ĐH Thái Nguyên đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp 30 năm thành lập

04/04/2024 19:43
Bài và ảnh: Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Mặc dù ở địa bàn tuyển sinh vùng khó khăn, vùng “lõi nghèo”, ĐH Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu trở thành ĐH trọng điểm quốc gia, trung tâm đổi mới, sáng tạo.

Ngày 04/4, Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Đại học Thái Nguyên (04/4/1994-04/4/2024) và và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

GDVN_tham quan trương.jpg
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày tại lễ kỷ niệm.

Dự buổi lễ, có Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh/thành phố.

Phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin và Truyền thông thuộc Hiệp hội.

Cùng dự còn có lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước; lãnh đạo, giảng viên của Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo đại sứ quán các nước, các trường đại học có quan hệ đối tác liên kết với Đại học Thái Nguyên.

GDVN_ảnh đb.jpg
Các đại biểu tham dự chương trình

Phát biểu trình bày diễn văn tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Hôm nay, trong không khí hân hoan, phấn khởi, Đại học Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Những thước phim ngắn với chủ đề “Lan tỏa tri thức, dẫn dắt tương lai, kiến tạo giá trị mới” mà các đại biểu vừa xem đã phản ánh những hình ảnh, những thông điệp và dấu ấn trong lịch sử của Đại học Thái Nguyên”.

GDVN_Quang.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Thái Nguyên.

Theo đó, sau 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Đại học Thái Nguyên.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Đại học Thái Nguyên.

“Một là, công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục trong 30 năm, đại học đã mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng, phát triển ngành, chuyên ngành mới có chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về nhân lực trong vùng, quy mô trên 70.000 người học các trình độ với gần 1.000 sinh viên quốc tế. Các trường đại học thành viên đã có trên nửa thế kỷ phát triển, đã chung sức đào tạo cán bộ trình độ cao. Về chất lượng, người tốt nghiệp chuyên môn, có năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng cũng như đất nước, đào tạo ra những nhà khoa học, nhà lãnh đạo nhà giáo, thầy thuốc, kỹ sư xuất sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp kinh tế và phát triển trong cả nước, đặc biệt là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hai là, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế gắn chặt với phục vụ đào tạo, phục vụ cộng đồng. Nhiều kết quả ứng dụng được đón nhận, đánh giá cao, đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương, vùng và đất nước.

Đại học chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, ngoài việc thu hút hàng nghìn du học sinh từ 23 nước đến học tập, hàng trăm chương trình liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực. Kết quả quan trọng là, giảng viên của đại học đã bắt kịp hội nhập quốc tế, phát triển chương trình đào tạo, quản trị hiện đại, tạo dựng phong cách mới trong giảng dạy và học tập.

Ba là, công tác xây dựng đội ngũ được quan tâm đặc biệt, so với ngày đầu thành lập, giảng viên tăng nhanh số lượng, chú trọng chất lượng, trình độ giảng viên đi lên... Tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, năng lực cống hiến của các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đã được lan tỏa rộng khắp.

Bốn là, công tác xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục đại học đã chú trọng đầu tư, từng bước hiện đại hóa, môi trường học tập ở đại học gắn với môi trường đổi mới sáng tạo, văn hóa học đường gắn với môi trường nghề nghiệp, rèn luyện nhân cách người học phát triển toàn diện, đậm đà bản sắc.

Môi trường giáo dục đã có sức hấp dẫn của các trường, đã có những chính sách kịp thời động viên, tôn trọng tri thức, trân trọng các giá trị cống hiến, lan tỏa những tấm gương điển hình, truyền cảm hứng đến người học và cộng đồng.

Năm là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chăm lo đời sống cán bộ, viên chức, sinh viên và thực hiện nghĩa vụ xã hội... Toàn Đại học là một khối đoàn kết, thống nhất, chất lượng phục vụ cộng đồng của Đại học Thái Nguyên được đánh giá cao.

Thành tựu nổi bật của đại học trong những năm gần đây là đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước ta. Người dân tộc thiểu số chiếm 56,2% dân số trong vùng, đây cũng là nơi có rừng đầu nguồn, là nguồn nước, là hệ sinh thái quan trọng của đất nước.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã khẳng định, bối cảnh mới trong nước và quốc tế, đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và nhất là phát triển nhân lực chất lượng cao, các đột phá chiến lược phát triển bền vững, trong đó giáo dục đại học là mũi nhọn.

Sự kiện Đại học Thái Nguyên vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất là phần thưởng cao quý, đánh giá sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên nhiều thế hệ, là kết quả của sự lãnh đạo, định hướng của các thế hệ lãnh đạo Đại học, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ban bộ ngành Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên, và sự giúp đỡ quý báu của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng Việt Bắc và Tây Bắc của đất nước” - Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang cho biết thêm.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên.

