ghi nhận.

Gắn bó gần 30 năm với mái trường Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội từ những năm 1994 đến nay, với vị trí từ giảng viên đến lãnh đạo nhà trường, thầy Nguyên đạt nhiều thành tích, nhận được phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, nhà trường trao tặng. Trong đó, thầy Nguyên ấn tượng và tự hào nhất là năm 2023, thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác giáo dục, đào tạo từ các năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022. Với thầy Nguyên, đây là sự ghi nhận, là động lực vô cùng quan trọng để thầy tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đào tạo ngành thể dục thể thao nói riêng.

Nhân Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/2024), thầy Nguyên gửi lời chúc đặc biệt đến những thầy cô giáo trẻ đang làm công tác đào tạo ra những thế hệ giáo viên thể dục thể thao và nhân tố cho ngành thể thao của nước nhà. Nhân dịp này, thầy Nguyên cũng gửi lời chúc đến thầy cô, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn đồng hành cùng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, chung tay xây dựng, phát triển hơn nữa nền thể thao nước nhà.

Ngọc Mai