Thiếu nhà công vụ, thu nhập chưa tương xứng khiến vùng khó ngày càng thiếu GV

16/04/2025 06:34
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc đầu tư phát triển, thu hút, giữ chân giáo viên ở những khu vực khó khăn sẽ giúp duy trì hoạt động giáo dục ổn định, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 51 đặt ra là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Đối với các địa phương, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế trên địa bàn; rà soát, điều động, luân chuyển số giáo viên hiện có, giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tuyển dụng đúng, đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, có giải pháp đối với những nơi còn thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Các trường vùng cao vẫn đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: Phát triển đội ngũ giáo viên ở khu vực khó khăn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và bảo đảm công bằng trong tiếp cận tri thức cho mọi học sinh.

Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa, hỗ trợ học sinh vượt qua rào cản ngôn ngữ, điều kiện sống và môi trường học tập thiếu thốn.

Việc đầu tư phát triển, thu hút và giữ chân giáo viên ở những khu vực này không chỉ giúp duy trì hoạt động giáo dục ổn định mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài cho địa phương.

Tuy nhiên, để thu hút được giáo viên từ nơi khác về công tác tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa không phải là điều dễ dàng. Những khu vực này thường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, đời sống văn hóa – tinh thần hạn chế và cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng không nhiều. Bên cạnh đó, giáo viên khi công tác ở những vùng này còn phải đối mặt với áp lực công việc cao, kiêm nhiệm nhiều vai trò, và thường xuyên phải thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt.

gdvn-nt9-860.jpg
Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa, hỗ trợ học sinh vượt qua rào cản ngôn ngữ. Ảnh: Đào Hiền

Theo chia sẻ của cô Hải, phần lớn các trường học ở những khu vực khó khăn thường rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ. Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cũng phải ngoại lệ. Hiện nay, nhà trường đang triển khai dạy học 2 buổi/ngày và theo yêu cầu thì cần đến 1,5 giáo viên/lớp thì mới đảm bảo được chất lượng.

Do số lượng giáo viên hiện có của trường chưa đủ nên nhà trường buộc phải để giáo viên kiêm nhiệm thêm một số việc ngoài nhiệm vụ ban đầu của thầy cô. Khi giáo viên phải đảm nhận nhiều công việc sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, tâm huyết của nhà giáo.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cũng thông tin, hiện nay đội ngũ giáo viên tại trường không chỉ bao gồm các thầy cô sinh sống trên địa bàn huyện, mà còn có những giáo viên từ nơi khác đến công tác, với khoảng cách từ nhà đến trường lên đến 50–60 km.

Thực tế cho thấy, hành trình đến trường của các thầy cô gặp không ít khó khăn do điều kiện đi lại xa xôi, vất vả. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường học lại chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là việc thiếu phòng công vụ để giáo viên lưu trú. Điều này buộc giáo viên phải tự thuê phòng trọ, phát sinh thêm chi phí sinh hoạt đáng kể.

Tương tự, tại Trường Tiểu học La Văn Cầu (Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cũng đang phải đối mặt trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Theo chia sẻ thầy Hà Hữu Phong - Hiệu trưởng nhà trường, hiện đơn vị đang thiếu khoảng 20 giáo viên so với nhu cầu thực tế, gây áp lực không nhỏ trong việc tổ chức dạy học và triển khai các hoạt động giáo dục.

Đánh giá từ thực tế, thầy Phong cho hay mặc dù Uỷ ban Nhân dân huyện Đắk Glong đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, nhưng số lượng đơn ứng tuyển lại không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Chưa kể theo thống kê, khoảng 70% đội ngũ giáo viên của trường là người từ nơi khác đến công tác. Họ phải vượt qua quãng đường xa xôi, đối mặt với điều kiện sống và làm việc còn nhiều thiếu thốn để bám trường, bám lớp. Trong khi đó, trường vẫn chưa có phòng công vụ, khiến giáo viên buộc phải thuê trọ, làm tăng thêm chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Trước thực trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, nhà trường đã chủ động triển khai giải pháp hợp đồng giáo viên nhằm tạm thời khắc phục tình trạng này và đảm bảo duy trì hoạt động dạy học ổn định. Trong số các giáo viên hợp đồng, có những thầy cô hiện chưa đạt trình độ đại học theo quy định. Tuy nhiên, do nhu cầu cấp thiết về nhân lực giảng dạy, nhà trường vẫn buộc phải ký hợp đồng để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp.

