Khi chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù ngân sách cho phần chưa được tăng

18/08/2023 18:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-PGS Vũ Hải Quân: "Tiến trình tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp nhiều thách thức lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính đại học".

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết phát triển 6 vùng chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các trường đại học.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Nghị quyết 29 đã yêu cầu giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo.Trên tinh thần đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã cụ thể hóa chủ trương này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội nghị.

Hành trình tự chủ đại học trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt, chất lượng đào tạo không ngừng được cải tiến, qua minh chứng, số lượng công bố quốc tế tăng nhanh, số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng nhanh; số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cho rằng, tiến trình tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp nhiều thách thức lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính đại học, nếu không có giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.

Các thách thức trong tiến trình tự chủ bao gồm:Nguồn thu của các trường đại học chủ yếu dựa vào học phí; Chính sách cho sinh viên vay còn hạn chế; Một số quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học; Số sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ gồm sau đại học và đại học đều giảm, làm mất cân đối trong lĩnh vực đào tạo ngành nghề.

"Thách thức lớn nhất là niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học, Có lẽ chưa bao giờ người thầy giáo lại có nhiều tâm trạng, tâm tư như bây giờ",Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân chia sẻ.

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu 3 kiến nghị

Thứ nhất, cần tăng đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục đại học.

Đó là đầu tư cho con người thông qua các đề tài, dự án. Cùng với đó, có lộ trình điều tiết giảm ngân sách Nhà nước. Điều tiết ngân sách Nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi các trường đại học đã tự chủ sau 1 chu kỳ đào tạo (từ 4-5 năm).

Trong trường hợp chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù ngân sách cho phần chưa được tăng.

Đồng thời, sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng, đặc biệt là xây dựng Luật Nhà giáo.

Thứ hai, về chính sách tín dụng cho sinh viên vay, nên mở rộng đối tượng cho sinh viên được vay, điều chỉnh hạn mức vay, giảm lãi suất, điều chỉnh thời gian, tăng thời gian cho sinh viên vay và nghiên cứu xây dựng, sớm ban hành chính sách tín dụng cho sinh viên vay thương mại.

Thứ ba, kiến nghị về cơ chế đặt hàng đào tạo. Dù vận hành theo nền kinh tế thị trường nhưng giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo, nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai.

Các ngành nghề đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông Lâm ngư nghiệp, địa chất, hải dương học,... Nếu không thực hiện điều này, trong tương lai gần, chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà khoa học đầu ngành, và tiến trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa sẽ bị chậm lại.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, về tự chủ đại học, nhiều trường đại học tự chủ hiện nay, mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng chưa suôn sẻ. Đề nghị Bộ Giáo dục có đánh giá về tự chủ đại học nhất là những mặt chưa được.

Về nghiên cứu khoa học cơ bản, là nghiên cứu để phát triển đất nước, đối với mọi ngành. Song, hiện, nguy cơ là ít học sinh đăng ký vào học ngành Khoa học cơ bản.

Trước đây, Hội Khuyến học cũng đã đề nghị riêng ngành khoa học cơ bản Nhà nước phải có học bổng để thu hút sinh viên như miễn học phí và cho học bổng. Nếu không, nguy cơ nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ phải đối mặt như: các nhà khoa học già đi rất nhiều, nhưng những người mới ngành khoa học cơ bản chưa nhiều nếu không có chính sách cho học sinh, sinh viên thu hút vào học khối ngành khoa học cơ bản.

Phạm Minh