Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang từng bước thay đổi cách thức con người tiếp cận và tiếp thu tri thức, đồng thời tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều hình thức đọc hiện đại như sách nói, sách tương tác, sách 3D thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử – một xu hướng ngày càng phổ biến trong kỷ nguyên số.
Trước làn sóng đổi mới này, trung tâm thông tin thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng đa dạng, linh hoạt và cá nhân hóa của người học và người đọc.
Đổi mới trải nghiệm đọc sách với công nghệ số
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Thư viện, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhận định: “Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển văn hóa đọc không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là giải pháp đột phá nhằm đưa tri thức nhân loại đến gần hơn với bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc đổi mới hoạt động thư viện và thúc đẩy văn hóa đọc. Những công nghệ này không chỉ giúp người đọc tiếp cận tài liệu một cách thuận tiện, linh hoạt mà còn tạo ra những trải nghiệm đọc hấp dẫn, sinh động hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống”.

Cùng chia sẻ về nội dung này, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ, sinh viên hiện nay ngày càng quen thuộc với các thiết bị công nghệ và môi trường học tập số, việc đọc sách cũng không còn dừng lại ở những trang giấy truyền thống.
“Một trong những tác động rõ nét nhất chính là sự thay đổi trong tiêu chí lựa chọn và phương thức tiếp cận tri thức của sinh viên. Việc đọc sách ngày nay không còn mang tính thụ động, mà đã trở thành một quá trình học tập chủ động, cá nhân hóa và mang tính trực quan cao.
Sinh viên có thể lựa chọn nội dung phù hợp với năng lực, sở thích. Đồng thời, tương tác trực tiếp với tài liệu qua âm thanh, hình ảnh, thậm chí là không gian 3D sống động.
Nhờ đó, khả năng tư duy phản biện, ghi nhớ sâu và kết nối thông tin của sinh viên cũng được cải thiện rõ rệt. Các em trở nên linh hoạt hơn trong việc lựa chọn phương pháp đọc, từ việc nghe sách trên điện thoại khi đang di chuyển, đến việc trải nghiệm nội dung qua mô phỏng thực tế ảo.
Tất cả góp phần hình thành một thói quen đọc mới mang tính hiện đại, đa phương tiện và phù hợp với xu hướng số hóa”, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều đánh giá.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo là những trợ thủ đắc lực làm mở rộng và phong phú thêm văn hóa đọc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khi sử dụng sách điện tử, sinh viên không cần phải mang theo sách in nặng nề, chỉ cần một thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại,… là có thể truy cập được. Bên cạnh đó, một số nền tảng đọc sách điện tử như Kindle, Google Books và Apple Books cung cấp tính năng cá nhân hóa, sinh viên có thể thay đổi phông chữ, kích thước chữ và chế độ đọc (ban ngày, ban đêm) hữu ích cho những sinh viên có vấn đề về thị lực.
Sách điện tử còn cho phép sinh viên tìm kiếm nhanh chóng các chương, mục trong sách, đồng thời ghi chú trực tiếp vào sách, những ghi chú này có thể lưu trữ và chia sẻ dễ dàng, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu. Việc đồng bộ hóa quá trình đọc trên nhiều thiết bị từ điện thoại, máy tính bảng hay máy tính để bàn của sách điện tử cũng giúp cho việc đọc sách của sinh viên trở nên linh hoạt hơn.
Đối với sách âm thanh, sinh viên có thể nghe sách khi di chuyển, làm việc nhà hoặc tập thể dục, giúp tận dụng được tối đa thời gian. Một số nền tảng sách âm thanh cũng cho phép sinh viên điều chỉnh tốc độ đọc, chọn giọng, nghe bằng nhiều ngôn ngữ.

