Thủ tướng chỉ đạo cần có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa

18/08/2023 20:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan đảm bảo chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 chiều ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa khi chúng ta đang tích cực triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, là dịp quan trọng để nhìn lại năm học vừa qua, nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được, những việc cần khắc phục, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, sát thực tiễn của các đại biểu dự Hội nghị với tinh thần trách nhiệm xây dựng cao, trí tuệ. Từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới cũng như định hướng cho phát triển giáo dục đào tạo thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục và đào tạo, Đảng và Nhà nước ta xác định, con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.

Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là nguồn động lực của sự nghiệp đổi mới. Phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cho sự nghiệp phát triển đất nước nhanh, bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực, phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách. Bác Hồ đã nói “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”, trong Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

Đại hội 13 của Đảng xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.

Nghị quyết 29 đã nêu rõ, phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quốc hội, Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng ban hành nhiều cơ chế chính sách, dành nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, đặc biệt ngành giáo dục đã nỗ lực rất lớn, tập trung cao, hành động quyết liệt, triển khai các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29 triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên.

Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 được tổ chức vào chiều ngày 18/8.

Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 được tổ chức vào chiều ngày 18/8.

Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhất là việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, ra sức phấn đấu để đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tự chủ đại học là chủ trương đúng, cần có tư duy, phương pháp luận phù hợp

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.

Nhấn mạnh về tự chủ đại học, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách đúng nhưng cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn chưa đúng.

“Chúng ta là một đất nước đang phát triển, phải đi từng bước, cách tiếp cận của chúng ta có những điểm chưa phù hợp. Chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng, một trường đại học được bao cấp mấy chục năm nay thì đâu thể ngay lập tức bắt phải tự chủ được, tiền thuê đất tính như doanh nghiệp thì rất khó.

Tự chủ đại học là chủ trương rất đúng, chúng ta cần phải nghiên cứu, quan trọng là tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn phù hợp, cần có phương pháp, cách làm, phải làm và phải nghiên cứu. Các trường đại học phải tích cực có đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện.

Về việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập; việc xây dựng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo.

Việc thiết kế môn học Lịch sử trong chương trình phổ thông còn ý kiến trái chiều; chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý.

Thủ tướng khẳng định, tự chủ đại học là một chủ trương đúng.

Thủ tướng khẳng định, tự chủ đại học là một chủ trương đúng.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học vẫn còn bất cập.

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Chất lượng đào tạo đại học tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những ngành nghề mới, lĩnh vực công nghệ cao, các ngành nghề có chuyên môn sâu.

Những bài học quan trọng của ngành giáo dục

Từ những hạn chế nêu trên, Thủ tướng nêu ra các bài học kinh nghiệm để ngành giáo dục tiếp tục phát triển và đổi mới.

Bài học thứ nhất là công tác phát triển giáo dục đào tạo phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng, đoàn kết của toàn dân trên cả nước.

Bài học thứ hai là các văn bản pháp luật và chỉ đạo điều hành phải được thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu của người học.

Bài học thứ ba là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, quản trị các nhà trường cần đặc biệt chú trọng chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, bám sát thực tiễn, dự báo những diễn biến mới, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, kết hợp hài hòa giữa giáo dục đại trà với giáo dục mũi nhọn.

Bài học thứ tư là ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đội ngũ có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo.

Bài học thứ năm là đầu tư thỏa đáng và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt phải có hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Bài học thứ sáu là truyền thông chính sách, tuyên truyền về giáo dục đào tạo cần được đẩy mạnh, chủ động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Bài học thứ bảy là đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội học tập, học tập suốt đời.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục phải nghiên cứu một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể: Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách, điều kiện để đảm bảo thực hiện.

Phát triển giáo dục đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tổ quốc, với tiến bộ của khoa học công nghệ, phù hợp với quy luật khách quan, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân toàn xã hội.

Các cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan và lấy thực tiễn làm thước đo.

Trong quá trình đổi mới cần kế thừa phát huy những thành tựu, phát triển nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, kiên quyết chấn chỉnh nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục và đào tạo.

Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học. Các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, sát với thực tiễn.

Giáo dục phải bám sát tư tưởng, lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên là động lực, vận hành hiệu quả mối quan hệ nhà trường - học sinh - giáo viên. Đổi mới tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Rà soát, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu 6 vấn đề cần ngành giáo dục tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Một là kiên quyết kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại sức khỏe, đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên.

Hai là khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh an toàn cho học sinh giáo viên trong mọi hoàn cảnh.

Ba là hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và phải ổn định phát triển.

Bốn là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục thường xuyên.

Năm là rà soát lại việc dạy và học môn học Giáo dục công dân trong trường phổ thông, cần thiết thì phải tăng giờ học để đảm bảo chất lượng.

Sáu là nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023 - 2024, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục rà soát, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo.

Quy hoạch mạng lưới, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khẩn trương ban hành các chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển giáo dục đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan.

Làm tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, xem nội dung nào đã làm được, nội dung nào chưa làm được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu đặt ra, trong giai đoạn mới của đất nước.

Xây dựng, sửa đổi bổ sung các chính sách chế độ đãi ngộ với đội ngũ giáo viên, phù hợp với hoàn cảnh đất nước, có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Nâng cấp, bổ sung thiết bị dạy học.

Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí, nhưng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch, xây dựng, đảm bảo quỹ đất phù hợp để xây dựng trường lớp học, đáp ứng nhu cầu người học, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, xu hướng đô thị hóa, sự dịch chuyển dân số giữa các vùng miền.

Tăng cường thông tin, truyền thông về chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm:

Một là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, có chất lượng, kịp thời.

Hai là tập trung rà soát hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo.

Ba là rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 thực sự phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn cảnh cụ thể từng khu vực, từng giai đoạn, để định hướng dạy học và ôn thi đạt sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về xây dựng chương trình, thẩm định sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan đảm bảo chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa.

Bộ Xây dựng và các địa phương tiếp tục rà soát quy chuẩn trường lớp cho thống nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường truyền internet, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cùng phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng, biên chế giáo viên, bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026 đảm bảo nguyên tắc: có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, nhưng phải phù hợp.

Đặc biệt các địa phương chú trọng công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo trên địa bàn, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương.

Ngành giáo dục quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, ngành Giáo dục rất vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022- 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024; được đón đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị; sự tham dự của đông đủ lãnh đạo chủ chốt 63 tỉnh, thành phố; đại diện Ban Giám hiệu, Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tổng kết Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tổng kết Hội nghị.

Bộ trưởng nhận định, sau gần 4 tiếng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm về thực tiễn tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo tại các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt, Hội nghị được nghe ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển giáo dục đào tạo trong thời gian tới; thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo. Đó là vinh dự, cũng là trọng trách của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành Giáo dục.

Chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện tâm huyết, sự thấu hiểu, sâu sát, tầm nhìn sâu rộng với lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng khẳng định, ngành Giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị và sẽ lĩnh hội, quán triệt, triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; lưu ý của Thủ tướng về những điểm cần phải khắc phục; đặc biệt lưu ý đến vấn đề về công bằng giáo dục, phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; khắc phục 6 vấn đề Thủ tướng nêu và một số nội dung cụ thể nêu trong Công điện số 474.

Trước thềm năm học mới, để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo, Bộ trưởng đề nghị mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục Việt Nam vươn lên, xứng đáng với sự quan tâm, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của toàn thể Nhân dân.

Phạm Minh