“Đây là giải pháp tình thế nhưng cần thiết trong bối cảnh nguồn tuyển dụng khan hiếm và việc thu hút giáo viên có trình độ đạt chuẩn về công tác tại vùng khó khăn còn nhiều hạn chế”, thầy Phong thông tin.

la-van-cau-1451.jpg
Đường đến Trường Tiểu học La Văn Cầu ( Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Ảnh: NVCC

Phát triển đội ngũ nhà giáo ở vùng cao cần đảm bảo nhiều yếu tố

Chia sẻ với phóng viên, cô Doãn Thị Vân Anh - giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bày tỏ: Ở trường, cô may mắn hơn nhiều giáo viên khác khi quãng đường từ nhà đến trường chỉ khoảng 10km và đường đi đã được kiên cố hoá, không còn gặp nhiều khó khăn như trước.

Tuy nhiên, hàng ngày cô vẫn chứng kiến những người đồng nghiệp phải di chuyển 50 - 60km để đến trường. Quá trình đi lại của họ thật sự rất vất vả, không chỉ mất thời gian dài mà còn đối mặt với nhiều khó khăn về giao thông, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc mùa mưa.

Theo chia sẻ của cô Vân Anh, mặc dù các chính sách và chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước, nhưng thực tế vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống của nhiều thầy cô, đặc biệt là những người công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Với lịch học như vậy, nhiều giáo viên buộc phải ở lại trường để tiết kiệm thời gian di chuyển. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay vẫn còn khá thiếu thốn nên chưa có nhà công vụ dành cho giáo viên. Điều này khiến các thầy cô phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm nơi nghỉ ngơi.

Trong giờ nghỉ trưa, họ thường phải ăn cơm nhờ tại các gia đình dân cư gần trường. Đối với những giáo viên phải ở lại trường qua đêm, việc nghỉ ngơi càng trở nên khó khăn hơn khi họ phải trải chiếu ngay tại các phòng học, nơi vốn không được trang bị đầy đủ các tiện nghi cơ bản như giường hay chăn màn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của giáo viên mà còn làm giảm chất lượng công việc khi họ phải đảm nhận nhiều công việc và thiếu thốn không gian nghỉ ngơi.

Chưa kể, với 40 học sinh được hỗ trợ theo chính sách "bán trú dân nuôi", nếu nhà trường không kêu gọi được đủ nguồn ủng hộ từ các tổ chức, mạnh thường quân thì nhà trường sẽ vận động sự đóng góp từ chính đội ngũ giáo viên trong trường.

Trong trường hợp này, giáo viên sẽ tự nguyện tham gia vào công tác hỗ trợ học sinh bán trú, bao gồm cả việc trực đêm và chăm sóc các em trong suốt thời gian ở lại trường. Công việc này xuất phát trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm của giáo viên và giáo viên không được nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào.

Từ tình hình thực tế tại trường, cô Vân Anh cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút giáo viên đến công tác tại các khu vực khó khăn còn hạn chế.

Trước hết là hạ tầng giao thông ở nhiều nơi chưa được cải thiện, đường đi chủ yếu là đường đất khiến việc di chuyển còn vất vả, đặc biệt vào những mùa mưa, lũ.

Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Nhiều trường chưa có nhà công vụ, giáo viên phải tự thuê phòng trọ để ở, trong khi mức hỗ trợ chưa tương xứng dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt và ổn định cuộc sống.

Cuối cùng, mặc dù các chế độ lương và phụ cấp đã có cải thiện so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cơ bản, nhất là đối với giáo viên phải sống xa nhà và tự lo toàn bộ chi phí sinh hoạt.

“Do đó, dù nhiều thầy cô rất tâm huyết với nghề, nhưng việc gắn bó lâu dài với trường lớp ở những địa bàn khó khăn vẫn là một thách thức lớn”, cô Vân Anh bày tỏ.

gdvn-10-1340.jpg
Đầu tư cơ sở vật chất sẽ tạo được môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh và giáo viên. Ảnh minh hoạ: Đào Hiền

Còn theo quan điểm của cô Hoàng Thị Thanh Hải, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa bàn khó khăn thì trước hết cần có đầy đủ cơ sở vật chất. Theo đó, trường lớp phải kiên cố, đủ phòng học, trang thiết bị giảng dạy như bảng, bàn ghế, đồ dùng học tập và công nghệ hỗ trợ phù hợp. Cơ sở vật chất không chỉ là điều kiện cần để tổ chức dạy học hiệu quả mà còn tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh và giáo viên.