"Trong khi đó, sách tương tác lại là một xu hướng khá mới mẻ, kết hợp công nghệ số với trải nghiệm đọc sách truyền thống. Sách tương tác có thể bao gồm nhiều yếu tố đa phương tiện hỗ trợ sinh viên trải nghiệm nội dung sách một cách sống động, tăng khả năng đọc hiểu các khái niệm phức tạp.
Sách tương tác cũng cho phép sinh viên tham gia vào một số hoạt động như trả lời câu hỏi, làm bài tập, thảo luận. Ngoài ra, những tính năng như kiểm tra trực tiếp, mô phỏng hoặc câu đố trong sách tương tác khuyến khích sinh viên tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập, tạo ra một môi trường học tập chủ động và hấp dẫn.
Mặt khác, việc tích hợp công nghệ thực tế ảo vào sách còn mang đến khả năng mô phỏng 3D và minh họa trực quan, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn các khái niệm, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và y học. Công nghệ này có thể biến những bài học vốn khô khan trong sách thành những trải nghiệm tương tác sinh động và hấp dẫn", Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cần đi đôi với xây dựng cơ sở dữ liệu số
Trước những xu hướng đọc sách mới, thư viện ngày nay không còn giữ vai trò truyền thống là nơi lưu trữ sách đơn thuần, mà đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm kết nối tri thức số.
Việc đẩy mạnh ứng dụng và tích hợp công nghệ hiện đại vào hoạt động thư viện không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phục vụ bạn đọc, mà còn mở ra những phương thức truyền tải tri thức mới một cách nhanh chóng, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của người sử dụng trong kỷ nguyên số.
Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, theo Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều thông tin: “Trong thời gian qua, nhà trường chú trọng đầu tư nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm Thông tin – Thư viện.
Cụ thể, nhà trường đã triển khai phần mềm thư viện tổng thể Kipos để quản lý toàn diện hoạt động của thư viện và sử dụng phần mềm Dspace để quản trị tài liệu số cũng như tài nguyên giáo dục mở.
Nhà trường cũng chủ động kết nối dữ liệu với nhiều trường đại học trong nước thông qua trung tâm tri thức số và mạng lưới thông tin khoa học công nghệ. Đồng thời, nhiều tài liệu nội sinh như khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu, công bố khoa học… cũng được số hóa để lưu trữ và phục vụ tra cứu.
Bên cạnh đó, nhà trường còn phát triển nguồn tài liệu số thông qua một số hình thức liên kết, nhận tài trợ và mua quyền truy cập từ các nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu tài liệu môn học dành riêng cho từng chương trình đào tạo đã được xây dựng, giúp sinh viên dễ dàng tra cứu và sử dụng tài liệu phục vụ học tập”.

Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều cho biết thêm, theo kết quả khảo sát định kỳ do Trung tâm Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện hằng năm, trên 90% cán bộ, giảng viên và sinh viên đánh giá hài lòng với chất lượng dịch vụ thư viện nói chung và thư viện số, thư viện điện tử nói riêng. Bên cạnh đó, số liệu thống kê từ hệ thống cũng cho thấy tỷ lệ truy cập và khai thác tài liệu số ngày càng tăng qua từng năm.
Qua khảo sát, nhà trường nhận thấy một số yếu tố then chốt thu hút sinh viên đến với thư viện số bao gồm: chất lượng tài liệu, tính năng và tiện ích của nền tảng công nghệ, chính sách truy cập hợp lý và dịch vụ hỗ trợ hiệu quả. Nếu một trong những yếu tố này chưa đáp ứng tốt thì có thể trở thành rào cản khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu số.
“Thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai đầu tư thêm hệ thống phần mềm quản lý thư viện, trong đó chú trọng phát triển cập nhật các tính năng hỗ trợ quản trị tài liệu số giúp cho sinh viên có thể đọc, trải nghiệm và tương tác trên các thiết bị khác nhau cũng như ứng dụng AI trong dịch vụ hỗ trợ bạn đọc.
Bên cạnh cơ sở dữ liệu hiện có, nhà trường tiếp tục mua bổ sung quyền truy cập tài liệu số từ một số nhà xuất bản nổi tiếng của nước ngoài có ứng dụng nền tảng số hiện đại. Song song với đó là xây dựng bộ sưu tập tài liệu số chuyên đề “khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo” góp phần cung cấp kiến thức về lĩnh vực này cho sinh viên theo định hướng giáo dục đại học khởi nghiệp đang được nhà trường triển khai thực hiện”, cô Kiều cho hay.