“Trong giai đoạn tới, Đại học Thái Nguyên xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đại học Thái Nguyên cam kết thực hiện tốt tự chủ đại học, tạo bước chuyển biến rõ rệt chất lượng đào tạo, thực hiện tốt mục tiêu đặt ra trong phát triển đại học đến năm 2030, tầm nhìn 2045, quán triệt sâu sắc về quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo...

Hai là, nâng tầm giảng viên và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Đại học Thái Nguyên phấn đấu tăng tỉ lệ tiến sĩ vượt chuẩn đại học và quan trọng hơn là nâng tầm giảng viên đại học phải gắn liền với các chỉ số đổi mới sáng tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực hội nhập quốc tế và các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Ba là, đầu tư phát triển môi trường giáo dục đổi mới sáng tạo, chính là điều kiện then chốt đảm bảo chất lượng, để người hướng nghiệp có năng lực cống hiến phục vụ cộng đồng theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ, đại học số, đại học xanh, có môi trường văn hóa đặc sắc, thu hút mọi nguồn lực đầu tư...

Mặc dù ở địa bàn tuyển sinh vùng khó khăn, vùng “lõi nghèo” của cả nước, nhưng Đại học Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu trở thành đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm đổi mới, sáng tạo, có chất lượng cao của vùng, của đất nước” - Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chúc mừng Đại học Thái Nguyên.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chúc mừng Đại học Thái Nguyên.

Phát biểu chúc mừng Đại học Thái Nguyên, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Thái Nguyên ngày nay đã tạo được thương hiệu, uy tín cao, phát triển toàn diện cả về quy mô, ngành nghề và chương trình đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng được đăng tải trên những tạp chí khoa học và nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước.

Theo đó, Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại học Thái Nguyên được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với thành quả lao động và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên; đánh giá cao việc Đại học Thái Nguyên đã xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ nằm trong nhóm 50 trường đại học hàng đầu châu Á.

Quyền Chủ tịch nước tặng ảnh Bác Hồ cho Đại học Thái Nguyên.

Quyền Chủ tịch nước tặng ảnh Bác Hồ cho Đại học Thái Nguyên.

Trước xu thế phát triển mới của thời đại cùng với cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho đất nước ta nói chung và sự nghiệp phát triển đào tạo nói riêng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Đại học Thái Nguyên tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo và phát triển vùng.

Theo đó, Đại học Thái Nguyên phải năng động, sáng tạo, có phương pháp, cách làm bài bản, khoa học, có lộ trình và bước đi phù hợp để xây dựng Đại học phát triển vững mạnh; trong đó cần xây dựng mô hình quản trị đại học hiện đại, kiên trì thực hiện tự chủ đại học không chỉ về tài chính, đầu tư mà còn tự chủ về chương trình, phương pháp đào tạo, tiếp cận với xu thế hiện đại và phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường làm việc văn minh hiện đại, từng bước có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên để họ yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Quyền Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành Trung ương, cũng như tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và dành nguồn lực hỗ trợ Đại học Thái Nguyên phát triển theo đúng định hướng đề ra.

Tại lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) cho Đại học Thái Nguyên.

GDVN_ảnh tặng 2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trao tặng Cờ thi đua cho Đại học Thái Nguyên.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, 12 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tặng Bằng khen cho Đại học Thái Nguyên vì có những đóng góp tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...

GDVN_nguyên lãnh đạo.jpg
Nguyên lãnh đạo Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ

Đại học Thái Nguyên hiện có 2.454 cán bộ giảng dạy; trong đó 162 giáo sư, phó giáo sư, 925 tiến sĩ, 1.890 thạc sĩ và tương đương; 176 giảng viên cao cấp, 775 giảng viên chính, 15 chuyên viên chính... 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo, cung cấp cho cả nước khoảng 200.000 cán bộ, trong đó có gần 33.000 thạc sĩ, gần 300 tiến sĩ, trên 3.000 bác sĩ chuyên khoa…

Xem thêm một số hình ảnh tại buổi lễ:

GDVN_ảnh.jpg
Các đại biểu tham dự buổi lễ.
GDVN_hùng - GDD.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu bế mạc buổi lễ.
GDVN_vn.jpg
Văn nghệ chào mừng.
GVDN_van  ghe.jpg
Ca sĩ Mỹ Linh biểu diễn tiết mục Người giáo viên nhân dân.
GDVN_tham quan.jpg
Các gian trưng bày tại lễ kỷ niệm.
Bài và ảnh: Mộc Hương