Khi có không gian học tập đầy đủ, sạch sẽ, hiện đại, giáo viên mới có thể phát huy tốt chuyên môn, học sinh cũng sẽ hứng thú hơn trong học tập, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại các khu vực khó khăn. Việc có chỗ ở ổn định, gần trường sẽ giúp giảm bớt những lo ngại về khoảng cách địa lý, thời gian đi lại và chi phí sinh hoạt. Khi được tạo điều kiện về nơi ở, giáo viên sẽ yên tâm hơn trong công việc, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy và gắn bó lâu dài với môi trường giáo dục ở các vùng đặc thù.

“Đây không chỉ là chính sách hỗ trợ thiết thực mà còn là giải pháp chiến lược để phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng cho khu vực còn nhiều khó khăn”, cô Hải nhận định.

Thứ hai, bên cạnh việc đảm bảo cơ sở vật chất, cần đặc biệt chú trọng đến chế độ, chính sách dành cho giáo viên, bởi đây là yếu tố nền tảng để thu hút và giữ chân đội ngũ nhà giáo. Khi chế độ đãi ngộ được đảm bảo từ lương, phụ cấp đến điều kiện sinh hoạt, sẽ tạo sự yên tâm, giúp giáo viên ổn định cuộc sống và toàn tâm toàn ý với công việc. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hứng thú, nhiệt huyết trong giảng dạy mà còn là động lực để giáo viên sẵn sàng công tác lâu dài tại những vùng đặc thù, vùng sâu, vùng xa, những nơi đang rất cần sự cống hiến và gắn bó bền vững của đội ngũ nhà giáo.

“Để phát triển đội ngũ nhà giáo tại các khu vực khó khăn, cần có chính sách đãi ngộ thực sự hấp dẫn, đủ sức giải quyết những bất cập còn tồn tại như điều kiện làm việc thiếu thốn, đời sống sinh hoạt khó khăn hay cơ hội phát triển nghề nghiệp còn hạn chế.

Thực tế tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, do điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí, ban lãnh đạo chủ yếu chỉ có thể tích cực động viên, khích lệ tinh thần và vận động giáo viên tiếp tục gắn bó với nhà trường.

Để tạo thêm động lực, nhà trường đã triển khai các đợt khen thưởng vào dịp cuối năm, cuối học kỳ. Dù giá trị phần thưởng không lớn, nhưng đó là sự ghi nhận, là tấm lòng và sự quan tâm của tập thể nhà trường dành cho những nỗ lực, cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo. Đây cũng là cách để giữ lửa nghề và tiếp thêm niềm tin cho đội ngũ giáo viên đang ngày đêm bám trường, bám lớp tại những vùng còn nhiều gian khó”, cô Hải chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Hà Hữu Phong cũng cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ thông qua các chính sách đặc thù, thiết thực và lâu dài dành cho đội ngũ giáo viên đang công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là chính sách hỗ trợ về nhà ở. Việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà công vụ cho giáo viên không chỉ giúp họ có nơi lưu trú ổn định, giảm gánh nặng thuê trọ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với trường lớp.

Bên cạnh đó, chế độ tiền lương, phụ cấp cũng cần được điều chỉnh phù hợp với đặc thù công việc và điều kiện sinh hoạt tại những vùng khó khăn. Ngoài ra, cần bổ sung các chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ đi lại, chăm sóc y tế, ưu tiên trong xét thăng hạng, đào tạo – bồi dưỡng chuyên môn và tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giáo viên ở những địa bàn này.

Quan trọng hơn, các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán và kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ hoặc thiếu nhất quán trong khâu triển khai, gây tâm lý nản lòng cho giáo viên.

Khi giáo viên được đảm bảo đầy đủ về đời sống vật chất và tinh thần, có môi trường làm việc ổn định, họ mới có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

ĐÀO HIỀN