Về phía Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ, nhà trường thường xuyên chỉ đạo sát sao việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hoạt động của thư viện, bao gồm:
Thứ nhất, đầu tư phần mềm thư viện số, thúc đẩy việc xây dựng dữ liệu số như sách điện tử, bài báo khoa học, luận án, luận văn và các tài liệu học thuật có bản quyền. Khuyến khích chuyển đổi tài liệu truyền thống (đảm bảo bản quyền) thành tài liệu điện tử.
Thứ hai, cung cấp cơ sở dữ liệu điện tử bằng hình thức mua chung, kết nối, trao đổi qua: cơ sở dữ liệu của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Truyền thông và Tri thức số, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số thư viện khác. Sinh viên nhà trường không chỉ được sử dụng cơ sở dữ liệu học thuật trong nước mà còn được sử dụng cơ sở dữ liệu quốc tế như Springer, ProQuest,....
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông thông qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn sử dụng thư viện số; triển khai một số cuộc thi, khảo sát nhằm tìm hiểu nhu cầu và thói quen sử dụng của người đọc; đồng thời cung cấp thông tin số một cách thường xuyên và hiệu quả đến người dùng.

Qua quá trình triển khai và phục vụ, những hoạt động trên đã góp phần thu hút sự quan tâm và gia tăng tần suất tiếp cận thư viện số, thư viện điện tử của sinh viên và giảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, thư viện số cũng đối mặt với một số thách thức nhất định.
“Một số giảng viên và sinh viên chưa quen với việc sử dụng công nghệ có thể gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm tài liệu cũng như thao tác với công cụ hỗ trợ thư viện số.
Bên cạnh đó, nguồn học liệu phù hợp còn hạn chế, đặc biệt là những tài liệu chưa được cấp phép bản quyền thì không thể số hóa và tích hợp vào hệ thống, dẫn đến tình trạng không phải mọi tài liệu mà người học cần đều có thể được cung cấp.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật thông tin và chính sách quyền truy cập cũng là rào cản trong việc tiếp cận tài liệu. Nhiều tài liệu có bản quyền chặt chẽ hoặc yêu cầu trả phí đã phần nào giới hạn quyền tiếp cận thông tin của người dùng trong môi trường học thuật số”, Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng bày tỏ.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Thư viện, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, việc đầu tư vào hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại và dữ liệu số hóa đã giúp đồng bộ hóa tài nguyên, nâng cao hiệu quả khai thác thông tin.
Nhưng để phát huy hết tiềm năng và đưa thư viện trở thành trung tâm kết nối tri thức số cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và dữ liệu. Có công nghệ nhưng thiếu dữ liệu thì không thể khai thác hiệu quả, ngược lại, nếu có dữ liệu nhưng thiếu công cụ truyền tải thì cũng không đến được với người học.

“Trung tâm thư viện được nhà trường định hướng phát triển theo mô hình lấy người đọc làm trung tâm, với sự đầu tư đồng bộ cả về thiết bị công nghệ lẫn nội dung số. Điều này nhằm đảm bảo rằng người dùng sẽ có đầy đủ công cụ và tài nguyên cần thiết để đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu.
Trong năm 2024, sau khi hoàn tất quá trình đầu tư và triển khai, nhà trường đã chính thức đưa vào vận hành và khai thác hệ thống phần mềm thư viện L’ima. Hệ thống phần mềm thư viện thông minh L’ima hoàn toàn có thể tích hợp với phần mềm quản lý thư viện truyền thống, phần mềm quản lý thư viện số; ứng dụng di động UNETI Library, giải pháp bảo vệ bản quyền số của tài liệu DRM; máy mượn trả tài liệu tự động, thiết bị an ninh thư viện công nghệ RFID,… đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thư viện.
Về nguồn học liệu, hiện nay thư viện sở hữu tài liệu in với gần 10.000 đầu sách, tài liệu số với gần 4.000 đầu tài liệu thuộc các lĩnh vực đào tạo của nhà trường và các cơ sở dữ liệu liên kết, chia sẻ để bạn đọc khai thác tài liệu như: Trung tâm kết nối Tri thức số - Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (Thư viện số dùng chung), Tài nguyên số của Trung tâm Truyền thông và Tri thức số, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm kết nối Tri thức số, cơ sở dữ liệu điện tử Springer với 1.699 tài liệu được nhà trường mua quyền truy cập vĩnh viễn”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà thông tin.